rái tim của đứa trẻ là một khí quan còn rất non nớt. Một khi trái tim của một đứa trẻ bị thương sẽ co lại thành những rãnh sâu và cứng như hạt đào trong suốt cả cuộc đời. (Ảnh: Shutterstock)

Làm Cha Mẹ

Tâm trạng của người mẹ quyết định nhiệt độ của một gia đình

By Đăng Dũng

January 27, 2021

Sức mạnh thực sự và sức mạnh giáo dục của một người mẹ, chính là nằm ở cảm xúc. Một người mẹ vững vàng về tình cảm mới khiến con cái yêu đời.

Người mẹ có tâm trạng tốt, đó là phúc khí cho những đứa trẻ.

Cách đây không lâu, phòng tư vấn tâm lý của bạn tôi đã tiếp nhận một phụ nữ độc thân 52 tuổi.

Cô có xu hướng trầm cảm nặng, mất ngủ kéo dài, đau đầu và luôn cảm giác căng thẳng đối với người khác giới. Trong quá trình trao đổi, cô đã nói về trải nghiệm thời thơ ấu của mình.

Vào lúc 5 tuổi, cuộc sống của cô thay đổi đáng kể bởi việc phát sinh một chuyện nhỏ. 

Đêm hôm ấy, cô bé không may tè dầm. Mẹ cô dường như “nổ tung” khi phát hiện: “Con 5 tuổi rồi, tại sao vẫn còn tè dầm? Ở trường con cũng như thế sao?”. 

Lời trách mắng này khiến cô cứ mãi tự trách mình. Đến ngày hôm sau khi thức giấc, cô bé lại bị ướt sũng. Lúc này, người mẹ thậm chí còn tức giận hơn và hét lên: “Chuyện gì đang xảy ra với con vậy, hôm qua tè dầm, hôm nay cũng thế!!”.

Vừa thu dọn chiếc chăn ướt, người mẹ vừa phàn nàn: Con gái lớn như vậy rồi mà vẫn còn tè dầm, không biết đường xấu hổ. 

Nhưng đến đêm thứ ba, cô vẫn ướt sũng. Đầu của người mẹ bị bao phủ bởi những lời mắng chửi, và mỗi câu nói ra giống như một cây kim, đâm vào trái tim còn non trẻ của cô.

Cuối cùng, vào ngày thứ tư, cô không còn tè dầm nữa. Nhưng khuôn mặt giận dữ và những lời lăng mạ của mẹ cứ luẩn quẩn trong tâm trí cô. Mỗi đêm, cô ngủ thiếp đi vì xấu hổ và sợ hãi, luôn sợ rằng mình sẽ làm ướt giường.

Nhưng lo lắng quá mức không giải quyết được vấn đề “tè dầm” này, và cô ấy vẫn thỉnh thoảng làm ướt giường. Vấn đề này đã không được cải thiện cho đến khi cô trưởng thành.

Khuôn mặt giận dữ và những lời lăng mạ của mẹ cứ luẩn quẩn trong tâm trí cô. Mỗi đêm, cô ngủ thiếp đi vì xấu hổ và sợ hãi, luôn sợ rằng mình sẽ làm ướt giường. (Ảnh: Shutterstock)

Giờ đây, cô đã hơn 50 tuổi, nhưng vẫn độc thân, và không dám tiếp xúc gần gũi với người khác giới. Cô đã cố gắng tự tử nhiều lần và được giải cứu.

Chỉ vì một vài lời nói của mẹ, cô đã nhốt mình nơi bóng tối trong phần lớn cuộc đời mình, chỉ có thể dựa vào thuốc ngủ và thuốc chống trầm cảm để sống. 

Cảm xúc của mẹ, xác định tương lai của đứa trẻ

Trong hầu hết các gia đình, các bà mẹ thường xuất hiện như một hình ảnh “bà la sát”, luôn nói lời khiển trách. Họ thường nhân danh tình yêu mà la mắng con cái, nhưng họ không biết rằng những lời nói và hành động này đã ăn mòn sự ấm áp trong nội tâm đứa trẻ.

Trần Kiều Ân được biết đến như nữ hoàng của các bộ phim thần tượng, cô đã làm việc trong ngành giải trí trong nhiều năm. Bề ngoài, cô tỏ ra rất lạc quan và vui vẻ, nhưng thực ra là đang tự thổi phồng bản thân, bởi cô vốn không giỏi giao tiếp với người khác, và thậm chí là một người tự kỷ.

