Nguồn ảnh: Liciwang

Đời Sống

Thà thất bại trong danh dự còn hơn là thắng nhờ gian lận

By Đăng Dũng

June 15, 2021

Danh dự được coi là tiếng tăm và sự trọng vọng của dư luận xã hội, là địa vị cao được xã hội tôn trọng, và nó trở thành một nguồn động lực giúp bản thân con người cố gắng. Bởi vậy mà có ai đó đã nói rằng: “Danh dự giống như viên đá quý: chỉ một vết nhỏ cũng làm mờ ánh lấp lánh của nó và làm mất đi toàn bộ giá trị”

Nội hàm chữ danh chứa đựng ý nghĩa nhân văn, tốt đẹp. Không chỉ là nhu cầu tự thân, khát vọng có một chữ danh chính đáng còn là động lực thúc đẩy con người phấn đấu không ngừng tiến bộ.

Tuy nhiên, do không hiểu biết chữ danh một cách thấu đáo mà không ít người đã có những suy nghĩ lệch lạc đến mức sa đà vào con đường háo danh, ham chuộng địa vị một cách thái quá. Đây cũng là một trong những biểu hiện suy thoái về đạo đức, lối sống của một số người có biểu hiện “háo danh, phô trương… “đánh bóng” tên tuổi; thích được đề cao, ca ngợi”.

Người háo danh thường không ý thức được về mình, không hiểu mình là ai, không biết mình đang ở vị trí nào trong cuộc sống này nên họ khát vọng muốn đứng trên người khác, muốn tên tuổi, tầm vóc của mình phải khiến người khác cúi đầu.

Khi họ được tôn vinh thì ngạo mạn đắc ý, khi bị hạ bệ thì ủ dột mất phương hướng. Người như thế không bao giờ có được sự bình yên trong tâm và cuộc sống của họ luôn trong trạng thái lo sợ bất an.

Chuyện con lừa mang thánh vật

Đây là một truyện ngụ ngôn của nhà văn Pháp tên là La Fontaine, cũng là một trong những tác phẩm tiêu biểu của ông. Truyện nói về một con lừa, ngày đầu tiên được mục sư sai đến cõng thánh vật, nhìn thấy những tín đồ cúng bái, bò lổm ngổm trên mặt đất, con lừa dường như cảm thấy lâng lâng tự mãn.

Ngày hôm sau, vị mục sư tiếp tục sai nó đến kéo cối xay, con lừa vẫn còn đang say sưa với sự cao quý của ngày hôm qua nên tự nhiên không chịu vâng lời, sau đó bị chủ nhân đánh cho một trận, nó liền khóc to.

Khi đó, một đứa trẻ 10 tuổi sau khi nghe câu chuyện này xong, nó cảm thấy con lừa này thật ngu ngốc nên bảo: “Đừng quên bạn là một con lừa!”. 

Kỳ thực, trên thế gian có rất nhiều “con lừa” thường nhầm lẫn mình với những thánh vật. Khi có quyền thì kiêu căng ngạo mạn, khi không còn quyền thì chán nản, thấp thỏm thở dài; khi tại vị thì ngông cuồng tự cao tự đại; khi thoái vị thì tinh thần suy sụp ….. 

Con lừa cũng chỉ là con lừa, còn thánh vật là thánh vật, trẻ con còn hiểu được lẽ thường, sao người lớn vẫn còn mê muội?

Kỳ thực, việc cõng thánh vật này giống như hút thuốc phiện, có thể sẽ gây nghiện. Con lừa dù có được mang thánh vật trong bao lâu, thì cũng có ngày thánh vật phải bị tháo dỡ xuống.

Cũng giống như con người trên đời, ai mà không muốn sống vinh quang? Hơn nữa, bốn phương đến bái, tám mặt hướng về, không chỉ có được niềm vui về tinh thần, mà còn được cung cấp mọi thứ cần thiết như cơm ăn, áo mặc, nhà ở và phương tiện đi lại, còn có rất nhiều tiền. 

Tuy nhiên điều này có khác gì con lừa cõng thánh vật, cứ tưởng những xa hoa đó là mình, sau này quen rồi, tự nhiên sợ mất mát, sống cảm giác thật khổ sở.

Thực ra, con người chỉ có vóc dáng, sở thích, kỹ năng, tính cách và suy nghĩ của mình, mới là cùng tồn tại với sinh mệnh của chính mình. Những ngày mang thánh vật, chẳng qua chỉ là bọt sóng nổi lên trong ký ức trải qua năm tháng hồng trần mà thôi.

Tuy nhiên, thời nay có những người háo danh, ham địa vị đến mức khác thường. Ở mức độ nhẹ, họ khôn khéo lấy lòng người khác, mua chuộc nhân tâm, ra sức ra luồn vào cúi, nịnh nọt, ton hót cấp trên để mong được bổ nhiệm vào vị trí cao hơn.

Nặng hơn, có người dù ở đâu, lúc nào cũng chỉ nghĩ đến cái ghế mà mình nhắm tới, bằng mọi cách để tiếp cận, leo lên được vị trí ngon, thậm chí không ngại ngần sử dụng đủ thứ mánh khóe, chiêu bài để chiếm đoạt được quyền cao chức trọng. 

Có người háo danh đến mức bất chấp luân thường đạo lý, quên cả tình bằng hữu, chà đạp lên tình đồng chí, đồng nghiệp, sẵn sàng biến đối tác thành đối thủ, hạ bệ người khác để đạt được tham vọng cá nhân. Dân gian có câu: “Mua danh ba vạn, bán danh ba đồng”. Cái danh không bằng tài năng, đức độ, thực lực của bản thân tạo ra, mà càng phải mua đắt bao nhiêu thì giá trị của nó càng bị coi thường, rẻ rúng bấy nhiêu!

Danh dự cũng không phân biệt giàu nghèo, sang hèn, chức vụ, nghề nghiệp, giới tính. Nhưng một người có phẩm chất đạo đức tốt, có tài năng, chức vụ càng cao thì uy tín, danh dự trong xã hội càng lớn. Người có danh dự, lòng tự trọng luôn ngay thẳng, cương trực, luôn biết đứng ra bảo vệ chính nghĩa chứ không phải “ẩn mình” chỉ biết mình; không bao giờ tự kiêu, tự mãn với những gì đã làm được.

Theo: Secret China

Nhung Nguyễn biên tập