Nguồn ảnh: DKN

Cảm Ngộ Nhân Sinh

Tha thứ là viên “linh đan” có thể hàn gắn mọi vết thương trong tâm hồn

By Lan Hòa

July 08, 2021

Suốt quãng đời còn lại, hãy trở thành một người có tấm lòng bao dung, vị tha, hãy khiến lòng mình trở nên bao la, vĩ đại, như biển cả có thể dung nạp trăm sông, như bầu trời rộng lớn có thể bao dung hết thảy. Mở rộng tấm lòng mình với vạn sự vạn vật, bỏ qua hết thảy những gì không vui trong cuộc sống, tha thứ cho những người từng khiến bạn tổn thương, bạn sẽ phát hiện ra, thế giới trong lòng bạn sẽ ngập tràn hoa lá.

Đức Khổng Tử trong cuốn Luận Ngữ từng giảng rằng: “Đạo của ta chỉ có một lẽ mà thông suốt hết thảy”. Còn Tăng Tử thì nói: “Đạo của thầy chỉ gồm đức Trung và Thứ mà thôi”.

Một ngày, Tử Cống hỏi Khổng Tử: “Thầy ơi, có từ nào đủ để làm nguyên tắc theo đuổi cả đời không ạ?”.

Khổng Tử trả lời: “Vậy thì chỉ có thể là từ Thứ!”.

Cổ nhân xưa rất coi trọng việc tu dưỡng đạo đức bản thân, dùng tấm lòng khoan dung độ lượng để tha thứ cho lỗi lầm của người khác. Nghĩa cử cao đẹp này không những cải thiện đạo đức của chính mình mà còn có sức cảm hoá người khác.

Tha thứ là viên “linh đan” có thể hàn gắn mọi vết thương trong tâm hồn

Trên đường đi hoá duyên, có một vị hoà thượng đi ngang qua nhà một phú ông, vì trời mưa to nên vị hòa thượng hỏi vị phú ông liệu có thể cho mình tránh mưa được không. Vị phú ông đồng ý nhưng không cho vị hòa thượng vào trong mà chỉ cho ngủ ngoài hành lang, cả đêm hôm đó hoà thượng vừa lạnh vừa đói.

Sáng sớm ngày hôm sau, hoà thượng hỏi quản gia tên của chủ nhà rồi vội vã cáo từ.

Nhiều năm về sau, vị hoà thượng năm nào đã trở thành trụ trì của một ngôi chùa lớn nổi tiếng, người vợ của phú ông nghe nói ngôi chùa ấy rất thiêng nên muốn đến làm lễ bái Phật.

Khi đến cửa chùa, bà nhìn thấy tên chồng mình được khắc trên một tấm bảng treo ngay lối đi vào chùa. Bà cảm thấy rất kỳ lạ và thắc mắc bèn đi tìm một vị hoà thượng trong chùa hỏi nguyên do sự tình.

Hoà thượng trong chùa nói: “Bởi vì vị thí chủ này không sẵn sàng bố thí nên chúng tôi khắc tên ông ấy treo lên như vậy”.

Vợ của vị phú ông nghe thấy liền vô cùng tức giận: “Trụ trì của các ông sao lại hẹp hòi như thế?”.

Hoà thượng nói: “Xin thí chủ bớt giận. Trụ trì của chúng tôi cho rằng đó là vì kiếp trước có nghiệt duyên, nên Ngài đã khắc tên ông ấy treo lên để ngày ngày đọc kinh, giải trừ nghiệt duyên, giúp cả gia đình ông ấy bình an”.

Nghe đến đấy, người vợ của phú ông vô cùng cảm động, về nhà kể lại chuyện này cho chồng nghe. Vị phú ông nghe xong cảm thấy rất hối hận, và vô cùng cảm động, ông liền đích thân mang hương lễ đến chùa tạ ơn trụ trì.

