Làm Cha Mẹ

Suy ngẫm về giáo dục trẻ em

By Đăng Dũng

March 22, 2021

Giáo dục tác động đến sự phát triển nhân cách một cá nhân, liên quan đến sự phát triển của một dân tộc, sự ổn định của xã hội, sự bảo tồn và kế tục một nền văn minh. Sứ mệnh quan trọng nhất của giáo dục chính là giúp nhân loại giữ gìn đạo đức cao thượng.

Giáo dục giúp con người theo đuổi những phẩm chất tốt đẹp, giúp cho cá nhân nắm vững kỹ năng siêu việt về một hoặc nhiều phương diện. Giáo dục cũng đem lại phúc lợi cho cá nhân, sự chuyên cần làm việc và hòa hợp với mọi người. Đồng thời giáo dục còn có khả năng phổ truyền văn hóa truyền thống của nhân loại, giúp con người duy trì được những phẩm hạnh cao quý. Bất cứ nền văn minh vĩ đại nào trong lịch sử đều rất coi trọng giáo dục.

Trong “Tam tự kinh” mở đầu có viết:

Nhân chi sơ, tính bản thiện. Tính tương cận, tập tương viễn.

Cẩu bất giáo, tính nãi thiên Giáo chi đạo, quý dĩ chuyên.

Dịch nghĩa:

Người ta lúc đầu vốn có cái tính tốt lành; Tính ấy gần giống nhau nhưng do thói tục mà khác nhau. Nếu không dạy thì cái tính ấy thay đổi; Cách giáo dục là lấy chuyên làm trọng.

Trẻ em khi vừa mới sinh ra đều thiện lương và đáng yêu. Nhưng trong quá trình trưởng thành, nếu như trong môi trường giáo dục khác nhau, thì sẽ hình thành những thói quen khác nhau. Cho nên, nếu như một đứa trẻ không được dạy dỗ tốt, bản tính thiện lương tiên thiên có thể sẽ bị mất đi. Hơn nữa trong khi dạy bảo, người lớn nhất định phải chuyên tâm, ân cần.

Các phương pháp giáo dục hiện nay được nhiều bậc cha mẹ chú ý như dạy con tự lập, nuôi con hạnh phúc, để trẻ tự phát triển vv…  có phải các phương pháp đó để giáo dục ra những trẻ em thiên tài? Không phải vậy, mục đích duy nhất chính là để đứa trẻ trở nên ngoan ngoãn, vui vẻ, thông minh và khỏe mạnh. Nói cách khác, chính là để duy trì bản tính thiện lương tiên thiên của trẻ.

Người Nhật rất thành công trong việc nuôi dạy trẻ em có tính tự lập, bởi nơi đó có một nền văn hóa rất riêng biệt, từ trong nhà đến ngoài ngõ đều ngăn nắp, sạch sẽ; giao thông rất thuận tiện trẻ em có thể tự đi học; có nhiều không gian an toàn cho trẻ chơi… Nhưng nếu là ở Việt Nam để cho trẻ em phát triển tính tự lập, tự đi học, tự đi chơi thì có lẽ sẽ không được ổn cho lắm; vì ở Việt Nam giao thông rất phức tạp trẻ không thể tự đi ra đường như ở Nhật Bản cũng như không gian chơi không đủ an toàn.

Phương pháp để trẻ “tự phát triển”, “sống trong hạnh phúc” ở một số nước phát triển được đánh giá cao, những đứa trẻ lớn lên có trách nhiệm với bản thân, có tính độc lập, sáng tạo. Khi đưa lên đánh giá có một yếu tố họ đã quên đưa vào, đó chính là gia đình, đặc biệt là cha mẹ hoặc người trực tiếp nuôi dạy đứa trẻ. Trẻ em từ 1 đến 5 tuổi không cần giáo dục tri thức, nhưng chúng học được những điều dạy bảo từ cha mẹ và người trực tiếp chăm sóc chúng. Sự kiên trì, thân thiện và hòa ái từ người lớn giúp cho trẻ có một không gian hài hòa để phát triển trí óc. Điều này mới ảnh hưởng trực tiếp đến nhân cách đứa trẻ sau này. Còn thật sự để trẻ “tự phát triển” thì có lẽ sau đó cha mẹ khó mà dạy dỗ được nữa, trẻ em được ví như một tờ giấy trắng chúng tiếp nhận điều xấu lại nhanh hơn điều tốt, mà xã hội này hiện giờ xấu nhiều hơn tốt; để “tự phát triển” không khác gì hủy đi tương lai của chúng.

Thời xưa, có tích Mạnh Mẫu (mẹ Mạnh Tử) ba lần chuyển nhà vì muốn tạo một môi trường học tập tốt cho con. Lần đầu chuyển nhà, ngôi nhà ở bên cạnh khu nghĩa địa, cho nên Mạnh Tử học làm nhiều việc tang. Sau khi mẹ Mạnh Tử biết được, đã vội vã chuyển nhà. Lần thứ hai bà chuyển đến một khu chợ, Mạnh Tử liền học bán hàng ở đó, ở đó bán thịt lợn. Mẹ ông cảm thấy đây vẫn không phải là nơi chốn lâu dài, liền vội vàng chuyển đi. Lần cuối cùng thì chuyển đến gần trường học, hàng ngày Mạnh Tử đến trường học tập cùng với các bạn, lúc này mẹ ông mới có thể tương đối yên tâm. Mạnh tử sau này được phong là Á Thánh (chỉ đứng sau Khổng Tử) luôn nhớ ơn người mẹ đã lựa chọn môi trường tốt cho mình học tập.

Trí tuệ của cổ nhân là một kho báu vô giá, từ xa xưa đã có thể nhìn thấu những ưu và nhược điểm trong nhân cách con người mà tạo ra hai hộ được coi là kinh thư cho trẻ em, chúng rất trân quý đó là Đệ tử quy và Tam tự kinh. Ngày nay các bậc cha mẹ mải đi tìm kiếm các cách chăm sóc trẻ em, các phương pháp dạy con thông minh, dạy con tự lập, dạy con ngoan ngoãn… Trong khi tất cả đều có trong Đệ tử quy và Tam tự kinh.

Đạo đức cao thượng là điều mà giáo dục nhắm tới, người có đạo đức cao thượng sẽ được trời ban thưởng, dựa vào lao động và trí tuệ sẽ có được vật chất đầy đủ, tinh thần sung mãn. Người có đạo đức cao thượng mới có thể kiểm soát bản thân, quản lý xã hội, giúp xã hội phồn vinh, không ngừng phát triển. Muốn được như vậy, chỉ có quay về giáo dục truyền thống mà bắt đầu là từ giáo dục trẻ em.

 

Biên tập Thông Lộ