Sức Khỏe

Tác dụng của Dây thìa canh

By Đăng Dũng

June 17, 2020

Dây thìa canh là một loại thảo dược được sử dụng để hỗ trợ điều trị các triệu chứng bệnh tiểu đường và một số bệnh lý khác. Vậy cách dùng loại thảo dược này như thế nào? Cần lưu ý những gì khi sử dụng? Những thông tin dưới đây sẽ giúp bạn giải đáp được vấn đề này.

  1. Thành phần hóa học

GS4 là hoạt chất có hoạt tính sinh học chính của dây thìa canh. Tên khoa học của hoạt chất này Gymnema Sylvestre kiềm hóa ở lần thứ 4. Nó bao gồm tổ hợp nhiều acid gymnemic – hoạt chất thuộc nhóm saponin triterpenoid. Đây là chất có khả năng kích thích quá trình sản sinh tế bào Beta của tuyến tụy. Do đó làm tăng sản sinh insulin, tăng hoạt lực của insulin. Điều này sẽ giúp cơ thể tăng được khả năng cân bằng đường huyết. Ngoài ra, acid gymnemic còn có tác dụng ức chế hoạt động hấp thụ đường ở đường ruột do có cấu trúc giống đường glucose. Khi vào được đến đường ruột, acid gymnemic sẽ cạnh tranh với loại đường này và làm cho thụ thể ruột được lấp đầy. Từ đó, ngăn chặn không cho đường từ ruột vào trong máu. Acid gymnemic còn ức chế quá trình gan tân tạo glucose vào trong máu, kích thích sự hoạt động của các enzym có nhiệm vụ tiêu thụ, sử dụng đường tại các mô cơ. Vì thế mà nó có tác dụng hạ đường huyết.

Bên cạnh GS4, dây thìa canh còn chứa chất peptide Gumarin. Nếu nhai và nuốt lá thìa canh tươi, chất này làm cho lưỡi không thể hấp thụ được đường glucose. Gumarin còn tác động lên vùng dưới đồi và làm cho người bệnh không cảm nhận được vị đắng, vị ngọt. Nhưng khi được phơi khô hoặc nấu chín, tác dụng này bị mất.

Ngoài 2 thành phần trên, trong dây thìa canh còn chứa nhiều các hoạt chất khác, như: anthraquinone, flavone, hentri-acontane, α và β- chlorophylls, pentatriacontane, phytin, resins, acid tartaric, d-quercitol, acid formic, acid butyric, lupeol,… Khi chiết dịch của loại cây này, cho thấy có thành phần hoạt chất alcaloid.

    2. Tính vị, tác dụng dược lý

Dây thìa canh có các tác dụng như sau:

Tác dụng hạ đường huyết: Tác dụng này đã được ghi nhận khi làm thí nghiệm trên thỏ khi gây đường huyết cao bằng alloxan. Hoạt chất này có tác dụng làm suy giảm hoạt tính của enzym tân tạo đường. Đồng thời đảo ngược quá trình biến đổi thể trạng trong gan suốt giai đoạn tăng đường huyết.

Làm mất cảm giác vị đắng, vị ngọt: Như đã được đề cập, nếu dùng ở dạng tươi thì dây thìa canh có khả năng làm mất đi cảm giác đối với vị đắng và ngọt. Tác dụng này do sự hoạt động của hoạt chất Gurmarin gây ra và kéo dài trong thời gian khoảng 2 – 3 giờ. Sau đó, chúng sẽ mất đi bởi tác dụng của chất kháng Gurmarin có trong huyết tương.

Tác dụng hạ lipit máu Gurmarin: Dịch chiết từ loại thảo dược này có khả năng tác động lên lipit, tăng bài tiết sterol trung tính và sterol acid qua sự đào thải của phân. Bên cạnh đó, nó còn có khả năng làm giảm lượng cholesterol toàn phần và Triglycerid trong có trong huyết tương.

Rễ dùng trong các trường hợp bị rắn độc cắn, viêm mạch máu, trĩ và các vết thương khác.

Dây thìa canh có tác dụng gì? Cách dùng như thế nào?

Cần áp dụng các bài thuốc thường xuyên và lâu dài để đạt hiệu quả tốt

Đối tượng sử dụng

Dây thìa canh được dùng cho các đối tượng sau đây:

Người bị bệnh tiểu đường

Bệnh nhân tiền tiểu đường, có biểu hiện tăng đường huyết.

Những người bị huyết áp cao

Người béo phì hoặc có ý định giảm cân

Ngộ độc

Vì loại thảo dược này chưa được kiểm nghiệm độ an toàn khi dùng cho phụ nữ đang mang thai và cho con bú. Do đó, với những đối tượng này thì tốt nhất không nên uống nước dây thìa canh.

Cách dùng dây thìa canh chữa bệnh

Dây thìa canh được dùng để hỗ trợ điều trị các biểu hiện của bệnh tiểu đường, chữa lành vết thương, làm giảm lipit máu, cải thiện hoạt động của hệ tiêu hóa… Tùy vào mục đích sử dụng mà cách dùng dây muôi cũng khác nhau. Dưới đây là những cách được dùng phổ biến:

Dạng thuốc sắc: 

Với cách này, bệnh nhân chỉ cần chuẩn bị 4 – 6g dây thìa canh khô, đem sắc với khoảng 1 lít nước để uống hàng ngày. Nó có tác dụng hỗ trợ điều trị bệnh tiểu đường và giải độc. Tuy nhiên, để tăng hiệu quả chữa bệnh tiểu đường và ổn định đường huyết, có thể kết hợp với cây Nở ngày đất. Ngoài ra nước sắc từ rễ của vị thuốc này cũng có tác dụng đáng kể trong việc khắc phục các triệu chứng bệnh trĩ, viêm mạch máu.

Nước sắc của vị thuốc này có mùi thơm, dễ uống nên rất phù hợp để sử dụng cho nhiều đối tượng. Tuy nhiên, bệnh nhân cũng nên lưu ý là chỉ dùng đúng theo liều lượng đã được chỉ định. Bởi nếu sử dụng quá nhiều có thể gây ra tác dụng phụ cho cơ thể.

Dạng thuốc đắp: 

Nếu bị vết thương ngoài da, rắn cắn, bệnh nhân có thể dùng cây thìa canh để điều trị theo cách sau: Lấy lá dây muôi tươi đem về sạch, giã nát rồi đắp lên vết thương. Thực hiện thường xuyên để mang lại hiệu quả tốt.

Dạng bột: 

Lá của dây thìa canh còn được điều chế thành dạng bột để giải độc.

Trên đây là các thông tin cần biết về thảo dược dây thìa canh và cách sử dụng. Vì đa số các loại thảo dược tự nhiên chưa được kiểm nghiệm một cách chính xác về công dụng cũng như mức độ hiệu quả chữa bệnh. Do đó, khi bị có biểu hiện bất thường, bệnh nhân nên đi khám và được chỉ định điều trị bằng các cách hiệu quả hơn để bảo đảm an toàn.