Một nhà tâm lý học người Mỹ đã nói rằng: Lực hấp dẫn của một người không phải đơn thuần đến từ dung mạo bên ngoài mà là trực tiếp đến từ tâm tính. Bảo trì một tâm tính tốt là phương pháp làm đẹp hữu hiệu nhất.
Các nhà tâm lý học nước Mỹ gần đây đã làm một nghiên cứu để đánh giá sự ảnh hưởng của dung mạo bên ngoài và bên trong của một người đối với người tiếp xúc. Trong nghiên cứu họ đã ghi hình một số nhóm người. Ban đầu, một số nhóm người này được dẫn vào một căn phòng riêng biệt, rồi từng người sẽ tự giới thiệu về bản thân.
Sau đó họ mời một số người không quen biết những người giới thiệu này, căn cứ vào video ghi hình và chấm điểm cho từng người. Những căn cứ để chấm điểm là hình dáng bên ngoài, biểu hiện cảm xúc, kỹ năng giao tiếp, cuối cùng đánh giá xem bản thân mình có yêu thích người ấy hay không. Kết quả cho thấy, những nhân tố bên ngoài có sức ảnh hưởng nhỏ nhất, những nhân tố tích cực bên trong lại có sức ảnh hưởng lớn nhất đối với người tiếp xúc.
1. Tâm tình tốt hay xấu đều sẽ thể hiện hết ra ở khuôn mặt
Khi trong lòng cảm thấy vui vẻ, dễ chịu, lượng máu chảy về phía bề mặt da sẽ tăng lên làm cho sắc mặt hồng hào và sáng bóng hơn. Những trạng thái cảm xúc không tốt như căng thẳng, ức chế, hốt hoảng, sợ hãi sẽ làm rối loạn nội tiết khiến cho lượng máu cung cấp cho da sẽ giảm đi, sắc mặt mất đi vẻ sáng bóng mà trở nên khô, thậm chí xuất hiện nếp nhăn. Nếu như tâm tính không tốt vẻ mặt luôn buồn, ủ dũ sẽ làm suy nhược thần kinh, mất ngủ, làm da bị lão hóa.
Ngoài ra, sự bài tiết hormone do thần kinh chi phối, nên vào lúc tâm tình không vui, thì tuyến mồ hôi và tuyến bã nhờn bị ức chế, khiến sự bài tiết dầu trên da bị bất thường, làm lỗ chân lông to hơn, da trở nên nhão hơn. Đây cũng là một nguyên nhân gây ra các bệnh về da.
Nếu như một người thường xuyên vui vẻ, thì vẻ mặt sẽ dễ chịu, tường hòa. Đây là nguyên nhân vì sao có một số người có khuôn mặt cũng không phải xinh đẹp xuất chúng nhưng lại rất ưa nhìn.
2. Tướng do tâm sinh, người tâm thiện có vẻ mặt hiền lành
Trong tướng thuật, “tướng” thông thường là chỉ tướng mặt, cũng đại thể là chỉ toàn bộ tướng mạo. “Tướng do tâm sinh” là có ý nói rằng, một người có tâm tính như thế nào thì sẽ có tướng mạo như thế ấy. Trạng thái suy nghĩ, hành vi của một người có thể thông qua các đặc điểm trên khuôn mặt mà được hiển hiện ra.
Trong “Tứ khố toàn thư” viết: “Vị tương nhân chi tương, tiên thính nhân chi thanh; vị thính nhân chi thanh, tiên sát nhân chi hành; vị sát nhân chi hành, tiên quan nhân chi tâm.” Ý nói rằng, đừng nhìn tướng mạo người mà trước tiên hãy nghe thanh âm của người ta, đừng nghe thanh âm người mà trước tiên hãy quan sát hành vi của người ta, đừng quan sát hành vi người mà trước tiên hãy xét cái tâm của người ta.
Thời xưa có câu ngạn ngữ: “Hữu tâm vô tương, tương do tâm sinh; hữu tương vô tâm, tương tùy tâm diệt”, ý nói có tâm thì dẫu vô tướng, tướng cũng sẽ do tâm mà sinh. Những lời này cũng là để nói rằng, tướng mạo của một cá nhân là tuỳ theo tâm niệm thiện-ác của cá nhân ấy mà biến hoá theo.
3. Truyền thuyết về “tướng do tâm sinh”
Thời cổ đại có một thợ thủ công sinh sống ở tỉnh Sơn Đông. Mặc dù lớn lên khôi ngô tuấn tú nhưng anh ta lại thích tạc những hình tượng ma quỷ. Những tác phẩm điêu khắc của anh vô cùng sống động, và theo thời gian, việc buôn bán của anh càng ngày càng phát đạt. Một ngày, anh nhìn vào gương và vô cùng kinh ngạc khi thấy rằng diện mạo của mình đã trở nên hung tợn và xấu xí. Anh đã đến gặp rất nhiều danh y nổi tiếng, nhưng không ai có thể giúp được anh.
