Văn Hóa

Tác phong tư thế là một phần quan trọng của con người

By Đăng Dũng

September 11, 2020

Tác phong tư thế là một phần quan trọng của con người.

Thời Đức Phật Thích Ca Mâu Ni còn tại thế, có một vị tiểu thư nhà đại phú quý tên là Visakha, từ nhỏ thông tuệ từ ái, lớn lên lại xinh đẹp tuyệt trần.

Lúc bấy giờ, tại kinh đô Savatthi có một vị triệu phú tên là Migara. Ông ta có một quý tử đến tuổi lập gia đình, tuy nhiên dù cậu được giới thiệu rất nhiều tiểu thư môn đăng hộ đối nhưng vẫn không vừa ý. Nói mãi, cậu quý tử mới mở lời gây khó dễ, đòi cha mẹ tìm được một cô gái hội tụ đủ “năm vẻ đẹp của mỹ nhân” thì chàng mới ưng thuận.

Thế là, triệu phú Migara thuê mướn tám người bà-la-môn giỏi nhân tướng học đi khắp nơi kiếm tìm mỹ nhân đạt yêu cầu cho con trai.

Một ngày nọ, nhân dịp lễ hội, tiểu thư Visakha cùng với các thị nữ đi dạo chơi. Trời đổ mưa, tất cả mọi người, gồm cả những thị nữ của Visakha đều hối hả chạy tìm một nơi nào đó để trú mưa. Riêng tiểu thư Visakha thì không hấp tấp, không vội vã mà cứ chậm rãi, khoan thai từng bước một đi vào một chái lương đình.

Hình ảnh ấy đập ngay vào mắt mấy người trong đoàn bà-la-môn được Migara thuê. Họ lặng lẽ quan sát cô gái, họ phát hiên rằng, cô không chỉ có dung mạo xinh đẹp, dáng vẻ đoan trang, mà còn toát lên phẩm hạnh, tư cách cao quý mà họ chưa thể nào nắm bắt hết.

Một vị lịch sự hỏi: “Thưa tiểu thư! Sao tiểu thư không nhanh chân chạy đi trú mưa như mọi người mà lại bước đi chậm rãi, khoan thai như thế? Không ngại mưa ướt xiêm áo hay sao?”

Visakha mỉm cười, dịu dàng nói: “Thưa ông! Xiêm áo ướt thì ta có thể thay đổi cái khác được, nhưng khi tư cách, nết na và phẩm hạnh của người nữ đã “ướt” rồi thì biết lấy “cái khác nào, ở đâu” để thay đổi?” Vị sứ giả ngơ ngác, chưa hiểu

Cô giải thích: Thưa ông! Nếu muốn, tôi có thể chạy nhanh hơn cả lực sĩ điền kinh nhưng tôi đã không làm vậy! Tại sao? Ví như có một vị vua đang mặc sắc phục triều đình, đội vương miện quyền quý, bỗng nhiên, quấn bào, xắn áo hối hả chạy vào cung điện thì đâu còn ra thể thống gì nữa!

Một thớt ngự tượng đĩnh đạc, bệ vệ, mình mang đầy trang sức châu báu, uy nghi, chững chạc từng bước một, nay bỗng dưng đâm đầu hớt hải bỏ chạy tạo nên một cảnh tượng gì đó giống như giặc đuổi sau lưng! Một vị tỳ-kheo với từng bước chân chậm rãi, ổn định, thảnh thơi trông rất thanh thoát, khả kính cũng bị thế gian chê cười khi ông ta xốc xếch y bát chạy nhanh trên đường! Cuối cùng, một người nữ nếu xăng xái bước vội, đi nhanh như đàn ông thì còn đâu nữa cái dáng vẻ yểu điệu, khoan thai của một tiểu thư khuê các? Đấy là bốn nhân và vật trên thế gian này, bất cứ trường hợp nào cũng không được hối hả đi nhanh, bước nhanh hay chạy nhanh, thưa ông! Nó đánh mất tất cả mọi tư cách!

Các vị trong đoàn sứ giả bà-la-môn vốn là những bậc đa văn, học thức, mà cũng chỉ biết lặng người lắng nghe.

Khi từ giã Visakha, họ nói: “Cảm ơn tiểu thư đã cho chúng tôi được mở rộng kiến văn!” Cô trả lời: “Thưa, không dám ạ!”

Về sau, triệu phú Migara sắm sửa lễ vật hậu hĩnh, trọng thể, đích thân đến dạm hỏi Visakha cho con trai của mình. Khi về làm dâu nhà Migara, Visakha đức hạnh vẹn toàn quán xuyến, chăm lo cho gia đình nhà chồng vô cùng chu đáo. Cô còn thuyết phục được gia đình nhà chồng lìa bỏ tà đạo, đi theo chính đạo, dành trọn cuộc đời duy hộ Phật Pháp. Sau này, Visakha trở thành một nữ đại thí chủ, cùng với trưởng giả Cấp Cô Độc là hai vị đại hộ Pháp có công đức vô lượng cúng dường Tam Bảo.

Tác phong tư thế là một phần quan trọng của con người

Sách “Đệ tử quy” (quy phạm chuẩn mực của người học trò) có viết:

Đi thong thả, đứng ngay thẳng. Chào cúi sâu, lạy cung kính. Chớ đạp thềm, không đứng nghiêng. Chớ ngồi dang, không rung đùi.

