Ở khu chợ trong một thị trấn nhỏ có cửa hàng bán cá nọ luôn có người mua xếp hàng dài dằng dặc, buôn bán rất phát đạt. Hàng cá này nổi tiếng vì sự tươi ngon của sản phẩm, ông chủ cửa hàng còn có kế hoạch mở thêm một loạt chuỗi cửa hàng khác ở các khu lân cận.
Chủ cửa hàng cá là một người đàn ông trên 50 tuổi, trong một cuộc tán gẫu tình cờ biết được rằng, ông vốn chỉ là chủ sở hữu của một sạp cá nhỏ và mục đích bán cá ban đầu của ông chỉ là để nuôi sống gia đình, vợ con, sự thay đổi từ một sạp cá nhỏ thành một cửa hàng bán cá lớn có tiếng tăm lại là nhờ một cặp khách đặc biệt.
Năm năm trước không nhớ rõ vào ngày nào, có một cậu bé chừng bảy, tám tuổi đến chợ để mua rau, sau đó cậu đến sạp cá của ông và dừng lại hỏi: “Ông chủ à, cho cháu hai con cá chim”, ông liếc nhìn cậu bé và vục tay vào thùng gỗ bắt ra hai con cá và nói: “Của cháu hết 36 đồng”.
Cậu bé thò tay móc trong túi quần xoàng xoạc một lúc lâu rồi cuối cùng rút ra một tờ 100 đồng rồi nói: “Đây là tiền lì xì của cháu, cháu không nỡ tiêu, nhưng thôi cháu gửi bác”, hai má cậu bé đỏ ửng lên, ông chủ sạp cá lấy tiền rồi tìm tiền lẻ phụ cho cậu ấy 64 đồng, cậu bé cầm lấy túi cá và tiền lẻ rồi vội vàng rời đi. Không ngờ sang ngày thứ hai, cậu bé lại tới và nói với ông: “Mẹ cháu hôm nay đi bệnh viện rồi”, ông nghe xong giật mình ngạc nhiên.
Cậu nói tiếp: “Mẹ cháu bị bệnh, hôm nay đi làm phẫu thuật, hôm qua cháu mua cho mẹ món cá chim mà mẹ thích ăn nhất, có lẽ sẽ không bao giờ còn cơ hội như vậy nữa… Nhưng sau khi ăn xong mẹ nói với cháu một câu thế này: ‘Không nên đánh mất nhân cách cách cao cả chỉ vì tham lam một chút lợi ích”. Sau đó cậu lúng túng móc từ trong túi quần ra tờ 100 đồng mới tinh, hai tay run run khẽ đưa cho ông nói: “Ông chủ cháu xin lỗi, hôm qua cháu dùng là tờ 100 đồng giả, tờ này mới là thật ạ!”.
Ông chủ sạp cá nghe xong không ngừng sửng sốt, ông ấy nhớ lại cảnh thu tiền ngày hôm qua và không khỏi ngạc nhiên bởi lẽ lúc đó ông không kiểm tra kỹ càng tờ tiền. Cậu bé nói với vẻ mặt vô cùng xấu hổ: “Cảm ơn bác, tờ tiền giả này là trước kia mẹ cháu nhận được, luôn cất trong ngăn kéo, khi mẹ bị bệnh đã tiêu sạch tất cả số tiền tích góp, vì để giúp mẹ tiết kiệm 100 đồng, cháu đã giấu mẹ trộm tờ tiền giả này để mua cá, cảm ơn bác đã không trách móc cháu”.
Ông chủ sạp cá nghe xong lúc ấy trong lòng như vỡ tan, loại cảm giác đó khó mà hình dung được, ông ấy tìm từ trong túi quần ra tờ tiền giả và trả lại cho cậu, sau đó cậu lễ phép nhận tờ tiền giả, cúi đầu và rời đi. Nhìn hình bóng cậu ấy càng đi càng xa trong lòng ông càng chua xót. Rất lâu sau ông chủ sạp cá ấy cũng không thể lấy lại tinh thần. Cuối cùng đến khi thu dọn hàng, nhân lúc mọi người không để ý, ông vội vứt hơn một chục con cá biển đã ngâm formalin (một loại chất hóa học dùng chống thối rữa cho thực phẩm, có tác dụng tẩy trắng, sẽ làm hại sức khỏe con người) hơn một tuần vào thùng rác ở dưới sạp hàng.
Về sau mẹ cậu ấy vì bệnh nặng mà qua đời, cậu nhỏ cũng quay trở về quê nhà học tập. Ông chủ gian hàng không gặp lại cậu bé nữa, nhưng mỗi lần nghĩ tới chuyện trước đó đều khiến cho hai má của ông ấy đỏ lên. Từ đó về sau, ông luôn giữ được sự thành thật, chân chính trong kinh doanh, khiến cho một sạp cá nhỏ trước kia đã sắp trở thành một chuỗi cửa hàng lớn nhỏ rộng khắp khu vực miền nam.
Có lẽ làm điều chân thật sẽ khiến bạn tạm thời mất đi một số lợi ích, danh tiếng nào đó, bị người khác bài xích, lãnh đạm, nhưng nội tâm bạn thì bình thản, không hổ thẹn với trời đất. Hơn nữa xét về lâu dài mà nói thì những lợi ích sẽ nhất định lớn hơn những gì mất đi, bởi vì giá trị của con người không phải dùng vật chất công danh lợi lộc để mà đánh giá.
Minh Hoàng biên tập