Văn Hóa

Tại sao nói: Làm việc không nên trì hoãn, làm người cần có chừng mực

By Đăng Dũng

September 26, 2020

Trong cuộc sống rất nhiều khi, chúng ta là nạn nhân bất đắc dĩ của sự trì hoãn. Dẫu bạn là người kiên định thế nào thì cũng có lúc từng phải đưa ra quyết định trì hoãn trong công việc, trong cuộc đời. Trì hoãn nhiều lúc khiến bạn trở nên tự ti, mất can đảm. 

Nếu chúng ta có thể luôn trầm ổn, bình tĩnh vượt qua những thăng trầm của cuộc đời, trân quý từng thời khắc của sinh mệnh, chúng ta có thể sẽ ít khi bị rơi vào trạng thái trì hoãn tiến độ công việc.

Tại sao nói làm việc không trì hoãn

Mel Robbins cho rằng trì hoãn chính là một cơ chế tự vệ của bản thân. Khi nhận ra thứ mà ta chuẩn bị đối mặt có thể mang đến bất tiện hoặc tiềm ẩn nguy hiểm, ta có xu hướng trì hoãn quyết định, ít nhất là cho mình một khoảng lặng. Nếu biết trì hoãn đúng cách, đúng lúc, ta sẽ trở thành một người có suy nghĩ sâu sắc, hành động chính xác, ít để lại hậu quả. Nhưng nếu trì hoãn thái quá, ta sẽ trở thành kẻ do dự, thiếu quyết đoán.

Trong chúng ta ai cũng có lúc mệt mỏi, khó tránh khỏi những lúc muốn dừng lại một lúc để được nghỉ ngơi. Nhưng có một số công việc không phù hợp với tính trì hoãn, nên người xưa có câu nói rằng: “Việc hôm nay chớ để ngày mai”, ý muốn nói nếu không biết trân trọng hôm nay, làm sao có thể nắm bắt được việc  ngày mai

Trì hoãn nếu trở thành một thói quen thì quả thực không tốt, ngày này qua ngày khác, rồi năm này qua năm khác, sống trong sự đóng băng không còn hứng thú khởi động lại, việc nhỏ biến thành việc lớn, việc tốt trở thành việc xấu, việc dễ trở thành việc khó, cuối cùng không đạt được cái gì, không được việc gì.

Cuốn sách khá thú vị của Mel Robbins: “The 5 Second Rule” (tạm dịch: Quyết định trong 5 giây).  Ông nói: “Khi lần đầu tiên phát hiện ra quy tắc 5 giây, tôi đã dùng nó để thay đổi hành vi của mình. Hiệu quả của quy tắc này rất tuyệt vời! Mỗi ngày đều hành động bằng tất cả sự can đảm của mình, tôi đã trở thành một con người hoàn toàn khác, cực kỳ tự tin dẫu phải đối mặt với bất kỳ nỗi đau nào. Tất nhiên, sự lo lắng không hề biến mất, thay vào đó nó bị giấu kín vào bên trong. Tôi đã nỗ lực để chung sống với nó, quản lý nó và để bản thân không bị sự lo lắng làm cho rơi vào hoảng loạn.”

Chúng ta cũng có thể học cách kiểm soát bộ não của mình, hướng dẫn suy nghĩ của mình loại bỏ nỗi sợ hãi là những điều tốt nhất để cải thiện chất lượng cuộc sống. Đừng vì khó khăn mà trở nên chán nản, đừng vì vấp ngã mà không còn can đảm đứng dậy bước đi.

Ở đời là vậy, hôm nay thế này nhưng ngày mai có thể sẽ khác, phúc họa là đan xen lẫn nhau. Bạn luôn phải đối mặt với những vấn đề, nhưng hãy bằng mọi cách vượt qua nó, bởi vì mỗi giai đoạn cuộc đời sẽ có một cơ hội khác nhau, tuổi trẻ và sức khoẻ không thể mãi kéo dài và thời gian không bao giờ quay trở lại. Cho nên chúng ta không thể cứ mãi lần nữa trì hoãn mà chưa nỗ lực chăm chỉ hơn.

Làm người cần có chừng mực

Đời người giống như thước đo, cần phải có từng cấp độ. Quan hệ giữa người với người giống như dây xích, từng vòng nối vào nhau nhưng cũng có thể rời xa nhau.

Sự thân mật hay xa cách, là thiện cảm hay những mối hận thù. Hòa đồng là một môn học trên trường đời, dù cho mối quan hệ của cả hai có tốt đẹp đến đâu, nhưng nếu không có chừng mực thì tất cả sẽ có thể trở nên tồi tệ. 

Có câu rằng: “Quân tử chi giao đạm nhược thủy, tiểu nhân chi giao cam nhược lễ” ý muốn nói: Người quân tử lúc nào cũng bình thản như nước, nước dẫu nhạt nhưng không bao giờ ngấy, đường dẫu ngọt nhưng ăn nhiều sẽ dính răng.

Những người hiểu thế nào là chừng mực, khi kết giao với người khác sẽ tạo cảm giác vừa thoải mái, giữ khoảng cách nhưng lại không quá hờ hững xa vời. Đây là một loại năng lực, cũng là cấp độ cao nhất trong giáo dục nhân cách. Trong lòng có thước đo, hành sự sẽ có mức độ.

Luôn làm người có lễ có tiết, có độ có lượng. Lúc  tiến biết tiến, lúc cần lui biết lui, lúc cần thể hiện hãy thể hiện, lúc cần che dấu hãy che dấu. Ở vị trí nào làm việc đó, bưng bát như nào ăn cơm như vậy.

Khi hành sự phải chừa cho người khác một đường lui, cũng là chừa cho bản thân mình đường sau này bước. Làm người chính trực, thẳng thắn, bao dung rộng lớn, không hổ thẹn với trời đất, với lòng mình.

Hằng Tâm