Có người thần thánh hóa đồng tiền, ca tụng về nó rằng: “không cánh mà bay, không chân mà chạy. Không nơi xa nào là không đến, không nơi tăm tối nào mà không tới. Người vô đức tôn thờ, người không quyền thế thích. Nguy có thể hóa thành an, chết có thể khiến cho sống, sang có thể làm cho hèn, sống có thể làm cho chết”…
Trương Duyệt – nhà văn đời Đường, đã từng làm quan 30 năm trải qua 4 triều vua, 3 lần nắm đại quyền, cai quản văn học. Ông từng trước tác rất nhiều, văn bút sắc bén mạnh mẽ, tư duy mẫn tiệp, xứng đáng là anh hào hô mây gọi gió một đời.
Đáng tiếc là đường quan lộ của ông gập ghềnh, vì đắc tội với mỹ nam của Võ Tắc Thiên nên bị giáng chức và lưu đày, trải qua bao phen trắc trở “3 lần lên voi 3 lần xuống chó”… Vì vậy thơ văn của Trương Duyệt chứa đầy những “cuộc bể dâu” của một con người nhìn thấu chốn hồng trần. Bài tản văn Tiền bản thảo của ông không dài, thông tục dễ hiểu nhưng gây khắc khoải, thấm thía lòng người:
“Tiền, vị ngọt, đại nhiệt, có độc. Tác dụng phụ lưu giữ dung nhan, tốt tươi sáng nhẵn, chữa bệnh đói, giải khốn khó có hiệu nghiệm ngay. Tiền có thể lợi cho quốc gia, thiệt hại cho người hiền đạt và rất sợ người thanh liêm. Người tham uống thuốc “tiền”, thì phân chia đều là tốt nhất, nếu không phân chia đều thì nóng lạnh công kích nhau, khiến người hỗn loạn. Thuốc tiền thu hái không theo thời vụ. Thu nhận không đúng lễ thì tổn thương đến tinh thần. Tiền rất thịnh hành, có thể chiêu mời thần linh, thông với khí quỷ. Nếu tích lũy mà không phân tán thì sẽ sinh ra tai họa thủy hỏa đạo tặc. Nếu phân tán mà không tích lũy thì sẽ sinh bệnh đói rét khốn khó. Vừa tích lũy vừa phân tán thì gọi là đạo. Không coi nó là trân quý thì gọi là đức. Nhận và cho hợp lễ nghi thì gọi là nghĩa. Không cầu tiền không phải của mình gọi là lễ. Thí xả rộng rãi cứu tế dân chúng thì gọi là nhân. Chi trả không sai hẹn gọi là tín. Người không vì thuốc “tiền” làm tổn hại đến mình thì gọi là trí. Tinh luyện 7 thuật này thì mới có thể uống thuốc “tiền” lâu dài, khiến người trường thọ. Nếu uống thuốc “tiền” mà không theo lý lẽ thì ý chí suy nhược, tinh thần tổn thương, nhất định phải kiêng kỵ”.
Toàn bộ bài văn chưa đầy 200 chữ đã viết sống động, đã nói thấu triệt về tiền. “Tiền, vị ngọt, đại nhiệt, có độc” chỉ mấy chữ đã định vị được dược tính của thảo dược đặc biệt có tên là “tiền” này, quả đúng là lời rất ít mà ý nghĩa đầy đủ, mỗi chữ cả ngàn cân, sinh động, chính xác, đầy sức mạnh.
Tiền là món ăn trong đĩa, là áo trên mình, là ngôi nhà che mưa gió, là những ngày như ý, do đó “vị ngọt”. Mọi người đều thích nó, thân cận nó, truy cầu nó.
Nhưng tính của nó “đại nhiệt”, rất dễ khiến người ta nghiện, si mê, trong tâm chỉ có tiền, thế gian không còn gì khác ngoài nó.
Điên vì nó, cuồng vì nó, đâm vào tường rầm rầm vì nó. Kết quả của nhiệt chính là “trúng độc”. Người bị nặng còn bị nó dẫn đi vào trong mộ.
Hiệu quả dược tính của nó rất thần kỳ, chỉ cần “ăn” nó, thì lập tức thấy tác dụng. Hai mắt sáng rực, gương mặt sáng ngời, ngẩng đầu ưỡn ngực, tiếng nói như chuông. Nó có thể giải cứu người đang bị treo ngược, cứu thoát người đang trong hỏa hoạn lũ lụt, giống như cái ô khi trời mưa, như lò than khi tuyết đổ.
Quốc gia có nó thì có thể lợi cho dân, có thể mạnh cho nước, khiến ngoại bang kính phục. Nhưng nó cũng có thể khiến người hiền đạt tài cán, thông minh bị ô nhục, thậm chí vạn kiếp không phục hồi được.
Nó cũng có khắc tinh, đó là nó bất lực, sợ hãi trước người “thanh liêm”.
