Trong lịch sử, mỗi một gia đình và đất nước thành công đều có một ông chủ và một nhà lãnh đạo siêng năng và tiết kiệm. Ngược lại, một gia đình tan vỡ, hay một đất nước sụp đổ đều do có những người chủ xa xỉ vô độ và lòng tham vô đáy mà ra.
Văn hóa truyền thống thuyết giảng và truyền tụng “tu thân, tề gia, trị quốc, bình thiên hạ”. Trong “Quần thư trì yếu, quyển 47 – Chánh yếu luận” đã dạy rằng: “Cố tu thân trì quốc dã. Yếu mạc đại vu tiết dục” nghĩa là để “tu thân” và “trị quốc” không có gì quan trọng hơn là kiềm chế dục vọng. Trong các kinh điển lịch sử đã ghi chép rất nhiều câu chuyện về sự tiết kiệm của các bậc hiền triết cổ đại. Dưới đây là 3 người trong số họ.
Đức tính tiết kiệm vì dân của Hán Văn Đế
“Hán Thư” là một cuốn sách ghi chép chi tiết về sự tiết kiệm và những thành tựu của vua Hán Văn Đế – Lưu Hằng thời Tiền Hán.
Theo mô tả trong “Hán Thư – Đế Kỉ Văn”, trong suốt hai mươi ba năm trị vì của Hán Văn Đế, hầu như không có sự gia tăng về đồ đạc như cung điện, đình viên, vật nuôi, trang phục và trang sức. Thời ông trị vì đã có kế hoạch xây một lầu các mới trong cung điện, nhưng dự toán chi phí xây dựng vào thời điểm đó, nó có giá 100 ổ vàng ( khoảng 1600 lượng vàng), tương đương với tổng tài sản của 10 hộ gia đình trung lưu. Văn Đế cho rằng điều này quá xa xỉ nên đã hủy bỏ kế hoạch xây dựng.
Văn Đế thường mặc quần áo Dặc đề (loại vải thô, dày, màu đen). Ngay cả Thận phu nhân cũng chưa bao giờ mặc quần áo dài quá mắt cá chân. Phòng ngủ không trang trí cầu kỳ. Trong việc xây dựng lăng mộ của Hoàng đế, ông cũng sử dụng hoàn toàn bằng gốm mà không trang trí các kim loại quý như vàng, bạc, đồng, thiếc, không xây lăng mộ rộng lớn, cố gắng tiết kiệm hết mức có thể, để không ảnh hưởng đến cuộc sống và sản xuất của dân chúng.
Văn Đế rất quan tâm đến cuộc sống của người dân. Phân bổ hợp lý các khoản chi cần thiết, mang lại lợi ích thiết thực cho người dân. Ông tập trung vào việc cứu trợ cho những người dân khó khăn, ví dụ như những gia đình neo đơn. Ngoài ra, với những người trên 80 tuổi được chu cấp gạo, thịt, rượu mỗi tháng; những người trên 90 tuổi được chu cấp thêm vải vóc.
Văn Đế chủ động tiết kiệm, yêu thương lo lắng cho dân chúng, truyền dạy đạo đức cho nhân dân, nhờ đó xã hội ổn định và đời sống nhân dân giàu có. Triều đại của Văn Đế được ca tụng là “sự cai trị của Ôn và Tĩnh” và được truyền tới những thế hệ tiếp theo như Cảnh Đế. Triều đại của ông là một thời kỳ thịnh vượng và bình ổn trong lịch sử Trung Quốc cổ đại, ông được ca ngợi là một vị Hoàng đế sáng suốt.
Gia Cát Lượng thanh liêm “Tu mình bằng tĩnh, dưỡng đức bằng kiệm”
Theo “Tam quốc chí, thục thư ngũ, Gia Cát Lượng truyền” Gia Cát Lượng bày tỏ nguyện vọng với Lưu Thiện, người kế vị Thục Hán. “Ở thành đô, tôi có 800 cây dâu tằm, bạc điền 15 khoảnh (1 khoảnh ~ 50,265m²) vì vậy tôi có đủ khả năng để trang trải cuộc sống của con cháu mình. Bản thân tôi hiện tại, đang có công việc, tất cả quần áo và đồ ăn thức uống đều do triều đình cung cấp và không phải trả thêm chi phí nào. Tôi không cần thiết phải kinh doanh và gia tăng tài sản. Khi tôi chết, không mong con cháu dư dả tài sản, tiền bạc, chỉ mong không phụ lòng tin cậy của Hoàng thượng”.
Khi Gia Cát Lượng chết, ông được an táng tại núi Định Quân ở Hán Trung theo di nguyện của ông. Phần mộ của ông là một ngôi mộ nhỏ diện tích đủ để đặt được quan tài, được xây dựng theo địa thế núi, thi thể để trong y phục thường ngày, ngoài ra không có thêm vật phẩm nào được chôn theo.
