Một đứa bé được sinh ra, ánh mắt của chúng đẹp như thiên thần, trong chúng là cái tôi chân chính đầy thiện lương. Nhưng khi bắt đầu lớn lên thì người lớn và xã hội bắt đầu có quy định cho sinh mệnh ấy: Con không được làm cái này, không được đùa nghịch cái kia, con phải học giỏi, …phải kiếm nhiều tiền, phải lập gia đình… tất cả các mối quan hệ này đã hình thành nên một cái tôi bản ngã.
Con người sống giữa đời thường thì cái tôi bản ngã thường xuyên xuất hiện còn cái tôi chân ngã lại rất ít, lúc nó xuất hiện thì người ta hay nói nó là “lương tâm” hay “tâm tưởng”. Nếu gặp tình huống đặc biệt nào đó, ví như gặp người nào đó đang có chuyện rất thống khổ thì cái tôi chân ngã thường xuất hiện và cảm thấy rất thương cho người đó, nhưng nó ngay lập tức lại bị cái tôi bản ngã kia bắt nạt: “- Ngươi thương người cái nỗi gì, nếu ngươi không nghe theo ta, khôn khéo lên, mất nhân cách một tí nhưng sẽ có tiền tiêu, sẽ có quyền, an nhàn hơn…còn không như vậy ngươi sẽ khổ như kẻ đó đấy”.
Nếu cái tôi chân ngã không mạnh, không kiên định thì đến một ngày nó đồng ý với bản ngã rằng: “- Ta không giỏi kiếm tiền, làm việc này nọ… hay ngươi làm thay ta đi”. Như vậy cái tôi bản ngã sẽ thay thế chân ngã quản lý thân thể này, bản tính của chân ngã là thiện lương nên nó không hay để ý cái tôi bản ngã sẽ làm gì. nó cứ vô tư trong thân thể và ngủ. Mối quan hệ này giống như vua và quan, vua là cái tôi chân chính, còn cái tôi bản ngã là một tên quan nịnh thần: “Hoàng thượng cứ việc vui chơi thỏa thích, thích đâu cứ đi đó, còn thiên hạ (thân thể) này cứ để hạ thần trông nom hết cho.”
Cái tôi bản ngã được thể tự do nên tha hồ tranh đấu, ganh đua kiếm lấy danh, lợi, tình, thù đến một ngày, khi thân thể đã tàn tạ, bệnh tật xuất hiện hoặc có dấu hiệu lìa đời, bản ngã kia thấy đau đớn không chịu được nhưng với bản tính được nhào nặn qua bao năm, nó ranh ma liền gọi cái tôi chân ngã ra và bảo:”- ta mệt lắm rồi không làm được nữa đến phiên ngươi ra quản lý thân thể này đi”. Khi chân ngã bước ra quản lý thì mới thấy rằng bao năm qua bản ngã kia đã làm được căn nhà, lập được gia đình, có con cái… cái tôi bản ngã rất có bản sự nơi đây nhưng cũng đã làm không ít điều xấu nên thân thể mới tàn tạ, bệnh tật xuất hiện thế này.
Đành chỉ tự trách mình thôi, mình là chủ thân thể lại giao cho nó quản, lúc nó kiếm ra nó cũng gọi cả mình hưởng thụ rồi. Bản ngã kia là từ quan niệm khi lớn lên mà sinh ra nên khi thân thể này chết đi thì nó cũng chết còn cái tôi chân ngã thì không chết, vậy là toàn bộ việc xấu, tội nghiệp nó làm ra trong đời đều đổ hết lên cái tôi chân ngã này. Lúc này cái tôi chân ngã mới tỉnh ngộ và nhận ra mình đã sống lãng phí cả một đời rồi, bao tiền của kia cũng không đủ để chịu tội nghiệp trong đời. muốn làm lại cũng đã quá muộn rồi, thân thể đã hỏng rồi. Thân người khó được, biết bao giờ lại mới có cơ hội làm người.
Vậy những ai đang đi tìm cái “tôi” của mình, đã tìm ra cái tôi chân chính, chân ngã của mình, hay vẫn là cái tôi của bản ngã được hình thành từ quan niệm hậu thiên. Chúng ta có quyền lựa chọn sống cho mình hoặc cho cái tôi bản ngã.
Thông Lộ