Một lời khen chân thành hoặc khích lệ kịp thời, đúng lúc có thể là nguồn động viên lớn lao dành cho người khác. Nó như tia nắng mặt trời, cần thiết cho muôn loài, giúp cả người khen và người được khen “tỏa sáng” và hạnh phúc hơn.
Ba câu chuyện về những nhân vật nổi tiếng sau đây có thể phần nào minh chứng cho điều ấy:
Được trả lương 1 triệu USD/năm vì biết khen người khác
Những năm 1920 khi một người với mức thu nhập khoảng 2.600 USD/năm được xem là khá tốt, thì Charles M. Schwab là một trong những người đầu tiên của Mỹ được trả mức lương trên 1 triệu USD/năm.
Ông được “ông vua thép” Andrew Carnegie bổ nhiệm vào chức Chủ tịch Tập đoàn thép Hoa Kỳ khi chỉ mới 38 tuổi. Vì sao ông lại có được thành công đến thế? Phải chăng vì Schwab là một thiên tài? Hay vì ông có kiến thức siêu đẳng về ngành thép?
Hoàn toàn không. Và đây là bí quyết thành công của ông:
“Tôi cho rằng tài sản lớn nhất của tôi chính là khả năng khơi dậy nhiệt huyết nơi người khác, và giúp họ phát huy tối đa tài năng của mình thông qua những ghi nhận và khích lệ… Tôi không bao giờ chỉ trích bất cứ ai. Tôi chọn cách truyền động lực cho họ. Vì vậy, tôi khen ngợi họ, thay vì tìm lỗi. Nếu tôi thích bất cứ điều gì, tôi sẽ chân thành tán dương và sẽ không tiếc lời khen ngợi về điều ấy”.
Cách cư xử như thế của ông đã giúp ông thu phục lòng người và mang đến thành công cho chính mình.
Trở thành danh ca vĩ đại nhờ được tin tưởng, khích lệ
Vào thế kỷ thứ 19, có một cậu bé lớn lên tại thành phố Napoli (Ý). Do gia cảnh nghèo khó, cậu phải đi làm trong các xưởng máy để kiếm tiền từ khi 10 tuổi, nhưng cậu luôn có một ước mơ cháy bỏng là “trở thành ca sĩ”.
Ban ngày làm việc, tối về cậu lại đến lớp học thanh nhạc. Nhưng ngay ngày đầu tiên đi học, cậu đã bị “dội một gáo nước lạnh” khi thầy giáo cho rằng: “Cậu không bao giờ có thể hát được đâu. Cậu chẳng có tố chất gì để trở thành ca sĩ. Giọng của cậu nghe như tiếng ếch ộp hay ễnh ương kêu”.
Trong lúc tuyệt vọng, cậu may mắn nhận được sự khích lệ từ người thân duy nhất của mình – mẹ cậu. Tuy chỉ là một người phụ nữ nhà quê nghèo khó, nhưng bà luôn tin tưởng con và luôn động viên cậu tiếp tục theo đuổi ước mơ.
Chính những điều ấy đã truyền cho cậu động lực để cố gắng và tạo nên những kỳ tích. Cậu bé ấy chính là Enrico Caruso – ca sĩ giọng nam cao vĩ đại và nổi tiếng nhất của thời đại.
Sự khéo léo của vị Tổng thống
Tổng thống thứ 30 Hoa Kỳ – Calvin Coolidge trong một lần góp ý với cô thư ký của Nhà Trắng, ông đã sử dụng một cách rất tế nhị và hiệu quả. Ông nói với cô thư ký: “Chiếc áo của cô đẹp quá! Cô trông rất duyên dáng”. Lời khen bất ngờ khiến cô thư ký đỏ mặt, lúng túng.
Vị Tổng thống nói tiếp: “Tôi nói thật lòng đó! Cô xứng đáng với lời khen đó. Tuy nhiên từ nay, cô hãy cẩn thận hơn một chút về cách chấm câu trong các văn kiện và thư từ nhé!”.
Giống như các nha sĩ thường bắt đầu công việc bằng thuốc tê, ngài Tổng thống đã không dùng quyền lực hay khiển trách, mà khéo léo dùng lời khen chân thành trước khi góp ý để giúp người nghe dễ tiếp nhận hơn. Từ đó, họ cũng sẽ vui vẻ rút kinh nghiệm và làm việc tốt hơn.
Góc độ khoa học và tâm lý về tác dụng của lời khen
Ba câu chuyện trên chỉ là một trong rất nhiều minh chứng khẳng định cho hiệu quả tích cực của lời khen chân thành.
Khen ngợi là một hình thức tương tác xã hội, thể hiện sự công nhận hoặc ngưỡng mộ. Khen ngợi có thể được thể hiện thông qua lời nói hoặc ngôn ngữ cơ thể (nét mặt và cử chỉ).
Theo nhiều nghiên cứu, lời khen chân thành sinh ra chất Dopamine – một loại doping tích cực giúp người nghe cảm thấy hạnh phúc và tự hào.
Theo Mark L. Knapp – chuyên gia Giao tiếp cá nhân tại Đại học Texas (Mỹ), khi được khen về một điều gì đó, chúng ta sẽ kết hợp lời khen đó vào cách nhìn nhận bản thân. Thậm chí, nhiều người còn đi tìm kiếm lời khen để củng cố hình ảnh cá nhân. Knapp cho rằng “tất cả chúng ta đều tìm kiếm sự công nhận”.