Trong một bức gia thư Gia Cát Lượng gửi cho cậu con trai tám tuổi Gia Cát Chiêm vào những năm cuối đời ông nói rằng: “Phu quân tử chi hành, tĩnh dĩ tu thân, khiêm dĩ dưỡng đức. Phi đạm bạc vô dĩ minh trí, phi ninh tĩnh vô dĩ chí viễn” nghĩa là bậc quân tử cần phải lấy tĩnh để tu thân, lấy cần kiệm để dưỡng đức. Nếu không thanh đạm, ít ham muốn thì sẽ không thể xác định rõ ràng những mục tiêu trong cuộc sống. Nếu thân tâm không tĩnh, thì không thể thực hiện được những mục tiêu cao xa.
Bức gia thư này đã trở thành một trong những “Giới tử thư” nổi tiếng được lưu truyền cho hậu thế. “Tĩnh dĩ tu thân, kiệm dĩ dưỡng đức” đã trở thành câu thiên cổ danh ngôn được người đời ca tụng.
Lời dạy về sự thanh đạm trong “Huấn kiệm kì khang” của Tư Mã Quang
Tư Mã Quang là người sống đạm bạc về vật chất, không thích hưởng thụ bất cứ thứ gì. Tư Mã Quang có khoảng 3 khoảnh đất ở Lạc Dương nhưng khi vợ ông mất, Tư Mã Quang đã bán đất và để tang vợ. Ông sống một cuộc sống thanh đạm cho phần còn lại của cuộc đời mình.
Theo “Lịch sử nhà Tống” khi Hoàng đế Nhân Tông băng hà, các đại thần được nhận một phần tài sản theo di chúc. Tư Mã Quang và các quan đại thần đề nghị trả lại di sản mà họ nhận được làm tiền xây lăng mộ. Vì không được triều đình chấp thuận, Tư Mã Quang đã sử dụng các đồ trang sức quý báu làm công quỹ xây dựng “Văn quan sảnh xá” và biếu lại vàng cho Bá phụ của mình.
Trong bài “Gia huấn” gửi cho con trai mình là Tư Mã Khang, Tư Mã Quang nói: “Ngôn hữu đức giả giai do kiệm lai dã, phu kiệm tắc quả dục” nghĩa là căn bản của người tài đức chính là người có thể sống cần kiệm, người có thể cần kiệm thì sẽ tiết chế được dục vọng.
“Xỉ tắc đa dục. Quân tử đa dục tắc tham mộ phú quý, uổng đạo tốc họa; tiểu nhân đa dục tắc cầu vọng dụng, bại gia táng thân; Thị dĩ cư quan tất hối, cư hương tất đạo” nghĩa là sống một cuộc sống xa xỉ khiến con người ta dễ trở nên tham lam. Người có địa vị cao nếu lòng tham càng sâu thì sẽ bị tài vật làm lóa mắt, sẽ đi chệch đường và dễ chiêu mời tai họa; Người có địa vị thấp, nếu lòng tham lớn họ sẽ không thể ước chế ham muốn ngày càng bành trướng của mình, sẽ lạm dụng vào tài vật không được phép, làm tan vỡ gia đình, thậm chí đánh mất mạng sống. Nói cách khác, nếu các quan chức có lòng tham, họ chắc chắn sẽ tham ô vào một ngày nào đó, nếu dân thường có lòng tham, họ chắc chắn sẽ ăn cắp vào một ngày nào đó. Vậy nên người ta nói rằng “xa xỉ là tội ác xấu xa nhất”.
Tư Mã Quang lo lắng rằng môi trường xã hội xa hoa sẽ ảnh hưởng đến con trai ông. Nên ông không ngừng dạy dỗ con, viết bài gia huấn truyền dạy nếp sống thanh đạm cho con cháu, hy vọng rằng chúng sẽ không sống xa xỉ, vô độ và hủ bại. Đó chính là bài “Huấn kiệm kì khang” nổi tiếng được truyền lại cho hậu thế.
Dưới sự giáo dục của Tư Mã Quang, con trai ông Tư Mã Khang ngay từ nhỏ đã nhận thức được rõ tầm quan trọng của việc cần kiệm. Lớn lên đã trở thành một vị quan thanh liêm, học vấn uyên bác và sống giản dị, lối sống của ông được lưu truyền cho hậu thế.
Nhờ những tư tưởng trên của các bậc vĩ nhân mà xã hội truyền thống luôn lưu giữ được nền đạo đức cao thượng suốt hàng nghìn năm. Trong đó vai trò giáo dục gia đình, những bản gia huấn, gia quy khởi tác dụng then chốt. Những gia tộc hàng trăm hàng nghìn năm không suy bại đều nhờ lối sống và những lời răn dạy trí tuệ của tiền nhân.
Nguồn: visiontimesjp.com Mộc Hương biên dịch