Trần Kiều Ân kể lại rằng “sự giáo dục bằng gậy gộc” của mẹ đã gây ra một bóng ma cho thời thơ ấu của cô. Trong một cuộc phỏng vấn, Trần Kiều Ân nói: “Tôi không cảm thấy an toàn từ khi còn nhỏ. Tôi luôn sống trong sợ hãi. Tôi không biết nói chuyện với mẹ như thế nào, vì sợ mẹ sẽ la mắng”.

Cô mô tả giọng nói của mẹ mình là “âm thanh của quỷ”. Khi nói điều này, Trần Kiều Ân đang ở trong trạng thái căng thẳng và trông rất lo lắng.

Rõ ràng, tâm trạng tồi tệ của người mẹ giống như một quả bom hẹn giờ, được cấy vào trái tim của Trần Kiều Ân từ khi còn nhỏ. Mặc dù cô ấy rất tốt khi trưởng thành, nhưng những mặc cảm và sự tự ti này sẽ luôn xuất hiện và làm tổn thương cô.

Nhà văn Hồ Thích đã từng viết trong tác phẩm “Mẹ tôi”: “Điều kinh sợ nhất thế giới là một khuôn mặt giận dữ”.

Các nghiên cứu đã chỉ ra rằng, các bà mẹ thường hay lo lắng, thường xuyên chỉ trích và la mắng con cái họ sẽ làm gián đoạn tình cảm của họ với con cái. Nó thậm chí có thể khiến đứa trẻ bị rối loạn cảm xúc, không còn tự tin và thậm chí còn tự ti và tự kỷ. Trái tim của đứa trẻ là một khí quan còn rất non nớt. Một khi trái tim của một đứa trẻ bị thương sẽ co lại thành những rãnh sâu và cứng như hạt đào trong suốt cả cuộc đời.

Bề ngoài, cô tỏ ra rất lạc quan và vui vẻ, nhưng thực ra là đang tự thổi phồng bản thân, bởi cô vốn không giỏi giao tiếp với người khác, và thậm chí là một người tự kỷ. (Ảnh: Wikipedia)

Hãy kiểm soát cảm xúc tiêu cực, đừng để con bạn là một “thùng rác”

Đôi khi vai trò của người mẹ thực sự khó khăn. Vừa công tác, lại phải chăm lo công việc gia đình, khó tránh khỏi những lo toan và dao động về mặt cảm xúc. Bởi vậy, bạn có thể bốc đồng và la mắng con vì những điều nhỏ nhặt.

Nhưng bạn không biết rằng đứa trẻ sẽ bị ảnh hưởng đến mức nào nếu bị coi là “thùng rác”. Một sinh viên tâm lý học tại Đại học Manchester đã từng thực hiện một thí nghiệm. Khi bắt đầu thí nghiệm, anh ta để người mẹ tương tác với đứa trẻ bình thường, và đứa trẻ rất hạnh phúc.

Tiếp theo, khuôn mặt của người mẹ trở nên tĩnh lặng và đột nhiên vô cảm. Đứa trẻ thấy có gì đó không ổn, nên cố gắng thu hút sự chú ý của người mẹ.

Nhưng người mẹ vẫn vô cảm.

Mười giây sau, đứa trẻ ngã quỵ và khóc lóc.

Có thể thấy rằng tâm trạng xấu của người mẹ có tác động rất lớn đến đứa trẻ.

Nhà tâm lý học John Bobby chỉ ra sự liên kết mối quan hệ của một người với mẹ của mình từ thời thơ ấu: mối quan hệ ban đầu giữa một người và người mẹ như thế nào, sẽ quyết định mối quan hệ của anh ta với thế giới khi anh ta lớn lên.

Do đó, đừng trút những cảm xúc không liên quan đến con bạn. Hỷ nộ vô thường của bạn sẽ không chỉ khiến đứa trẻ không thể phân biệt một điều là đúng hay sai, mà còn làm dao động niềm tin của chúng vào cha mẹ.

