Nguồn ảnh: Hirudolab

Văn Hóa

Tâm không tư lợi thì đường sẽ tự rộng mở

By Đăng Dũng

October 11, 2021

Người xưa thường nói: “Lòng dạ không tư lợi thì trời đất [sẽ] rộng mở”. Một người có tấm lòng rộng lớn, sẽ có nhiều bạn bè, cũng sẽ có nhiều người sẵn lòng giúp đỡ họ hơn, khi họ thực sự gặp vấn đề, thì cũng có nhiều người chủ động tìm đến để giúp đỡ. Cái gọi là: “Người đắc đạo được giúp đỡ nhiều, người thất [không có] đạo được giúp đỡ ít” (Đắc đạo giả đa trợ, thất đạo giả quả trợ) cũng cùng là đạo lý như vậy.

Nói từ chuyện lớn, vì sao Đường Thái Tông Lý Thế Dân lại có thể khai sáng một thời đại hưng thịnh cho nhà Đường, điều này là có quan hệ mật thiết không thể tách rời với tấm lòng rộng rãi của ông. Sau sự biến Huyền Vũ môn (Huyền Vũ môn chi biến), Lý Thế Dân vốn dĩ có thể giết ngay Ngụy Trưng – trợ lý của Lý Kiến Thành.

Bởi vì Ngụy Trưng từng khuyên Lý Kiến Thành mưu sát Lý Thế Dân. Nhưng Lý Thế Dân lại không tính toán hận thù trước đây, xem Ngụy Trưng là người có tài, không chỉ không giết ông ta, còn thăng Ngụy Trưng lên làm tể tướng, đặt định công lao cho sự thịnh vượng sau này của triều đại nhà Đường.

Khương Tử Nha từng nói: “Niềm vui thực sự của bậc quân tử là chí hướng to lớn lâu dài trong lòng họ, còn niềm vui của người bình thường chính là làm tốt những việc trước mắt”. Một người tư lợi thường vướng mắc vào được mất cá nhân. Ngược lại, người có thể cai trị cả thiên hạ to lớn phải vượt trên mưu cầu tư lợi.

Cổ ngữ có câu: “Cái trán của Tướng quân rộng đến mức có thể phi ngựa, cái bụng của Tể tướng rộng đến mức có thể chèo thuyền”. Ý nói, một người có tấm lòng rộng lớn mới có thể làm được việc lớn, có thể bao dung được những việc khó bao dung của thiên hạ. Nhờ vậy mà cai trị được thiên hạ.

Kỳ thực, người không mưu cầu tư lợi thì không bận tâm lo lắng cho vật chất cá nhân. Họ dành tấm lòng ấy để nghĩ đến an nguy của bách tính. Có đủ tâm lượng sẽ tự nhiên hết lòng vì dân. Đó là chỗ mà người tư lợi không thể nào làm được.

Mạnh Tử, người được xem là ông tổ thứ hai của Nho giáo, từng giảng về đạo trị quốc lấy nhân nghĩa làm trọng, không tuyên dương lợi ích cá nhân.

Có một ngày, Mạnh Tử đi đến Lương Quốc để tuyên truyền chủ trương cai trị đất nước của mình. Vua của Lương Quốc là Lương Huệ Vương tiếp đãi Mạnh Tử rất long trọng.

Lương Huệ Vương hỏi Mạnh Tử: “Tiên sinh, ngài từ ngàn dặm xa xôi tới đây, chắc chắn là muốn mang đến chút lợi ích gì đó cho quốc gia của chúng tôi rồi!”

Mạnh Tử cười cười, rồi điềm tĩnh đáp: “Đại Vương, ngài sao có thể mở miệng, ngậm miệng là chỉ nói đến lợi ích thế? Làm một vị quốc vương có nhân nghĩa là đủ rồi, hà cớ gì phải chuyên môn nhắc đến lợi ích mới được?

Nếu như một vị quốc vương mà hễ mở miệng là nói đến lợi ích của đất nước ra sao, quan lại hễ mở miệng là nói đến lợi ích về đất đai được phong của bản thân mình như thế nào. Người trí thức và dân chúng hễ mở miệng là đều nói đến lợi ích của bản thân mình.

Cứ như thế, từ quân vương cho tới dân chúng, đều truy đuổi lợi ích cá nhân của chính mình thì thiên hạ chẳng phải tất sẽ đại loạn sao?

Nếu như tuyên dương lợi ích cá nhân thì người cao thấp trong thiên hạ đều sẽ vứt bỏ cái chung mà mưu cầu cái tư, đối với sự an định và hưng thịnh của cá nhân ngài và quốc gia ngài là vô cùng bất lợi”.

Vị Quốc Vương Lương Huệ Vương nghe xong lời này của Mạnh Tử vô cùng chí lý nên tiếp nhận rất thận trọng, từng ý từng lời.

Từ một khía cạnh nhỏ khác mà nói, một lần có đồng nghiệp nói xấu tôi trước mặt lãnh đạo, mặc dù biết được chuyện đó nhưng tôi đã không để tâm đến việc này. Sau khi người đồng nghiệp đó biết được điều này đã vô cùng cảm động. Sau đó không lâu, vào lúc tôi đang gặp phải một chuyện rắc rối, chính vị đồng nghiệp này đã chủ động thay mặt tôi giải thích với lãnh đạo, [vì thế tôi] mới tránh được một số rắc rối sau này.

Giữa người với người, sẽ luôn gặp phải một số việc không như ý. Một người bạn dù tốt đến đâu, cũng sẽ có một lần nào đó nói điều không tốt về bạn. Nếu vì thế mà tâm chúng ta sinh ra oán giận, sẽ phát hiện rằng ngay cả đến một người bạn thì bản thân cũng không có nữa. Đại khái đây chính là đạo lý “Nước quá trong ắt không có cá” mà người ta thường nói đến.

Nhìn người thì chỉ nhìn vào cái tốt của họ, thì sẽ phát hiện rằng tất cả mọi người đều có thể làm bạn; [còn] ngược lại, sẽ phát hiện rằng ngay cả đến một người bạn cũng không có nữa. Trong tâm không có suy nghĩ ích kỷ, nhìn người thì chỉ nhìn vào mặt tốt; nhìn sự việc thì chú ý đến toàn cục, hãy nên đứng về góc độ của đối phương để nhìn nhận vấn đề, vậy thì bản thân sẽ có rất nhiều bạn bè, con đường của chúng ta cũng sẽ tự nhiên rộng mở.

Nguồn Chanhkien.org