Nếu để ý đến những điều bạn đang có trong cuộc sống, bạn sẽ nhận được nhiều hơn thế. Còn nếu chỉ để ý đến những điều bạn không có, bạn sẽ thấy mình không bao giờ có đủ. Khi bạn có được những phẩm chất cao quí của một con người, có nghĩa là bạn đã có tất cả. Mới nói: Sở hữu được đạo đức làm người chính là ta đã sở hữu được kho báu của nhân loại.
Cuộc sống như một trang sách, kẻ điên sẽ giở qua nhanh chóng. Người khôn ngoan thì vừa đọc, vừa suy nghĩ vì biết rằng mình chỉ được đọc một lần.
Nhân sinh quan trọng nhất là có thể vui sống, thong dong tự tại. Mà muốn được như thế, thì phải biết thuận theo tự nhiên, không lạc vào dòng thị phi nhân thế. Đời người chưa chắc được trăm năm , hà tất phải nghĩ đến thọ ngàn tuổi?. Vậy nên hãy chọn cho mình cách hàm dưỡng phù hợp nhất để tâm hồn luôn thanh thản, ung dung.
1. Trí tuệ xuất ngôn
Ở đời, có rất nhiều người không biết giữ mồm giữ miệng, thích luận chuyện ngắn dài, bàn luận thị phi, những người này gặp họa là chuyện khó tránh. Thế nhưng, oan uổng nhất chính là những người kia, vốn chỉ là nói lời vô ý, bị loan truyền, cắt câu lấy nghĩa, gây nên mối hận thiên cổ.
Cho nên, trước khi nói phải suy nghĩ cẩn thận, nói cẩn thận, như thế chẳng phải sẽ miễn đi rất nhiều phiền não hay sao? Cách đối nhân xử thế, không được quên “họa từ miệng mà ra”.
2. Trí tuệ ẩn nhẫn
Anh hùng thực sự, là những người có thể duỗi cũng có thể co. Không ai cả đời đều là thuận lợi, cho nên, lúc đắc ý dĩ nhiên đáng hãnh diện, nhưng lúc thất ý lại không thể để tinh thần sa sút, mà phải tích lũy năng lượng, thua keo này ta bày keo khác.
Âm thầm chịu đựng vào lúc này, mới có thể nếm tận trăm vị của cuộc đời. Nhẫn khi thất ý, nên giữ lấy cái tĩnh, đừng vọng động, lấy lui làm tiến.
3. Trí tuệ khoan dung
Làm người, có thể bỏ qua được thì nên bỏ qua. Khi bạn bao dung người khác, cũng là tích lũy nhân tình cho chính mình. Biển chứa trăm sông, có dung nạp mới trở thành rộng lớn; người có bao dung, mưu sự dễ thành.
4. Trí tuệ làm người
Người quá khôn, sẽ không chịu nhận phần thiệt, mọi thứ đều so đo tính toán, sẽ luôn phải đối chọi, sống trong tranh giành mâu thuẫn, kỳ thực rất mệt mỏi. Vậy nên, lúc bình thường khờ khạo một chút, chịu thiệt một chút, có thể làm ngơ, có thể bỏ qua, không nhìn vào thiếu sót của người khác.
Thông minh nên cất ở trong tâm, dùng để nhìn xa trông rộng, dùng cho việc lớn, đừng để nó chằm chằm hướng vào khuyết điểm của người khác.
5. Trí tuệ sinh tồn
Một người đi thỉnh giáo thiền sư. Vì cửa thiền viện rất thấp, người này không chú ý, kết quả đầu đụng vào cửa. Thiền sư nói với anh ta, muốn không đụng phải đầu, thì phải học cách cúi đầu. Đối nhân xử thế cũng là như thế.
6. Trí tuệ giao tiếp
Trong giao tiếp, thật thật giả giả, đừng nên tranh biện. Người hồ đồ, có thể giao thiệp với bất kỳ ai, thậm chí người khác mạo phạm, họ cũng có thể mỉm cười đối mặt. Như vậy vừa có thể tránh được xung đột, vừa có thể kết được duyên lành.
7. Trí tuệ xử sự
Ngựa có lúc mất móng, người có lúc trượt chân, cách đối nhân xử thế cũng có lúc không cẩn thận. Ngã nhẹ đau nhẹ, ngã nặng nhớ lâu. Thấu hiểu mới có thể tha thứ cho chính mình, có thể tha thứ cho người khác, mới có thể vượt qua.
8. Trí tuệ tu thân
Nhân sinh quan trọng nhất là lạc quan sống, người biết đủ thường sẽ biết cách tìm niềm vui, họ có thể nghĩ thoáng, cho nên không quan tâm hơn thua, thong dong tự tại.
Muốn lạc quan bình thản, thì phải biết thuận theo tự nhiên, không lạc vào dòng thị phi nhân thế, cười nhìn hoa nở hoa tàn. Nhân sinh chưa chắc được trăm, hà tất phải nghĩ đến thọ ngàn tuổi? Khi ta sinh ra, mọi người cười còn ta thì khóc. Hãy sống sao cho khi ta chết đi rồi, mọi người khóc còn ta thì cười.
Nguồn tinhhoa.net Nhung Nguyễn biên tập.