Tâm trạng bình hòa, là cách giáo dục tốt nhất cho trẻ em

Một số nhà giáo dục đã chỉ ra rằng, các vấn đề của trẻ em đều nằm ở cảm xúc. Cũng chính là nói rằng, cảm xúc của đứa trẻ mà thuận thì giáo dục ắt sẽ dễ dàng. Bởi vậy, là cha mẹ hãy dành cho con bạn càng nhiều khoan dung càng tốt, và chấp nhận chúng một cách bình hòa:

Đừng mắng một cách mù quáng, hãy cho con bạn một cơ hội để giải thích

Khi trẻ mắc lỗi, phản ứng đầu tiên của nhiều bà mẹ là la mắng. Nhưng có nhiều lý do để phạm sai lầm, bao gồm cả lý do chủ quan và lý do khách quan không cố ý của con trẻ, chẳng hạn như sự cố tè dầm được đề cập lúc đầu.

Một điều nữa là đứa trẻ hoàn toàn không phạm sai lầm, mà chỉ là một sự hiểu lầm. Điều này đòi hỏi một sự giao tiếp tốt với đứa trẻ để hiểu nguyên nhân và kết quả của sự việc, nếu không thì rất dễ gây ra đánh giá sai.

Có một câu chuyện ngụ ngôn về sự hiểu lầm:

Ở Alaska, một cặp vợ chồng trẻ kết hôn và có một người con. Không lâu sau người vợ không may qua đời.

Người chồng bận rộn với cuộc sống, không có thời gian chăm sóc con, vì vậy anh đã huấn luyện một con chó thông minh, ngoan ngoãn và có thể chăm sóc đứa trẻ.

Một hôm, người chồng về nhà. Anh mở cửa và thấy máu trên sàn nhà, trên giường, đứa trẻ đã biến mất, còn con chó nằm ở bên cạnh và miệng dính đầy máu. Anh ta nghĩ rằng con chó đã tấn công và ăn thịt con mình, vì vậy anh đã lấy một con dao và chém chết con chó.

Sau đó, anh nghe thấy tiếng khóc ở dưới gầm giường. Mặc dù có máu trên người nhưng đứa trẻ không hề bị thương. Người chồng cảm thấy thật kỳ lạ, máu trên miệng của con chó là đến từ đâu?

Ngay sau đó, một âm thanh rên rỉ phát ra bên ngoài cánh cửa, và một con sói khập khiễng đi về phía rừng. Hóa ra đứa trẻ đã bị sói tấn công, và chú chó là anh hùng giải cứu, nhưng đã bị chết oan vì hiểu lầm. Đây là một sự hiểu lầm đau lòng.

Câu chuyện nhỏ nhưng cũng khiến chúng ta phải suy ngẫm. 

Đối xử với trẻ em cũng tương tự như vậy. Đừng để lời buộc tội trở thành thói quen đầu tiên mà cha mẹ bộc phát nói ra. Khi trẻ mắc lỗi, hãy hỏi lý do trước và cho trẻ cơ hội giải thích.

Giáo dục phê bình là hãy chỉ ra những điểm sai cho trẻ

Vào tháng 12 năm 2018, tại Lan Châu (Cam Túc, Trung Quốc) có một sự việc xảy ra. Một cậu bé 7 tuổi gọi điện cho cảnh sát và nói: “Cháu không phạm lỗi gì, bà ấy luôn đánh cháu, hãy mau đến bắt mẹ cháu”. 

Lúc đầu, cảnh sát nghĩ rằng đó là vụ việc ngược đãi trẻ em. Sau khi tìm hiểu sự thật, họ đã phát hiện ra một lỗi nhỏ do giáo dục của người mẹ. Hóa ra cậu bé nhìn thấy một cái lỗ trên chăn và cảm thấy nó thật vui khi dùng tay xé nó to hơn.

Người mẹ thấy vậy không nói gì, mà muốn cho cậu bé một cơ hội để thay đổi. Một lúc sau, cậu bé thấy lông vũ trong chăn bị lộ ra, thế là cậu từng chút kéo ra chơi. Lúc này, mẹ cậu không thể nhịn được nên đã đánh cậu.

Sự thật đã rõ ràng, và người mẹ đã phạm sai lầm. Phương pháp giáo dục này thật sự không hiệu quả. Đứa trẻ chưa hiểu được lỗi lầm của mình. Ngoài việc phá hủy mối quan hệ mẹ con và làm tăng sự thù hận của đứa trẻ đối với bạn, chúng có thể nhận được gì?

