Thời xưa, ở gần kinh đô có một cô gái tên là Bân, là một cô gái hiền lành, dịu dàng, rất mực chịu thương, chịu khó và hay lam hay làm. Nàng đối xử với mọi người cũng rất chu đáo và tận tình.
Tính tình ấy không cho phép nàng làm bất cứ việc gì đại khái hay qua loa. Từ việc rửa bát đũa, quét sân nhà, sắp xếp đồ đạc, đồng áng cho đến nấu cơm… tất cả đều phải thật hoàn hảo. Khi đến tuổi lấy chồng, nàng cũng về làm dâu như bao người con gái khác, nhưng tính tình thì vẫn như xưa, không hề thay đổi và không có ai có thể trách nàng nửa lời, chỉ có điều do quá tỉ mỉ và cẩn thận nên công việc của nàng có phần chậm chạp.
Nhưng đây cũng chỉ là nhận xét của những người xung quanh chưa thực sự hiểu về nàng mà thôi. Khi nghe được những lời nhận xét này, nàng cũng không thanh minh và cũng không bao giờ thay đổi cung cách làm việc của mình. Nàng lấy chồng vào đầu mùa đông, ngay khi công việc gặt hái vừa xong. Vì thấy chồng thiếu áo ấm, nên nàng đã bắt tay ngay vào việc quay tơ kéo sợi để chuẩn bị đan một chiếc áo ấm thật đẹp cho chồng.
Những sợi tơ, sợi len của nàng vừa đều đặn lại vừa nuột nà, óng ả. Sau đó, nàng đi tìm nhiều thứ vỏ cây, pha chế và nhuộm ra nhiều màu khác nhau để vẽ kiểu áo và các hình trang trí, họa tiết. Những mũi đan của nàng thật đẹp và hoàn hảo bởi khi làm thì nàng đều để hết tâm chí vào công việc.
Thời gian thấm thoát trôi qua, trời đã sắp sang xuân mà nàng mới may xong đôi cổ tay, bởi thế mới có câu hát như thế này:
Nàng Bân đan áo cho chồng
Đan ba tháng ròng mới được cổ tay.
Mặc cho tháng ngày cứ thế qua đi, nàng vẫn miệt mài với việc đan áo cho chồng và cuối cùng chiếc áo của chồng cũng xong, nhưng khi đó đã là vào tháng 3 âm lịch. Niềm vui mừng không có bút nào tả xiết hiện trên mặt nàng, lúc nàng đan xong chiếc áo thì cũng là lúc trời lại trở nắng, hết rét.
Khi đó, nàng Bân buồn lắm! bởi nàng đã đặt biết bao tâm huyết, công sức, nỗi niềm và sự yêu thương chồng vào chiếc áo này. Nàng rất yêu thương và quý trọng chồng bởi suốt mấy tháng ròng chàng đã phải âm thầm chờ đợi chiếc áo. Thế nhưng, khi đan xong chiếc áo thì chàng không được mặc, chỉ một niềm vui, niềm hạnh phúc nhỏ thôi cũng không được đền đáp. Từng giọt nước mắt chảy dài trên má.
Tấm lòng của nàng Bân cũng làm cảm động đến Ngọc Hoàng trên thượng giới, không nỡ thấy giọt nước mắt của người con gái nết na, đức hạnh ấy. Ngay lập tức, Ngài đã cho gọi hai vị Nam Tào, Bắc Đẩu đến và phái điều tra cho rõ nội tình. Sau khi thấu hiểu hết sự tình, Ngài ngồi trầm ngâm một lúc lâu rồi phán:
– Nàng Bân chính là một người phụ nữ mẫu mực với tấm lòng yêu thương, độ lượng, chăm chỉ và nhẫn nhục, rất xứng đáng để được khen thưởng. Nay ta hạ lệnh xuống cõi trần: Mỗi năm, cứ vào đầu tháng 3 Âm lịch, rét sẽ kéo dài thêm vài ngày để những người phụ nữ giàu lòng vị tha như nàng Bân, nếu có đan áo cho chồng chậm thì cũng phải được mặc thử. Nhưng hai khanh cần nhớ, rét cũng chỉ vừa và ngắn thôi nhé!
Khi nghe Ngọc Hoàng nói vậy, hai vị Nam Tào, Bắc Đẩu đứng lặng một hồi lâu, tần ngần nhưng rồi cũng mạnh bạo tâu lên: “Muôn tâu Ngọc Hoàng! Nếu Ngài ban lệnh ra như vậy thần e sẽ không có sự công bằng. Chẳng nhẽ chỉ vì một vài người mà để cho tất cả mọi người đều phải chịu rét thêm nữa hay sao? Chúng thần do vậy cũng sẽ khó bề cai quản”.
Ngay sau đó, Ngọc Hoàng đã vẫy tay cho hai vị ngồi xuống, ôn tồn nói:
– Ta biết, Nhưng ta cũng đã cân nhắc kỹ càng rồi, lòng tốt và tính kiên trì, lẽ đương nhiên bao giờ cũng phải được khuyến khích. Một con người mẫu mực sẽ làm tấm gương sáng cho tất cả mọi người. Ta quyết định như vậy là để nhắc nhở con người có làm gì thì cũng phải kiên trì, làm cho đến nơi đến chốn, chứ không được qua loa, đại khái.
Nghe Ngọc Hoàng nói vậy, hai vị Nam Tào, Bắc Đẩu đều cho là chí lý nên đã vội vàng đứng lên, cúi đầu lạy tạ Ngài. Sau đó, hai vị Nam Tào, Bắc Đẩu thường xuyên đôn đốc các vị thần mưa gió và giá rét hằng năm thảy đều làm tròn nhiệm vụ. Từ đó thành lệ, hằng năm vào khoảng tháng Ba, tháng mà mùa rét đã qua, mùa nóng đã tới nhưng có lúc tự nhiên rét lại mấy hôm và người ta gọi là rét nàng Bân.
Tâm Như sưu tầm