Ảnh: Baomoi.com

Khám Phá

Sắc dụ của vua Lê Thánh Tông như sét đánh ngang tai cha con Nguyễn Xí, Nguyễn Sư Hồi

By Đăng Dũng

September 08, 2020

Lê Thánh Tông là hoàng đế thứ năm của Hoàng triều Lê nước Đại Việt. Ông trị vì tổng cộng 37 năm, là vị hoàng đế trị vì lâu nhất thời Hậu Lê. Thời kỳ của ông được đánh dấu sự hưng thịnh bậc nhất của chế độ phong kiến Việt Nam và được gọi là Hồng Đức Thịnh Thế.

Trong Đại việt sử ký toàn thư có chép lại một đoạn sắc dụ của vua Lê Thánh Tông, phần nào thấy được khả năng xử lý công việc triều chính của vị vua anh minh.

Sắc dụ đô đốc Nguyễn Sư Hồi rằng: Dương Quốc Minh bảo là Ngô Tây lấy 30 lạng bạc giao cho Nguyễn Hồ đến đút lót cho bọn ngươi, ngươi sai vợ lẽ của ngươi nhận tiền và khi trước nó đút cha ngươi là Nguyễn Xí 50 lạng bạc, nay chuyển sang đút lót ngươi, cộng là 80 lạng, hiện còn ở nhà ngươi, ngươi lại không biết ư? Nay đặc sai Tư lễ giám Nguyễn Áng đem sắc chỉ đến bảo ngươi và đòi lấy số 80 lạng bạc đút lót ấy đem về. Ngươi có lỗi không lấy việc đổi lỗi làm ngại thì sau tất không có tai vạ.

Lại dụ Nguyễn Sư Hồi rằng: Ta theo lòng của mọi người lên ngôi báu, nhờ các bậc huân hiền cùng lòng giúp đỡ, đến nay đã 4 năm, cha con nhà ngươi một nhà trùng điệp ngọc khuê giải ấn có thể gọi là thịnh lắm rồi. Ta đương tin ngươi, tuy có thư ấy, cũng không tổn hại gì. Sau khi được thư ấy, tất ngươi có chỗ không yên lòng, ngươi lại không nên nghĩ cách để giữ mình ư? Bấy giờ bắt được ở trên nóc nhà có thư nặc danh nói là Sư Hồi sắp làm phản, cho nên vua dụ bảo thế.

Trước đó vua đã tha tội chết cho Nguyễn Sư Hồi. Vua dụ bảo các quan trong triều rằng: Sư Hồi vì có công trung hưng cùng với cha là Xí có công lớn trong buổi khai quốc nên tha cho tội chết. Nguyên do là Sư Hồi không hòa với 4 đại thần thời bấy giờ là Lê Niệm, Nguyễn Lỗi, Lê Thọ Vực, Trịnh Văn Sái muốn hãm hại bọn ấy mới làm bài thơ nặc danh vu cáo làm trấn động triều đình thời bấy giờ;

Nguyễn Sư Hồi là con Nguyễn Xí. Nguyễn Xí là một vị tướng, nhà chính trị, công thần khai quốc nhà Hậu lê và là đại thần trải qua 4 đời vua thời Hậu Lê được mệnh danh là thiên tài quân sự. Nguyễn Xí là khai quốc công thần giúp Lê Lợi khởi nghĩa thành công, trong các khai quốc công thần ông được xếp thứ 5, được phong chức Long hổ tướng quân Suy trung bảo chính công thần, đặc ân khai quốc.

Nguyễn Xí là công thần 4 đời vua, đặc biệt ông có công lớn khi đưa Lê Thánh Tông lên ngôi, khi ông và Đinh Liệt phát động binh biến, chém chết bầy tôi thân cận của Nghi Dân là Phạm Đồn, Phan Ban ở Nghị sự đường, nắm lấy cấm binh, đóng chặt cửa thành, sai Lê Ninh Thuận bắt vây cánh và phế vua Nghi Dân làm Lệ Đức hầu, rước con út của Thái Tông là Tư Thành lên ngôi, tức là hoàng đế Lê Thánh Tông.

Nguyễn Xí còn đang là Thái úy cường quốc công, vị quan đứng đầu triều đình.

