Người xưa chủ yếu căn cứ vào đức tính, chí khí cũng như ngôn hành có nằm trong Đạo hay không để đánh giá người đó là quân tử hay tiểu nhân. Cách đánh giá này thể hiện quan niệm đạo đức luân lí Nho gia của người xưa về việc coi trọng trách nhiệm, đạo nghĩa cùng đức hạnh.
Làm người đều nên cố gắng để noi theo cái đức hạnh của bậc quân tử. Vậy thì, quân tử và tiểu nhân có gì khác biệt? Khổng Tử đã đưa ra những tiêu chuẩn sau để phân biệt bậc quân tử và kẻ tiểu nhân.
Quân tử thì thản nhiên, thư thái, kẻ tiểu nhân thường hay lo lắng, ưu sầu
Bậc quân tử tính tình lạc quan vui vẻ, tính cách điềm đạm, không quá đặt nặng việc được mất nơi thế gian. Kẻ tiểu nhân thì luôn để mắt đến mọi thứ, so đo, tính toán từng li từng tí, nên luôn cảm thấy lo lắng, thường xuyên “co mặt co mày” tỏ rõ sự khó chịu.
Tấm lòng của bậc quân tử như là trời quang trăng sáng; tấm lòng rộng mở bao la. Bất luận là khi đắc ý hay gặp gian nan, tấm lòng vẫn luôn giữ được sự cởi mở, lạc quan, luôn lấy bao dung mà đối đãi với mọi người, không oán không hận, vì vậy mới có thể “Ngửa mặt lên trời mà không hổ, cúi đầu với người mà không thẹn”.
Quân tử đoàn kết mà không câu kết, tiểu nhân câu kết nhưng không đoàn kết
Người quân tử tôn trọng giá trị của mọi người, yêu thương mọi người không phân biệt giàu nghèo, sang hèn…; cho nên người quân tử cư xử đồng đều với mọi người, không thiên vị ai.
Trái lại, kẻ tiểu nhân chỉ tôn trọng, yêu thương những người cùng phe, cùng cánh với mình, cùng chung quyền lợi với mình. Vì thế, kẻ tiểu nhân không hành động vì lợi ích chung, mà chỉ về hùa với những kẻ hợp ý mình mặc dù những kẻ ấy hành động xấu.
Quân tử hiểu về lễ nghĩa, tiểu nhân hiểu về điều lợi.
Điều quân tử coi trọng là đạo nghĩa, còn điều kẻ tiểu nhân xem trọng là lợi ích của cá nhân.
Khi gặp phải vấn đề nào đấy hoặc khi đứng trước sự lựa chọn, bậc quân tử đầu tiên sẽ lấy tiêu chuẩn đạo đức để đo lường, cuối cùng sẽ đưa ra sự lựa chọn, còn tiểu nhân khi gặp một việc nào đó, điều trước tiên nghĩ đến sẽ là làm thế nào để đạt được lợi ích, đây chính là khác biệt lớn nhất giữa bậc quân tử và kẻ tiểu nhân khi suy xét vấn đề, đưa ra lựa chọn.
Quân tử giúp người làm điều tốt đẹp, không khiến người trở nên ác xấu
Bậc quân tử sẽ chỉ tập trung vào những ưu điểm của người khác, không quan tâm để ý những khuyết điểm của người khác. Còn tiểu nhân thì ngược lại.
Bậc quân tử có phẩm đức cao thượng có tấm lòng nhân hậu, khi thấy việc làm của người khác phù hợp với đạo nghĩa, bậc quân tử sẽ mừng vui, hơn nữa còn sẵn sàng giúp đỡ người khác đạt được mục tiêu tốt đẹp, thúc đẩy sự tiến bộ và thành công của người khác. Nhưng nếu trái với luân thường đạo lý, bậc quân tử nhất định sẽ không “vẽ đường cho hươu chạy”.
Quân tử hướng thượng thông đạt nhân nghĩa, tiểu nhân hướng hạ thông đạt tài lợi
Câu nói này có nhiều cách giải thích: Một là quân tử đang tiến bộ lên từng ngày, kẻ tiểu nhân thì mỗi ngày một kém cỏi hơn. Một là nói bậc quân tử thuận theo lẽ trời, ngày càng cao minh hơn, tiểu nhân sống đuổi theo dục vọng mà ngày càng thoái lùi. Một là nói quân tử truy cầu đắc được những điều ở tầng cao, còn tiểu nhân thì muốn đắc được ở tầng thấp.
Cổ nhân thường nói: Người có chí hướng sẽ đi đường dài. Có hai hướng làm người, một là “hướng lên trên”, và một là “hướng xuống dưới”. Hướng lên trên chính là “hướng Thiện”, không ngừng quy chính lỗi lầm, truy cầu đạo nghĩa, hướng xuống dưới là không biết hướng vào nội tâm của bản thân mà sửa đổi, không biết tu thân, dưỡng tính và ngày càng không tiến bộ.
Hướng lên trên luôn khó khăn hơn, cần phải phó xuất, nỗ lực rất nhiều, hướng xuống dưới lại rất dễ dàng, nhưng kết quả là hủy hoại chính mình.
Quân tử nghĩ đến đạo đức, tiểu nhân nghĩ đến đất đai, quân tử coi trọng hình thức phép tắc, tiểu nhân chỉ mong ân huệ
Điều bậc quân tử nghĩ tới là đức hạnh, điều kẻ tiểu nhân nghĩ tới là địa vị, đất đai và nhà cửa. Điều mà bậc quân tử suy xét là không làm những việc trái với luân thường đạo lý, còn kẻ tiểu nhân thì lại bất chấp hiểm nguy, duy chỉ nghĩ làm thế nào để đạt được lợi ích.
Bậc quân tử thì an phận thủ pháp, kẻ tiểu nhân thì đặt lợi ích lên hàng đầu, chỉ vì lợi nhuận mà bất chấp tất cả. Những điều quân tử và tiểu nhân truy cầu và suy xét là không giống nhau, bởi vậy hành động cũng khác nhau, cuối cùng thì kết quả cũng có sự sai biệt.
Quân Tử yêu cầu bản thân, tiểu nhân yêu cầu người khác
Bậc quân tử trách mình, kẻ tiểu nhân trách người. Câu nói này là quan điểm của Khổng Tử về vấn đề tại thời điểm phát sinh mâu thuẫn, nên chỉ trích khuyết điểm và sai lầm của người khác hay là tự nhìn nhận lại thiếu sót của bản thân mình.
Khi xảy ra vấn đều hay mâu thuẫn, bậc quân tử thường hướng tâm tự soi xét bản thân mình, tìm xem bản thân có chỗ nào thiếu sót. Từ đó mà cải chính khuyết điểm để không ngừng tiến bộ. Còn kẻ tiểu nhân thì ngược lại, trước giờ không thể tự kiểm điểm bản thân, luôn lấy lỗi lầm của bản thân để đẩy hết trách nhiệm cho người khác, và tự nhiên sẽ không có tiến bộ nào cả.
Nguồn: Secretchina
Lan Hòa biên tập