Nguồn ảnh: Internet

Làm Cha Mẹ

Tại sao một gia đình hạnh phúc lại quan trọng với trẻ nhỏ?

By Đăng Dũng

May 06, 2021

Một gia đình hạnh phúc có vai trò quan trọng trong cuộc sống của trẻ từ thể chất đến tâm sinh lý. Thế nhưng, không phải đứa trẻ nào cũng may mắn được sống trong một môi trường gia đình hạnh phúc được bố mẹ chăm sóc.

Bình Bình (Trung Quốc) là một bà mẹ đơn thân, sau khi sinh con gái thì chồng cô đổ bệnh và qua đời. Khi con lên 7 tuổi, các thành viên trong gia đình thuyết phục cô tìm một người đàn ông khác để đỡ cô đơn, đồng thời đỡ cô gánh nặng kiếm tiền và chăm sóc con.

Bình Bình lúc đầu tỏ ra miễn cưỡng nhưng cô nhận thấy con gái mình rất cần sự chăm sóc của người cha, sau đó cô gặp Lưu Giang, một người đàn ông chưa vợ, dù biết Bình Bình có con nhỏ nhưng vẫn theo đuổi đến cùng. Người mẹ trẻ cảm động, đồng ý đi thêm bước nữa.

Sau khi kết hôn, áp lực đối với Bình Bình quả thực giảm đi rất nhiều, bởi vì công việc của chồng cô tương đối tự do về thời gian, vì vậy anh này chịu trách nhiệm phần lớn việc học tập và cuộc sống của con gái. May mắn là mọi thứ có vẻ rất êm ấm.

Cho đến một ngày, con gái đột ngột lên cơn sốt cao phải nhập viện. Trong cơn mê man, con bé hét lên: “máy giặt quần áo…”, và liên tục nói về điều này sau đó. Người mẹ ban đầu không để ý, cứ nghĩ con mê sảng do bệnh nhưng khi về nhà nấu cơm cho con, cô chợt nhớ ra và tìm xung quanh máy giặt xem có gì. Ai ngờ, chị phát hiện ra một cuốn nhật ký nhỏ được quấn kĩ qua những lớp áo phía dưới gầm máy giặt.

Trong cuốn nhật ký, Bình Bình bất ngờ phát hiện ra chồng cô luôn đánh đập, mắng mỏ con gái mình, đồng thời đe dọa cô bé không được kể với mẹ. Đứa bé tội nghiệp chỉ có thể dùng vốn chữ ít ỏi để ghi nguệch ngoạc trong cuốn nhật ký về những nỗi đau và ấm ức của mình.

Người mẹ đọc xong lặng người rồi bật khóc. Người mà cô tin tưởng không ngờ lại đối xử với con gái mình như vậy. Nhớ lại những buổi ăn cơm cùng nhau gần đây, con bé cứ nhìn bố dượng rụt rè rồi ít nói chuyện hẳn, học lực cũng giảm sút nhưng Bình Bình mãi lo làm mà bỏ qua không quan tâm con. Người mẹ hối hận vô cùng…

Điều gì sẽ xảy ra với những đứa trẻ thường xuyên bị bạo hành?

1. Mặc cảm và thiếu an toàn

So với việc thiếu thốn tình thương của cha, không có cha, những đứa trẻ bị bạo lực gia đình còn đáng thương hơn. Sau một thời gian dài bị đối xử bạo lực, những đứa trẻ kiểu này sẽ trở nên rất nhạy cảm và bất an, không dám nói với người khác.

Theo thời gian, trẻ sẽ cảm thấy rất cô đơn và sợ hãi. Trẻ thu mình và sống nội tâm, tính cách cũng sẽ thay đổi, rất dễ bị người khác bắt nạt.

2. Dần dần trở nên bạo lực

Người ta nói rằng cha mẹ là người thầy đầu tiên của trẻ, và trẻ cũng rất giỏi bắt chước hành vi của cha mẹ. Nếu người cha thường xuyên đối xử thô bạo với đứa trẻ thì trái tim của đứa trẻ vô cùng dễ trở nên méo mó, từ từ sẽ ngầm bắt chước những phương thức bạo lực đó.

