Nguồn ảnh: Doanhnhantaisac

Sống Đẹp

Sự tử tế, dù nhỏ thế nào cũng không bao giờ là lãng phí

By Đăng Dũng

June 22, 2021

Bạn có thể có tất cả trong cuộc sống nếu bạn biết cho đi những gì người khác muốn. Sự tử tế, dù nhỏ tới thế nào, không bao giờ là lãng phí.

Không hành động tử tế nào sẽ dừng lại chỉ với chính nó. Một hành động tốt đẹp dẫn tới một hành động khác. Những tấm gương được noi theo. Một hành động tử tế đơn giản vươn rễ về mọi hướng, và rễ vươn lên mọc thành cây cối. Điều vĩ đại nhất mà lòng tốt làm được cho người khác là khiến chính họ cũng trở nên tốt đẹp hơn.

Đi một ngày đàng, học một sàng khôn. Đúng thế, trên mọi nẻo đường cuộc đời mà ta đã đi qua, biết bao nhiêu điều tốt đẹp khiến lòng ta xúc động để ta ghi nhận nó vào trong hành trang cuộc sống của mình, làm giàu thêm cho nhận thức của ta, làm đẹp thêm cho tâm hồn của ta, và ta thấy cuộc đời này thật đáng trân quí.

Bông lúa chín là bông lúa cúi đầu, một câu chuyện tử tế đầy tính nhân văn của người Nhật mà tôi được may mắn là người trong cuộc, được đón nhận những cử chỉ tận tụy, những nụ cười, những ánh mắt tràn đầy ấm áp của đôi bạn trẻ trên đất nước mặt trời mọc đã làm tôi nhớ mãi.

Hồi đó, vợ chồng tôi và hai đứa con nhỏ (một đứa còn nằm trong bụng mẹ, tháng thứ 6) xuất cảnh đi Mỹ. Vì trường hợp phụ nữ mang thai nên IOM (cơ quan di dân quốc tế) thu xếp cho riêng chúng tôi đi đường bay quá cảnh phi trường Kyoto Nhật Bản thay vì đường ghé Hàn quốc như những gia đình khác cùng đợt hồ sơ, như vậγ chúng tôi sẽ được rút ngắn chuγến đi gần nửa ngày.

Sự tử tế chu đáo và bất ngờ này của một cơ quan thuộc Liên Hiệp Quốc, ‘người dưng nước lã’ hoàn toàn xa lạ, làm tôi cảm động. Tiền mua vé máy bay cho tất cả những di dân diện tị nạn đều do IOM cho vay trước, chúng tôi sẽ trả góp sau khi đã an toàn định cư ở quốc gia mới.

Gia đình nhỏ chúng tôi ghé đến phi trường Nhật, te tua xơ mướp vì mệt, lếch tha lếch thếch không giống ai giữa chuyến bay toàn hành khách sang trọng. Chúng tôi ngồi ở hàng ghế cuối, biết thân biết phận nên chờ cho mọi người ra hết mới dắt díu nhau ra sau cùng. Vậy mà vừa bước ra khỏi cửa máy bay, một tình nguyện viên của IOM, một thanh niên (sinh viên) người Nhật sáng sủa cao ráo, mặc bộ vest rất chỉnh tề, đứng sẵn đó, thấy chúng tôi là gập người chào cung kính. Cầm trên tay tấm giấy lớn ghi tên chúng tôi nhưng thực ra anh ta chẳng cần nữa vì quá dễ nhận ra cái gia đình nghèo vừa rời khỏi đất nước nghèo này.

Chúng tôi sững người, ngượng nghịu lúng túng trước cái cúi chào đặc biệt của người Nhật lần đầu tiên trên đời mình được nhận. Sau đó anh chàng kính cẩn ân cần, cố đi thật chậm để bà xã tôi không ρhải vội, dù đôi chân cao ngồng của chàng ta chỉ cần sải một bước là bằng chúng tôi đi ba bước.