Điều này cũng được William James – nhà tâm lý học và triết học tiên phong của Mỹ – khẳng định: “Nguyên tắc sâu xa nhất trong bản chất con người là sự thèm khát được khen ngợi”. Do vậy, ông khuyên hãy nên xem trọng người khác và khích lệ họ.
Nhiều nhà khoa học đã phát hiện ra rằng “những lời khen ngợi thật sự có giá trị”. Chúng kích hoạt một phần não giống như khi bạn được thưởng bằng tiền. Họ đã thực hiện thí nghiệm dựa trên việc lập bản đồ hoạt động não của những người tham gia.
Kết quả cho thấy: Cả lời khen và phần thưởng bằng tiền đều kích hoạt một vùng não liên quan liên quan đến phần thưởng – được gọi là thể vân (striatum). Điều này là do cả lời khen và tiền bạc đều đáp ứng những nhu cầu cơ bản của con người. Lời khen ngợi đóng vai trò như một phần thưởng xã hội, đáp ứng nhu cầu cảm xúc của chúng ta để được xã hội công nhận.
Một nghiên cứu khác vào năm 2012 cũng tiết lộ rằng: “Nhận được lời khen có thể giúp cải thiện động lực và hiệu suất làm việc”.
49 người trong thí nghiệm đã được yêu cầu học và thực hiện những thao tác trên bàn phím theo trình tự. Sau khi họ lặp lại thao tác này vào ngày hôm sau, nhóm nhận được lời khen từ người đánh giá đã thực hiện tốt hơn những nhóm còn lại. Lời khen có thể xem như một phần thưởng xã hội, khuyến khích mọi người làm việc làm tốt hơn.
Đối với tâm lý nhiều người, lời khen trong nhiều trường hợp còn có ý nghĩa hơn cả những phần thưởng vật chất.
Nó mang lại rất nhiều lợi ích:
Khen ngợi là một cách công nhận, giúp người nhận biết bản thân đang làm tốt việc gì, và hào hứng muốn thực hiện hành vi được khen đó vào lần sau.
Khen ngợi là nguồn khích lệ tinh thần rất lớn, nhờ đó họ có thêm động lực để làm những điều tốt hơn nữa.
Khen ngợi giúp người nhận tự tin hơn về bản thân. Bởi theo tâm lý học, khi chúng ta không chắc chắn mình đã làm tốt hay chưa, hoặc đang tự ti về khả năng, một lời khen đúng lúc sẽ khiến ta củng cố niềm tin và phấn đấu nhiều hơn.
Khen ngợi giúp đẩy lùi những hành vi không tốt và khuyến khích người nhận nỗ lực cư xử tốt hơn.
Vậy nên khen ngợi như thế nào?
Với hơn 30 năm nghiên cứu về tác động của lời khen đối với tâm lý, nhà tâm lý học J. Henderlong và tiến sĩ M. Lepper đã kết luận rằng những lời khen ngợi có thể trở thành động lực mạnh mẽ nếu bạn làm theo những nguyên tắc sau:
Lời khen phải chân thành và cụ thể
Ai cũng muốn được khen và thừa nhận giá trị, nhưng lời khen đó phải cụ thể rõ ràng, thể hiện sự chân thành chứ không phải là lời sáo rỗng nghe cho êm tai. Chúng ta đều khao khát được tán thưởng, được thừa nhận, đều sẵn sàng làm bất cứ điều gì để được như thế. Nhưng không ai muốn sự giả dối và nịnh bợ.
Chỉ khi lời khen có thể thay đổi người khác thì đó mới là lời khen có ích.
Lời khen phải phù hợp và đi kèm với những tiêu chuẩn nhất định: Nếu hành vi của một người không phù hợp với chuẩn mực đạo đức và thiếu văn hóa, thì chúng ta cũng không nên khích lệ cho những hành vi ấy.
Trường hợp người được khen không cần phải quá nỗ lực để đạt được một việc nào đó, chúng ta hãy cân nhắc trước khi thốt ra lời khen.
Khen ngợi nên dựa trên sự nỗ lực, thái độ hoặc kỹ năng cụ thể, không dựa trên sự so sánh giữa người này với người khác. Ví dụ, thay vì khen con thông minh, lời khen “Con rất nỗ lực” sẽ mang lại hiệu ứng tốt hơn cho tâm lý trẻ. Lời khen này giúp trẻ hướng sự tập trung và cố gắng vào một vấn đề nhất định, hiểu rõ rằng chỉ cần nỗ lực sẽ gặt hái được trái ngọt.
Người xưa cũng có câu: “Lời nói chẳng mất tiền mua, lựa lời mà nói cho vừa lòng nhau”, thay vì cứ chỉ trích và vạch trần khuyết điểm của đối phương, hãy quan tâm, khích lệ và yêu thương chân thành với những người xung quanh. Rất có thể trong một lúc nào đó, lời khích lệ, động viên của bạn, sẽ thực sự có tác dụng rất lớn đối với ai đó, là “liều thuốc tinh thần” giúp họ vượt qua khó khăn.
Lan Hòa biên tập
Nguồn: NTDVN