Điều này không chỉ ảnh hưởng đến cuộc sống sau này của trẻ mà còn gây ra một số nguy hại cho những người xung quanh.

3. Ám ảnh tâm lý

Những đứa trẻ bị đối xử bạo lực từ nhỏ không có được một tuổi thơ hạnh phúc và tươi đẹp, và hầu hết chúng sẽ gặp những vấn đề tâm lý rất nghiêm trọng khi lớn lên. Tính cách sẽ trở nên kỳ quặc, trong trường hợp nghiêm trọng sẽ mắc chứng trầm cảm. Những đứa trẻ như vậy sẽ không tự tin vào bản thân và cuộc sống, dễ bỏ cuộc. Một số trẻ khi lớn lên không muốn kết hôn do sợ vợ hoặc chồng đối xử với mình bằng bạo lực như thế.

Trong tâm hồn trẻ thơ, nhà là nơi trú ẩn ấm áp, nếu xảy ra bạo lực gia đình chắc chắn sẽ để lại hậu quả vô cùng lớn. Để trẻ phát triển lành mạnh, cha mẹ cần quan tâm đến trẻ hàng ngày, thường xuyên tâm sự để phát hiện ra vấn đề bất thường, tránh sử dụng các biện pháp bạo lực.

Nguồn ảnh: Internet

Cha mẹ cũng nên chú ý lời nói của mình, hãy tìm hiểu con để đưa ra những biện pháp dạy con hữu hiệu nhất, không nên thường xuyên xúc phạm hay trách móc, đánh con cái bởi sẽ không giải quyết được vấn đề mà còn ảnh hưởng đến lòng tự tin của trẻ và mối quan hệ giữa cha mẹ và con cái.

Tuổi thơ con cũng chỉ có một lần trong đời, nhưng tính cách của con lại quyết định phần lớn là từ lúc còn nhỏ. Bởi vậy ông bà ta mới có câu: “Dạy trẻ từ thuở lên ba”. Gốc rễ có tốt thì cây mới sinh nở và phát triển tốt nhất. Khi trẻ đã có cảm xúc sẽ cảm nhận được nhiều điều xung quanh, gia đình hạnh phúc chính là môi trường giáo dục con tốt nhất.

Muốn có một gia đình hạnh phúc thì những người làm cha, làm mẹ ngoài việc chăm bẵm, lo toan cho mỗi đứa trẻ, chúng ta cần tạo cho trẻ thói quen tự lập, tạo môi trường cho trẻ giao lưu học hỏi để chúng tự tin trong cuộc sống; cha mẹ nên đi cạnh con làm người theo dõi, uốn nắn các hoạt động của con trẻ, không nên áp đặt bắt chúng phải theo ý mình. Trong những điều kiện có thể, hãy để các con được tham gia câu chuyện gia đình, được đề đạt ý kiến, nhất là những vấn đề liên quan đến chúng; hãy làm bạn với con, khoảng cách cha mẹ và con cái sẽ được kéo lại gần hơn, sự thấu hiểu và chia sẻ vì thế cũng sẽ tốt hơn rất nhiều. Và điều quan trọng nhất để dạy con ngoan, thành đạt thì ông bà, cha mẹ hãy luôn là tấm gương về lối sống đẹp để con cháu học tập noi theo.

Hạnh phúc không ở đâu xa, hạnh phúc nằm ngay trong mái ấm gia đình mỗi chúng ta, hạnh phúc khởi nguồn từ những đứa con thân yêu, bởi vậy mỗi bậc làm cha làm mẹ cần lựa chọn phương pháp dạy con phù hợp để có được niềm vui và hạnh phúc trọn vẹn, hãy để tuổi thơ con luôn có bóng dáng và hơi ấm của tình thương yêu gia đình.

 

Thiên Hà biên tập