Ngay khi cậu bé xé to lỗ thủng ở chăn, nên kịp thời ngăn chặn, nói với con rằng hành động phá hủy tài sản là sai! Thay vì im lặng, hãy để trẻ suy ngẫm và sửa sai một cách có ý thức.

Giáo dục là cần thiết bởi vì nhận thức của trẻ em là chưa trưởng thành, và chúng không thể phân biệt cái gì là đúng và cái gì là sai. Không chỉ ra rõ ràng những sai lầm của trẻ mà trừng phạt một cách mù quáng, sẽ không chỉ không có tác dụng giáo dục, mà còn đặt mầm mống của sự oán giận trong trái tim trẻ.

Xin lỗi sau đó và thiết lập mối quan hệ bình đẳng với con bạn

Đọc đến đây, có không ít bà mẹ có thể sẽ vặn lại: Tôi hiểu điều đó, nhưng đôi khi cảm xúc xuất hiện và tôi không thể nhịn được.

Thật vậy, đối với những bà mẹ phải mang gánh nặng công việc gia đình và công tác bận rộn, thật quá khó để giữ cho cảm xúc như “thời tiết mùa xuân” ổn định trong một thời gian dài, và đôi khi chắc chắn sẽ dẫn đến mất kiểm soát.

Khi Tôn Yến Tư (ca sĩ nổi tiếng người Singapore) mang thai đứa con thứ hai, người con trai lớn bị cảm lạnh nặng.

Tâm trạng cô ấy không ổn định lắm. Cô ấy đã cố gắng hết sức để chăm sóc đứa trẻ mỗi ngày, nhưng đứa trẻ rất không vâng lời, không ăn đúng giờ, hơn nữa còn hay ăn vặt. Tôn Yến Tư không đồng ý và hai mẹ con đã tranh cãi về điều này.

Dần dần, tâm trạng của Tôn Yến Tư hơi mất kiểm soát và cô bắt đầu la hét, con trai cô ngừng nói nhiều hơn và im lặng viết “Tôi ghét mẹ” trên tờ giấy. Thấy vậy, Tôn Yến Tư sụp đổ hoàn toàn.

Cô tức giận trả lời trên tờ giấy: “Thật sao? Nếu ngươi chết ta cũng không thèm quan tâm”. Nhưng sau khi cô viết câu này, cô ngay lập tức hối hận. Loại tổn thương này cũng là một con dao sắc nhọn, làm tổn thương chính mình.

Sau khi bình tĩnh lại, Tôn Yến Tư đã chủ động xin lỗi con trai, và bình tĩnh nói chuyện cùng con. Cuối cùng, đứa trẻ đã chịu lắng nghe lời dạy bảo của mẹ. 

Trong cuộc sống của chúng ta, những tình huống giống như Tôn Yến Tư đã trải qua rất phổ biến. Những đứa trẻ ồn ào đang đánh lộn, và thậm chí nói điều gì đó khiến ta đau đớn. Một số bà mẹ cảm thấy rằng đứa trẻ vẫn còn nhỏ và quên luôn điều đã nói ra. Trên thực tế, điều này có thể tạo thành ảnh hưởng không thể đảo ngược đối với trẻ em.

Sự hình thành tính cách của một đứa trẻ nằm trong tay của người mẹ. Mọi sai lầm của con trẻ là một sự trưởng thành, và cách bạn xử lý nó có liên quan đến tương lai của đứa trẻ.

Bạn yêu con, và đứa trẻ sẽ yêu bạn. Nếu bạn tôn trọng cậu bé, thì cậu bé cũng sẽ tôn trọng bạn; nếu bạn sẵn sàng lắng nghe con nói thì đứa trẻ cũng sẽ sẵn sàng giao tiếp với bạn.

Đối với một người mẹ, sức mạnh thực sự không phải là những tiếng la hét, càng không phải là sự mắng mỏ nghiêm khắc, mà là sự chỉ dẫn cho những cảm xúc của con. 

Một người mẹ dịu dàng có thể nhanh chóng cộng hưởng với tâm lý của con mình. Bản chất dịu dàng, tinh tế của người mẹ có thể tạo ra một bầu không khí ấm áp và hài hòa cho đứa trẻ dần lớn lên.

Tâm trạng của người mẹ quyết định nhiệt độ của một gia đình. Giữ tâm trạng bình hòa là cách giáo dục tốt nhất cho con trẻ.

Biên tập: Đăng Dũng

Nguồn: aboluowang.com.