Đứng ngay thẳng

Đứng ngay thẳng hình thành nên dáng người đẹp, vững vàng, tự nhiên, biểu hiện tinh thần sung mãn. Thân trên ngay thẳng (lưng ngay cổ thẳng), mắt nhìn thẳng, hai chân đứng vững, trọng tâm của thân thể rơi vào chính giữa hai chân, nét mặt mỉm cười nhẹ nhàng, cằm hơi thu, vai ngang cân đối, ngực thẳng hơi ưỡn, lưng thẳng, bụng thu lại.

Nếu đứng lâu quá thì có thể lần lượt thay nhau bước lui một chân trái, phải, nhưng thân trên vẫn phải thẳng đứng. Chân duỗi ra cũng không được quá xa, hai chân cũng không được dạng ra quá lớn, thay đổi chân cũng không được quá liên tục. Tránh xuất hiện tư thế ủ dột hay quá thoải mái, tùy tiện cẩu thả như toàn thân không đủ ngay thẳng, hai chân dạng ra quá rộng, hai chân cử động tùy tiện, vì như thế sẽ bị coi là không trang nhã và không hợp với lễ nghi. Cần tránh tư thế đứng mệt mỏi vô lực nghiêng người đứng dồn trọng tâm vào một chân, tức là “không đứng nghiêng lệch”.

Ngồi ngay ngắn

Thường yêu cầu thân trên thẳng đứng, đầu ngay ngắn, hai lòng bàn tay hướng xuống dưới, đặt lên đùi, mắt nhìn thẳng về phía trước hoặc nhìn người đang nói chuyện cùng mình. Hai chân gập tự nhiên, ống chân vuông góc với nền nhà, hai bàn chân đặt ngang bằng trên mặt nền nhà. Về khoảng cách giữa hai đầu gối, nam giới có thể cách một đến hai nắm tay là thích hợp, nữ giới thì không được có khoảng cách mới đẹp. Trong trường hợp không trang trọng thì sau khi ngồi yên định rồi, có thể bắt chéo chân hoặc nghiêng chân. Khi ngồi bắt chéo chân, hết sức chú ý để phần đầu gối chồng lên nhau. Thời gian ngồi ngay ngắn quá dài sẽ khiến chúng ta cảm thấy mệt mỏi, thì có thể thay đổi tư thế chân.

Lưng hơi tựa ghế, nếu trong trường hợp trang trọng hoặc có người bề trên đang ngồi thì không được ngồi đầy hết ghế, thường chỉ ngồi 2 phần 3 ghế mà thôi. Ngoài yêu cầu ngay ngắn, khi ngồi còn phải để thoải mái tự tại, phong độ tự nhiên, thì mới thể hiện được vẻ đẹp nho nhã ôn nhu, cung kính, có tu dưỡng. Chú ý dù đi đứng hay ngồi cũng không nên rung chân, nhún vai.

Khi có người bề trên thì phải tuân thủ nguyên tắc “lớn bé có trật tự”: “Bề trên đứng thì bề dưới chớ ngồi, bề trên ngồi thì bề dưới được phép mới ngồi”.

Đi thong thả

Khi đi lại thì không vội vàng cũng không lề mề, thong thả. Tư thế đi đứng phải là thân thể thẳng, hai mắt nhìn thẳng phía trước, hai chân bước có tiết tấu, và gần như bước trên một đường thẳng. Khi gặp người bề trên cần “bước phải nhanh”, tức là bước nhanh về phía trước, biểu thị sự tôn trọng đối với họ. Khi cáo từ người bề trên cần “lùi phải chậm”, tức là chậm rãi lùi ra, biểu thị sự lưu luyến và kính trọng đối với họ.

Đến chỗ rẽ cần chú ý “rẽ vòng rộng, chớ tạo góc”, tức là khi đi đường rẽ hướng thì phải vòng, tạo góc chuyển lớn, không được rẽ ngoặt góc hẹp để đề phòng gây ra những tổn thương không đáng có.

Lễ nghi trên bàn ăn

Người xưa nói: “Ăn trông nồi, ngồi trông hướng.” Ăn cơm cũng không cốt để no dạ mà chính là thể hiện một nét văn hóa, một nét tu dưỡng của đạo làm người. Tới bữa cơm thì phải “mời cơm” bậc bề trên. Vào mân cơm, cần đợi mọi người phải ngồi vào chỗ đông đủ thì mới bắt đầu đụng đũa. Con cháu lần lượt mời cơm các bậc tiền bối, cao tuổi từ trên xuống dưới từng người một, sau đó mới được cầm đũa lên ăn.

Cha mẹ gắp thức ăn cho ông bà. Đến lượt ông bà lại nhường phần ngon cho con cháu. Có khách quý đến nhà, gia chủ sẽ thể hiện sự hào phóng, lịch sự của mình bằng rất nhiều món ngon, lại tận tình gắp miếng đầu tiên, ngon nhất vào bát cho khách. Trong bữa ăn nên tránh nói đến những chuyện không vui vì bữa cơm là nơi cả gia đình quây quần, ấm cúng.

Trong bàn ăn, nên kiêng kỵ chọc đôi đũa dựng đứng vào bát cơm vì cho rằng đó là hình ảnh của bát cơm cúng. Dùng đũa nên nhẹ tay, kỵ nhất là làm đũa gãy. Khi ăn không nên vứt rác bừa bãi khắp nơi, ăn nên từ tốn, không bặm trợn. Nên ăn uống chừng mực, ăn đâu gọn đấy. Không nhai chóp chép, không cầm đũa đảo lật để chọn thức ăn trên đĩa, húp canh không được phát ra tiếng, không vừa nhai vừa nhồm nhoài nói, không đặt bát cơm xuống bàn để và không gõ bát đũa… Đó là những cử chỉ của văn hóa truyền thống khi ở trên bàn ăn.

Minh Hoàng T/H