Như vậy thấy rằng dưới triều vua Lê Thánh Tông, Nguyễn Sư Hồi đang có thế và lực lớn thế nào. Tuy nhiên qua chiếu dụ của nhà vua, có thể thấy, không vì gia đình có công lớn, có thế lực bao trùm mà nhà vua nhắm mắt bỏ qua những việc làm sai trái của Nguyễn Sư Hồi và Nguyễn Xí. Vua Lê Thánh Tông đã nghiêm khắc cảnh cáo Nguyễn Xí và Nguyễn Sư Hồi, quyết thu lại số bạc đã nhận hối lộ. Vua cũng nói rõ cho cha con Nguyễn Xí và Nguyễn Sư Hồi rằng họ đã rất thịnh rồi, nhằm khuyên bảo họ cần phải biết điểm dừng, chớ có tham lam quá. Tuy nhiên vua cũng nói rõ không vì thế mà ông không còn tin Nguyễn Sư Hồi và tất nhiên cả Nguyễn Xí. Điều đó có nghĩa rằng nếu Nguyễn Xí và Nguyễn Sư Hồi biết những tội lỗi của mình đã làm mà sửa thì ông vẫn sẽ luôn tin dùng, đồng thời ông cũng cảnh cáo Nguyễn Xí, Nguyễn Sư Hồi chớ có âm mưu làm phản mà rước lấy họa.

Đối với Nguyễn Xí và Nguyễn Sư Hồi mà nói, sau khi đọc chiếu dụ của vua, thì không khác gì sét đánh ngang tai, chắc chắn họ sẽ phải thay đổi, sửa mình mà hồi tâm qui chính, tạ lỗi với nhà vua. Qua đó chỉ có một con đường duy nhất là cúc cung tận tụy phục vụ triều đình, phục vụ bá tánh trăm họ.

Vua Lê Thánh Tông khi ấy mới 22 tuổi, không vì Nguyễn Xí có tội, Nguyễn Sư Hồi có tội mà ông lập tức trừng trị, ông biết rõ Nguyễn Xí có công lớn như thế nào với giang sơn xã tắc, với chính nhà vua, ông cũng biết Nguyễn Sư Hồi có tội nhưng cũng không phải không có tài, không đáng để dùng, rõ ràng ông vẫn nhìn thấy nhiều giá trị tốt đẹp của Nguyễn Xí, Nguyễn Sư Hồi, vậy nên ông nói rõ, ông vẫn hoàn toàn tin tưởng.

Trong dùng người, vua rất thẳng thắn và nghiêm khắc, không quá câu nệ tình riêng, Quan lại dẫu thân cận hay tài năng có lỗi lệch là bị nghiêm phê. Thế nên mới có trường hợp Trạng Lường Lương Thế Vinh, một người tài năng và thân cận với vua, từng được bộ Lại tiến cử với vua năm Đinh Hợi (1467) nhưng bị gạch khỏi danh sách những người tài năng, cương trực được tiến cử; Ngô Sĩ Liên dẫu là sử quan giỏi từng bị chê trách;…

Điều đó cho thấy nhà vua có một tầm nhìn rộng, toàn diện về người khác, đặc biệt là những đại thần đang giữ các vai trò trọng yếu trong triều đình. Vua Lê Thánh Tông đã cho thấy trí tuệ của một bậc thánh nhân, sự anh minh hiếm có trong xử lý những vấn đề phức tạp của triều đình, điều đó lý giải tại sao, đất nước ta dưới thời trị vì của ông, đất nước trở nên hùng cường, đất đai được mở rộng chưa từng có, nhân dân được sống trong thời kỳ thái bình thịnh trị.

Vua Lê Thánh Tông được các sử gia từ xưa đến nay ghi nhận là vị hoàng đế kiệt xuất, đã lập nên một trong những giai đoạn rực rỡ nhất trong lịch sử Việt Nam thời phong kiến.

Còn về Nguyễn Sư Hồi, mấy năm sau đó ông được giao chỉ huy lược lượng thủy quân làm nhiệm vụ bảo vệ vùng biển phía Nam Đại Việt, gồm 12 cửa lạch (Thập nhị hải môn) kéo dài từ cửa biển Sầm Sơn(Thanh Hóa) vào đến Cửa Tùng(Quảng Trị)

Khi vào trấn nhậm, ông đã chọn vùng cửa Xá cạnh làng Thượng Xá quê hương làm đại bản doanh. Ông cho xây dựng một tuyến phòng thủ ven biển dài từ mũi Gươm đến đồn tiền tiêu nhằm phóng giữ các cuộc tấn công của quân Chiêm Thành. Ông quan tâm phát triển kinh tế, chiêu tập dân cư, dùng các tù binh để khai phát đất đai, đắp đê ngăn mặn, khai hoang lập ấp, lập nên làng Vạn Lộc. Sau khi ông qua đời, nhân dân trong vùng ghi nhớ công ơn mà lập đền thờ và tôn ông làm Thành hoàng;

Biên tập: Kiên Tấn