Trương Duyệt cũng khuyên bảo những phú hào có đống tài sản tiền tài lớn rằng, tốt nhất hãy đem phần tiền tài dư thừa phân tán, thí xả đi, cho tặng những người nghèo, những người ốm yếu, đói khát, thiếu thốn… và tạo phúc cho xã hội.
Nếu không thì không những mất đi sự phát triển lâu bền, mất đi hạnh phúc chân chính, thậm chí còn gây họa hoạn vô vùng. Ngoài “nếu không phân chia đều thì nóng lạnh công kích nhau, khiến người hỗn loạn” ra, thì tiền tài cần kiếm bằng đạo, không mưu cầu thứ không phải của mình, không khéo lừa cướp đoạt, nếu không thì Thần linh nhìn thấy tất cả đều rõ mồn một sẽ giáng tội trừng phạt.
Tích lũy tiền của không có gì sai, nhưng khi cần tiêu thì phải bỏ tiền ra. Chức năng của tiền vốn là để lưu thông, nếu giữ chặt lấy thì xã hội sao có thể vận hành được?
Vì vậy nếu tích tụ tiền, không sớm thì muộn ắt sẽ có tai nạn như lũ lụt, hỏa hoạn, trộm cướp xảy ra. Nhưng nếu chỉ tiêu tiền mà không kiếm tiền thì lại chạy sang phía cực đoan kia, đói rét sẽ tìm đến cửa. Xem ra, muốn thuần phục con quái thú “tiền” này quả không phải là việc đơn giản, cần phải dụng tâm rất nhiều.
Trương Duyệt tiên sinh đã gợi dẫn cho chúng ta 7 pháp bảo tốt để khắc chế tiền, đó là:
1. Đạo: sử dụng tiền có mức độ, có chừng mực.
2. Đức: không coi tiền là báu vật.
3. Nghĩa: chi tiêu và kiếm được tương ứng.
4. Lễ: không tham tiền tài không thuộc về mình.
5. Nhân: vui hành thiện, thích thí xả, có cái tâm cứu nguy nan, giúp khốn khó.
6. Tín: một lời hứa đáng giá ngàn vàng, tuyệt đối không trái hẹn.
7. Trí: Không để tiền tài tổn hại đến bản thân.
Chỉ cần ghi nhớ 7 pháp bảo chế ngự tiền tài trên, thì vị thuốc thảo dược đặc biệt có tên là “tiền” này sẽ trở thành nô bộc trung thực của con người, làm được như vậy thì mới có thể yên tâm sử dụng, “mới có thể uống thuốc “tiền” lâu dài, khiến người trường thọ”. Ngược lại, thì sẽ thương tích đầy mình, họa đáo nhãn tiền, thân bại danh liệt, nhất định phải đặc biệt chú ý!…
Trong nhân sinh kim cổ Đông Tây, “tiền” dường như là chủ đề vĩnh hằng. Thuyết giảng về tiền cũng rất đa dạng:
Có người thần thánh hóa hình ảnh đồng tiền, nói nào là: “không cánh mà bay, không chân mà chạy. Không nơi xa nào là không đến, không nơi tăm tối nào mà không tới. Người vô đức tôn thờ, người không quyền thế thích. Nguy có thể hóa thành an, chết có thể khiến cho sống, sang có thể làm cho hèn, sống có thể làm cho chết”.
Cũng có người thì sợ tiền: “Khởi đầu của cốt nhục tương tranh, quan lại vì nó mà bại hoại danh tiếng, thương nhân vì nó mà tổn hại tấm thân, phố chợ vì nó mà tranh đấu đâm chém. Người bị nó lung lạc một đời thì tạo phúc cho người ít mà gây họa cho người nhiều. Quả là vật giết người mà con người không ngộ ra”.
Có người mắng chửi nó: “Mắng chửi tiền bạc: Đồ súc sinh. Cương thường luân lý bị mày làm bại hoại, triều đình vương pháp bị mày lộng hành, kẻ giết người cậy mày mà không phải đền mạng, người hiền tài vì không có mày mà không được trọng dụng. Ngẫm nghĩ xem, phải dùng dao tróc, búa chém, rán dầu, chưng hấp tiền tài”.
Đã có rất nhiều người nói, đủ kiểu đa dạng về tiền bạc, nhưng chỉ có một người ví nó với thuốc, ví thuốc với nó, cảnh tỉnh thâm thúy, xứng danh là kỳ văn thiên cổ. Bài tản văn này là tổng kết kinh nghiệm 70 năm cuộc đời của tác giả, khổ tâm đúc rút mà thành, vỏn vẹn trên 200 chữ mà miêu tả tường tận rõ ràng tính chất, lợi hại, đạo tích tán của tiền. Lấy tiền ví với thuốc, chẩn trị tệ nạn thời thế, luận lợi hại, giàu triết lý, có tính giáo dục sâu sắc, quả xứng danh là kiệt tác kỳ văn.
Theo NTDVN
Đăng Dũng biên tập