Anh chàng nói tiếng Anh chậm rãi và cố tình chọn những từ dễ đến nỗi đứa dốt sinh ngữ như tôi cũng hiểu ngay. Cái cách anh chàng tế nhị đưa chúng tôi đến nhà vệ sinh và sẵn sàng kiên nhẫn chờ ở ngoài làm tôi càng phục lăn! Nước Nhật giáo dục kiểu gì mà người trẻ của họ tuyệt vời đến thế này nhỉ?

Rồi anh chàng chậm rãi dẫn chúng tôi đi dọc các hành lang sân bay quốc tế rộng mênh mông để đến cổng chờ chuyến bay đi Mỹ. Tôi nhớ chúng tôi đi bộ gần nửa tiếng mới tới. Cung cách của anh chàng không khác gì đang hộ tống những nhân vật quan trọng, mà không phải, anh đang ấm áp đón tiếp những người rất thân thiết. Tôi nghĩ người thân ruột thịt của tôi cũng không thể ân cần được đến thế! Đến nơi, anh chàng lại cung kính và áy náy xin lỗi vì bận việc phải đi gấp. Anh chàng nói sẽ gọi điện nhờ một người bạn đến ở với chúng tôi trong 8 tiếng chờ đợi.

Thì ra anh chàng đã gọi điện nhờ cô người yêu của mình từ hồi nào. Cô ấy đến, cũng là sinh viên, nhỏ nhắn dễ thương, vừa đẹp vừa hiền, đem theo bữa cơm đắt tiền mua ở nhà hàng cùng một giỏ trái cây. Vừa gặp chúng tôi, cô ấy cũng gập người chào rất lễ phép. Tôi lại một lần nữa ҳúc ᵭộng khi hiểu ra IOM có đặt sẵn suất thức ăn nhanh ở phi trường cho chúng tôi, nhưng đôi bạn trẻ này muốn đãi ‘bà bầu’ và hai em bé một bữa chu đáo hơn bằng chính tiền túi của họ.

Không còn biết nói gì nữa khi nhìn cô gái Nhật dịu dàng dọn bữa ăn vẫn còn nóng ra chiếc băng ghế phi trường, chén đũa đàng hoàng, mời chúng tôi, ngồi cạnh chúng tôi với nụ cười luôn nở trên khuôn mặt dễ mến, ân cần hỏi han vợ con tôi.

Tôi không còn tâm trí đâu mà thưởng thức món ăn. Mỗi một miếng đưa lên miệng là mỗi hạt ngọc hạt vàng! Tôi cảm thấy mình không xứng đáng ngồi đó để được cô bé tiếp đãi như thế này. Tôi xin kiếu, xin được đi lòng vòng để ngắm cái phi trường hiện đại, để trố mắt nhìn cái thế giới khác hẳn thế giới quen thuộc của mình ở quê hương.

Nói thật, suốt đời còn lại chúng tôi không thể quên sự tử tế và khiêm nhu của hai người bạn trẻ Nhật ấy!

Con gái đầu của chúng tôi năm đó mới 8 tuổi, nó nói rằng: khi con lớn lên, quốc gia đầu tiên con phải đi thăm, trước cả về thăm quê hương Việt Nam, nhất định phải là nước Nhật!

Gần đây tôi mới biết câu thành ngữ cổ xưa của người Nhật: “Bông lúa chín là bông lúa cúi đầu”.

Bao thế hệ đi trước của người Nhật đã truyền lại lời dạy đó cho con cháu:

Một cây lúa khi được mùa, trĩu hạt, thì nó biết cúi đầu. Khi mình đã sung túc thịnh vượng, đừng tự mãn kiêu căng, hãy biết cúi mình để kính trọng và yêu thương người khác! “Bông lúa chín là bông lúa cúi đầu”

Nguồn: Cuộc sống tươi đẹp Nhung Nguyễn biên tập