Làm Cha Mẹ

Sự tích về Hồ Tây

By Đăng Dũng

April 17, 2021

Hồ Tây là nơi lưu truyền rất nhiều chứng tích của một thời nhân thần đồng tại, Hồ Tây cũng gắn với sự thịnh suy của bao triều đại. Với vẻ đẹp thơ mộng cùng sương mờ buổi sớm, làn gió mát về chiều, Hồ Tây như tự nó kể lên sự hiện diện của chính mình. 

Đầm Xác Cáo

Ngày xưa, ở vùng phía Tây kinh thành có một hòn núi đá nhỏ bên sông, dưới núi đó có một cái hang động. Đó là nơi ở của con cáo chín đuôi sống hơn ngàn năm đã thành tinh, lúc hóa thành hình người lúc hóa thành yêu quái. Nó tác oai tác quái gây hại cho dân lành, bắt con gái, đàn bà đưa về hang. Lại hoá thành quỷ, trêu ghẹo người đang mắc bệnh sợ đến chết. Người trong khu vực đó phải bỏ nhà cửa, làng xóm, ruộng nương mà lánh đi nơi khác.

Người dân gần nơi đó không còn ở, cáo tinh đi đến nơi xa hơn quấy nhiễu dân lành, người dân kêu than đến tai của Lạc Long Quân, ông bèn tìm đến để trừu họa cho dân. Hồ tinh biết nhiều phép thuật, biến hóa dọa người; song Long Quân là giống rồng tiên, hồ tinh có giỏi cỡ nào cũng không thoát khỏi uy lực của rồng. Nó bị giết rồi hiện nguyên hình là một con cáo chín đuôi khổng lồ.

Long Quân bèn ra lệnh cho lục bộ thủy phủ giải thoát cho những người bị Hồ Tinh bắt giam dưới hang sâu, rồi cho nước xoáy mạnh vào hang suốt mấy ngày đêm, hòn núi đá nơi trú ngụ của cáo tinh trôi đi mất tăm, chỗ ấy xoáy xuống thành chiếc đầm lớn gọi là đầm Xác Cáo.

Còn người dân được cứu từ hang cáo và người dân nghe tin cáo bị diệt trừ trở về, được Long Quân cho họ miếng đất gần đó để ở, lập thành làng Hồ Khẩu. Làng Cáo ở Xuân Đỉnh cũng do truyền thuyết này mà có. Đây là tên đầu tiên của Hồ Tây ngày nay.

Hồ Kim Ngưu 

Thiền sư Nguyễn Minh Không chữa khỏi bệnh cho vua Lý Thần Tông được phong làm Lý Quốc Sư, được vua Tống Cao Tông mời sang chữa bệnh trọng cho thái tử. Chữa khỏi bệnh thái tử, vua Cao Tông hỏi muốn thưởng gì? Sư Minh Không chỉ xin một túi nhỏ đồng đen. Nhà vua rất ngạc nhiên tưởng rằng cần mấy xe chở về, chứ một túi vải nhỏ thì không đáng kể gì. Không ngờ Sư Minh Không đạo hạnh cao cường, hóa phép thu hết đống đồng đen cho vào túi nhỏ, rồi xách ra bờ biển Đông, thả nón tu hóa thành thuyền nhỏ bơi về nước.

Về tới nước Nam Thiền sư dâng đồng đen lên nhà vua. Vua Thần Tông lệnh đem đồng đen đúc thành quả chuông lớn, treo trên một ngôi tháp khổng lồ dựng bên bờ đầm Xác Cáo phía Tây kinh thành. Khi hoàn thành, vua lệnh cho đánh 3 hồi chuông dài để báo tin vui cho dân chúng biết nước nhà đang hồi thái bình thịnh trị. Tiếng chuông rền vang, ngân nga trong gió, bay khắp nước Nam, ra xa vạn dặm.

Âm chuông ngân vang sang tận phương Bắc. Người xưa có câu: “Đồng đen là mẹ vàng”; con trâu vàng bên đó tưởng mẹ gọi liền mở mắt lồng lên, phá vỡ cửa kho ngân khố rồi chạy về phương Nam tìm mẹ. Trâu vàng to lớn như con voi, khi đến gần kinh thành nước Nam, lối nó chạy nơi nền đất mềm yếu tạo thành rãnh lớn kéo dài, sau này trở thành sông Kim Ngưu.

Trâu vàng chạy đến bên bờ đầm Xác Cáo, nó mững rỡ khi tìm thấy mẹ, là chiếc chuông lớn có đồng đen đánh thức nó. Nó cứ rống lên chạy vòng quanh tháp chuông, thân thể bằng vàng nặng nề của nó khiến đất ven bờ sụt xuống một khoảng lớn, đầm Xác Cáo vì thế mà mở rộng ra, cùng lúc đó tháp chuông đổ sụp xuống, chuông đồng đen rơi xuống đầm, trâu vàng cũng nhảy theo chuông xuống nước rồi biến mất.

Từ đó, đầm Xác Cáo được đổi tên thành hồ Kim Ngưu, tức là hồ Trâu Vàng. Ngày nay được gọi là Hồ Tây.

 

Biên tập Thông Lộ