Có những việc tồn tại trên đời, nếu không trải qua đau đớn sẽ không cảm nhận được hạnh phúc tồn tại thế nào. Trong đau đớn, ta mới phát hiện những điều tưởng chừng tầm thường lại trở nên xa xỉ, hóa ra mọi hạnh phúc trên đời đều xuất phát từ những điều nhỏ nhặt. Khởi đầu trong đau đớn, thật ra chẳng có gì xấu mà còn là một ân huệ.
Tôi nhớ rất rõ vào ba năm trước, nỗi sợ hãi khi tôi sờ thấy một cục hạch sưng lên trong cổ họng. Trước kia thường phải hỏi qua bác sĩ rồi mới yên tâm đi chữa trị, thế mà lần này vừa cách ngày liền lập tức xin nghỉ để đến bệnh viện.
Tại phòng khám, ngồi trong phòng cùng hàng tá bệnh nhân khác, bất giác tôi cảm thấy cô đơn khi phải một mình chống chọi với mọi thứ.
Ngước đầu lên xem tiết mục ẩm thực được phát trên tivi của bệnh viện, tôi phát hiện, hóa ra đây cũng là một điều xa xỉ, bởi vì bạn phải thật sự khỏe mạnh và an toàn về mọi mặt mới có thể nắm chắc trong tay những thứ đẹp đẽ ấy.
Trước hết cần phải siêu âm”, giọng một bác sĩ nhẹ nhàng nói với bệnh nhân số chín mươi mấy giống như tôi.
Sau đó người bác sĩ lại bảo: “Bệnh thường gặp ở phụ nữ tuổi trung niên, không cần lo lắng”.
Bệnh thường gặp là thế nào chứ, phải khỏe mạnh mới chính là trạng thái bình thường của cơ thể. Nếu định nghĩa là vậy thì tại sao chúng ta còn phải cố gắng để lấy lại sức khỏe. Đây chẳng phải là một sự ngược ngạo trong khái niệm tư duy của con người?
Vào một lần khám bệnh khác, bác sĩ nói với tôi, không loại trừ khả năng họ phải dùng đến dao mổ, sau đó đã sắp xếp làm sinh thiết kiểm tra cho tôi. Từ khoảnh khắc đó trở đi, dù cho kết quả có thế nào, rốt cuộc có bệnh hay không có bệnh, tôi cũng đã trở thành một người bệnh chính cống rồi… lo lắng đến phát bệnh.
Cái hôm sinh thiết để kiểm tra, tôi được một bác sĩ thâm niên đến tiến hành thao tác. Khoảnh khắc đó tôi chỉ có thể không ngừng tự an ủi chính mình.
“Không cần căng thẳng, đây chỉ là một kiểm tra đơn giản, không cần dùng thuốc tê”, nói đoạn ông ấy cầm cây kim lên: “Đừng có nuốt nước miếng!”.
Sau đó, cây kim một cách dứt khoát chọc thẳng vào phần cổ đang đưa ra của tôi. Quá đau đớn, đầu óc tôi trở nên trống rỗng! Tôi cảm giác được đầu kim dài và cứng đang chuyển động và tìm kiếm gì đó trong cổ họng mình. Quá trình đó chẳng khác gì một cuộc hành hình. Tình cảnh này thật đúng với câu ‘đưa cổ chịu chết’.
Sau đó bác sĩ rút cây kim ra, tôi nhìn thấy bên trong ống kim là một ống máu màu đen! Tâm trí tôi kinh hãi vì không thể tin được đây chính là thứ đang nằm trong cơ thể mình. Tôi dường như có thể nghe được cả tiếng kêu gào oán hận trong tâm, u sầu và chán nản. Đó là toàn bộ những trải nghiệm chân thật nhất của tôi về tất cả.
Bước xuống giường, nước mắt tôi rơi lã chã tự bao giờ. Một mặt tôi cảm thấy ngạc nhiên về điều đó, một mặt thì cảm thấy có lỗi và ân hận với bản thân, vì đã không chăm sóc cho thân mình được tốt. Dù sao, thân thể khỏe hay yếu đều là do mình, nên tự làm tự chịu.
Tôi đã ép mình phải thật bình tĩnh và chuẩn bị rời khỏi bệnh viện, trên đường đi tôi vô tình nghe thấy trong phòng bệnh của ai đó vang lên ca khúc:
“Ôm một cây nguyệt cầm cũ, hai ba tiếng không thành điệu. Tiếng đàn của người ca sĩ xưa vẫn còn đó, duy nhất vẫn không thấy truyền thuyết về Hằng Xuân. Gió thổi từ núi về biển cả, vết thương lòng rồi sẽ tan biến…”.
Tôi ngồi bệt xuống, nhìn thấy một cô gái vừa đàn vừa hát trước một cây đàn piano, âm thanh vang lên thật tuyệt đẹp, đúng là biết cách an ủi tâm trạng người ta lúc này. Trong nhân gian nên có một đóa hoa như vậy, mới có thể đưa người ta bước tiếp trên con đường đầy cảnh đẹp đồng thời cũng vô số bụi gai này.
Nhớ lại trước đây, có rất nhiều những buồn bực không biết phải giải tỏa thế nào, tâm trạng tệ hại đó cứ thế tích lũy theo năm tháng, khác nào đang tự giết chết chính mình một cách từ từ? Vậy nên không sinh bệnh làm sao được.
Tự yêu thương lấy chính mình cơ bản cũng không biết, đó không phải đồng nghĩa với việc xúi giục cơ thể tự buông bỏ chính mình sao? Tôi rốt cuộc có lỗi với ai chứ? Là có lỗi với bản thân, hay có lỗi với sinh mệnh quý báu mà trời xanh đã ban cho tôi?
Bản “Nguyệt Ca” hôm đó vang lên đã khiến nước mắt tôi ướt đẫm.
Trên chuyến xe buýt trở về, tôi chỉ muốn trở thành một con người mới. Tôi cầu nguyện với trời cao hãy cho tôi một cơ hội, để tôi có thể trở thành một người tốt lần nữa! Mong muốn mạnh mẽ đến nỗi những ý nghĩ đó trở thành những con chữ có trọng lượng nặng trĩu!
Sau đó tôi đã đổi bác sĩ trị liệu, cô ấy chỉ định bác sĩ ngoại khoa tiến hành kiểm tra và trị liệu cho tôi. Những thao tác tiêm thuốc tê, chích kim v..v.. đối với người bệnh tỏ ra vô cùng tận tụy. Lúc ấy tôi mới biết, hóa ra quá trình này có thể không đau đớn đến thế.
Nhớ lại những quá trình trị liệu trước đó, nếu từ đầu tôi gặp được vị bác sĩ ân cần dịu dàng như thế này, có thể tôi sẽ không phải đau đớn như vậy. Nhưng cũng nhờ những cú sốc đầu tiên ấy, đã khiến tôi vô cùng hối hận và muốn bắt đầu sống đàng hoàng thêm lần nữa. Đây chính là ân huệ của sự đau đớn!
Sự bắt đầu của ân huệ này không nhất thiết phải thể hiện bằng hình thức vui vẻ. Con người cần trải qua đau khổ thì mới nhìn ra sự tồn tại của hạnh phúc.
Chúc Di/Tinhhoa.tv/Dịch
Nguồn Watchinese