Chàng trai dừng lại ở một ngôi đền và kể sự tình với một người lớn tuổi. Ông lão trả lời: “Tôi có thể giúp điều ước của anh trở thành sự thật, với điều kiện là anh hãy tạc cho tôi một số bức tượng Quan Thế Âm với các dáng điệu khác nhau”. Người nghệ nhân đã đồng ý ngay lập tức và bắt đầu nghiên cứu tư tưởng và diện mạo của Quan Thế Âm Bồ Tát. Anh cũng cố gắng hết sức để thực hành theo đạo đức của Ngài như thể chính mình là đức Quan Thế Âm vậy.
Sau sáu tháng nghiên cứu và làm việc chăm chỉ, anh đã khắc được một số bức tượng sinh động của Phật Bà Quan Âm, thể hiện lòng tốt, từ bi, khoan dung và thần thánh của Ngài. Mọi người rất ngạc nhiên trước những bức tượng sinh động giống như thật. Người nghệ nhân cũng rất ngạc nhiên khi thấy rằng tướng mạo của mình đã hoàn toàn thay đổi, giờ đây nhìn anh thật hùng dũng và oai nghiêm.
Kỳ thực, từ Trung Y cổ đại cũng như sinh lý học và tâm lý học hiện đại là có thể thấy rằng đạo lý “tướng do tâm sinh” cũng giản đơn. Cái tướng mạo của người ta là do hai bộ phần ‘hình’ và ‘thần’ tạo thành. Hình tướng là đặc thù của sinh lý còn thần tướng vừa bao hàm nhân tố sinh lý, vừa phụ thuộc vào sự tu chỉnh quyết định. Nhất cử nhất động từng ý từng niệm trong cuộc sống, qua một thời gian thì dần dần sẽ ngưng đọng trên khuôn mặt, nghĩa là “hữu chư nội tất hình chư ngoại” (có gì bên trong ắt xuất hình bên ngoài).
Tâm niệm nảy sinh, cũng sẽ ảnh hưởng lên thân thể. Nếu như nội tâm an hoà tĩnh tại thì thần thanh khí sảng, lạc quan, đôn hậu, quang minh ngay thẳng. Điều đó sẽ khiến cho khí huyết điều hoà, ngũ tạng an định, công năng chính thường, thân thể khoẻ mạnh, ắt sẽ thể hiện ra mặt mũi sáng sủa, thần thái phấn khởi, ai gặp mặt cũng cảm thấy thoải mái, có cảm giác thân thiện an hoà một cách tự nhiên.
4. Trung y thời cổ đại nhìn tướng mặt biết bệnh
Cổ nhân cho rằng, tướng mạo chính là thước đo sức khỏe thân thể của một người. Trung y thời cổ đại có thể thông qua nhìn tướng mạo mà biết được nguyên nhân của bệnh. Trung y cổ đại giảng: “Tứ chẩn”, gọi là “Vọng, Văn, Vấn, Thiết”, tức là bốn phương pháp để thầy thuốc thăm khám bệnh, gồm có Vọng (nhìn), Văn (nghe), Vấn (hỏi), Thiết (sờ).
Trong đó, Vọng chính là nhìn thần sắc. Vọng đứng đầu trong “Tứ chẩn”, cho nên nó được đánh giá là rất quan trọng trong chẩn đoán bệnh.
Từ bên ngoài của một người có thể thấy: Nếu một người mà mắt nhìn không được rõ thì điều đó chứng minh là gan người ấy có vấn đề. Đầu lưỡi không cảm giác rõ vị thì tim có vấn đề. Môi tái nhợt, không có sắc thì tính khí bất hòa. Mũi ngửi mà không rõ mùi vị thì phổi có vấn đề, tai nghe không rõ thì chức năng thận suy yếu. Các bộ phận khác nhau của tướng mạo là có liên quan mật thiết đến lục phủ ngũ tạng trong thân thể người. Cho nên, người ta nhìn sự biến hóa của tướng mạo bên ngoài sẽ biết được nguyên nhân then chốt của bệnh.
Đối với người lớn tuổi, từng trải, cũng có thể thông qua nhìn tướng, nhìn cách đi, nghe giọng nói, là biết được tính cách, sở thích và tình trạng bệnh của người này. Có rất nhiều điều khiến người ta tin rằng đã được định trước trong mệnh, nhưng cũng có rất nhiều điều đều là do tư tưởng không tốt, thói quen không tốt và hành vi không thiện của bản thân tạo thành.
Cho nên, cũng có thể coi “tâm” là nhân của “tướng”, “tướng” là quả của “tâm” (theo quan hệ nhân-quả). Nếu nội tâm của một người yên bình, tĩnh lặng, lạc quan, từ bi, ngay chính, lương thiện thì cơ thể của người ấy sẽ hoạt động một cách trơn tru, người ấy đương nhiên sẽ có được một sức khỏe tốt, tinh thần tốt và dung mạo phúc hậu.
Thiên Hà biên tập