Làm Cha Mẹ

Sự tích hồ Hoàn Kiếm

By Đăng Dũng

April 16, 2021

Ngày xưa, trong thời gian Lê Lợi chống quân Minh, đã trải qua nhiều khổ cực, nhiều lần thua trận và không ít lần suýt bị mất mạng. Thần bảo vệ nước Việt, đức Long Quân muốn giúp, bèn quyết định cho nghĩa quân mượn thanh gươm thần.

Thời điểm đó, ở Thanh Hóa có người đánh cá tên Lê Thận, hôm đó ra hồ thả lưới bắt cá như thường lệ. Khi thấy lưới nặng thì mừng thầm trong bụng: – mẻ này chắc được nhiều cá lắm đây, Lê Thận mừng rỡ kéo lên thì chỉ thấy một thanh sắt, thất vọng không được con cá nào liền ném thanh sắt xuống nước.

Lần thứ hai kéo lưới lên, Lê Thận lại vẫn thấy thanh sắt lúc nãy nằm trong lưới, liền quăng thanh sắt ra xa hơn. Lần thứ ba thả lưới, Lê Thận lại thấy thanh sắt kia trong lưới. Thấy lạ, nghĩ chắc có điều gì đó bí ẩn nên cầm thanh sắt lên xem cho rõ, không ngờ đó là một lưỡi kiếm nhìn cũng thấy phải được rèn rất công phu.

Lê Thận đem lưỡi kiếm về cất giữ ở trong góc nhà. Lê Thận là một người yêu nước, ít lâu sau thì gia nhập nghĩa quân Lam Sơn. Lê Thận tham gia nhiều trận chiến quan trọng cũng góp nhiều công sức trong các trận thắng lớn, anh có sức khỏe và tự mình luyện võ vì thế Lê Lợi rất tin tưởng.

Một lần Lê Lợi đưa quân qua vùng Thanh Hóa, biết đây là quê nhà của Lê Thận nên cùng một số tướng lãnh ghé qua nhà. Khi Lê Lợi bước vào nhà thì thấy lưỡi kiếm cũ giắt trong góc nhà bỗng nhiên phát ra ánh hào quang. Lê Lợi cùng các tướng tiến tới gần để xem thì thấy trên lưỡi gươm có khắc chữ “Thuận Thiên”. Nhưng mọi người không ai nhận ra đây là một lưỡi gươm báu.

Một thời gian sau, trong một trận giao tranh nghĩa quân bị bại trận, Lê Lợi bị giặc truy đuổi, khi chạy qua một khu rừng rậm, ông bỗng thấy có ánh sáng lóe lên ở trên một ngọn cây. Ông trèo lên để xem thì biết đó là một chuôi gươm có nạm ngọc, nghĩ tới Lê Thận có một lưới kiếm không chuôi nên ông cầm chuôi kiếm đó về.

Khi quay về Lê Lợi đem chuôi kiếm kể với Lê Thận và hỏi mượn lưỡi kiếm kia. Vài ngày sau chuôi gươm nạm ngọc được ráp với lưỡi kiếm của Lê Thận. Thật bất ngờ, lưỡi kiếm và chuôi kiếm ăn khớp vừa như in một cặp, thanh kiếm trở nên sáng chói và sắc nhọn vô cùng. Lê Thận thấy vậy liền nâng thanh kiếm lên dâng cho Lê Lợi. Mọi người lúc đó đều quỳ rạp dưới thanh kiếm tâu rằng: “Đây là kiếm báu trời ban, giúp nghĩa quân đánh giặc xâm lược, xin chủ tướng cầm gươm báu, lãnh đạo nghĩa quân đánh đuổi giặc Minh ra khỏi bờ cõi nước ta”.

Lê Lợi nhận thanh kiếm từ tay Lê Thận, hứa sẽ lãnh đạo nghĩa quân thuận theo ý trời. Từ khi có kiếm báu, nghĩa quân Lam Sơn đánh đâu thắng, trăm trận trăm thắng, nghĩa quân không phải trốn trong rừng nữa, đã có đủ lực lượng để đối đầu trực diện. Sau đó lại chiếm hết thành này tới thành khác. Lê Lợi với thanh kiếm thần đánh cho quân Minh kinh hồn bạt vía, bỏ chạy về phương Bắc.

Sau khi đánh đuổi được giặc Minh muôn dân lại được thái bình, Lê Lợi lên ngôi vua lấy hiện là Lê Thái Tổ trì vì đất nước. Một năm sau, Lê Lợi cùng các bề tôi thân tín cưỡi thuyền rồng đi hóng gió trên hồ Tả Vọng trước kinh thành, bỗng một con rùa vàng khổng lồ nhô lên khỏi mặt nước và tiến tới thuyền rồng. Nhà vua lập tức ra lệnh cho thuyền rồng đi chậm lại để xem rùa vàng muốn gì. Rùa vàng từ từ bơi sát thuyền rồng của vua, cất giọng nói:

– Xin nhà vua hãy hoàn lại gươm thần cho đức Long Quân!

Nghe rùa vàng nói vậy, nhà vua chợt hiểu ra và lập tức dâng thanh gươm trước mặt rùa vàng, thanh gươm bay khỏi tay nhà vua lơ lửng trước rùa vàng. Rùa vàng há miệng ngậm lấy thanh gươm rồi lặn xuống đáy hồ.

Kể từ ngày đó, hồ Tả Vọng được đổi tên thành hồ Gươm hay hồ Hoàn Kiếm.

 

Thông Lộ sưu tầm