Quả thật, tha thứ và thiện tâm có thể hóa giải nghiệt duyên, thay vì tìm thời cơ để trả thù thì chi bằng hãy từ bi, mở lòng tấm lòng và hóa giải điều ác.

Có câu cổ ngữ rằng: “Có lòng bao dung mới trở thành vĩ đại”. Ngay cả với kẻ thù của mình, cũng cần phải đối đãi bằng một lòng khoan dung, từ bi. Bởi bạn biết chăng, nhân quả là có trả có vay giữa các kiếp đời. Kiếp trước có thể bạn đã đối xử không tốt với họ, kiếp này họ mới xuất hiện và đòi lấy món nợ kia. Người xưa chẳng thường có câu: “oan gia ngõ hẹp” là gì? Vậy thì chi bằng cứ khoan dung, cứ lương thiện, cứ đối đãi với người bằng cả thiện tâm để gỡ bỏ mối hận thù truyền kiếp. Như vậy chẳng phải rất tốt sao?

Một niệm lên thiên đường, một niệm xuống địa ngục

Có câu: “Một niệm lên thiên đường, một niệm xuống địa ngục”. Khi đối mặt với một sự việc nào đó, mỗi người sẽ có cách nghĩ, cách giải quyết khác nhau. Quan niệm khác nhau sẽ đem đến những kết quả khác nhau, nếu trong tâm bạn ngập tràn sự từ bi, bao dung và cảm ân với cuộc sống, bạn sẽ thấy mỗi ngày là một ngày nắng. Nếu trong lòng bạn chứa đầy oán hận, tranh đấu và đố kị, mỗi ngày trong lòng sẽ đầy u tối và mưa dông.

Một vị thiền sư có một đệ tử hay phàn nàn, oán giận người khác. Vị thiền sư bỏ muối vào một cái cốc nước rồi đưa cho đệ tử của mình uống.

Đệ tử nói: “Cốc nước này vừa mặn vừa đắng”

Vị thiền sư rắc muối vào hồ, sau đó bảo đệ tử nếm thử vị nước hồ.

Đệ tử nếm xong, nói: “Thật thuần khiết và ngọt ngào”

Vị thiền sư nói: “Những đau khổ trong cuộc sống cũng như muối vậy, độ mặn nhạt của nó được quyết định bởi vật chứa nó. Con nguyện trở thành một cốc nước nhỏ bé, hay là mặt hồ bao la?”

Nhỏ một giọt mực vào cốc nước trong, nước lập tức đổi màu, không thể uống được, nhưng nếu một giọt mực hòa vào biển lớn, nước biển vẫn cứ mãi trong xanh.

Một người, đứng từ tầng 20 nhìn xuống, cảnh tượng nhìn thấy là bầu trời bao la, trong xanh, khung cảnh tựa như một bức tranh đẹp. Nhưng nếu từ tầng 2 nhìn xuống, thì những thứ nhìn thấy là rác rưởi phủ đầy mặt đất.

Thay đổi cách nhìn, mở rộng lòng mình với vạn sự vạn vật, bỏ qua hết thảy những gì không vui trong cuộc sống, tha thứ cho những người từng khiến bạn tổn thương, thế giới trong lòng bạn sẽ ngập tràn hoa lá. Trong cuộc đời của mỗi người đều sẽ gặp phải những chuyện chẳng như ý hay không thuận mắt. Nếu bạn không học cách tha thứ thì sẽ luôn cảm thấy cuộc sống mỗi ngày trôi qua đều rất mệt mỏi và thống khổ. Nếu bạn không thể tha thứ thì nhất định sẽ thống khổ muôn phần. Hậu quả là bạn sẽ có cảm giác như lúc nào cũng đang sống trong “nước sôi lửa bỏng”, lo lắng chẳng thể yên vui vậy.

Tha thứ sẽ khiến bạn luôn hạnh phúc, nhẹ nhỏm trong tâm, nó sẽ khiến bạn được nếm trải đủ vị cay đắng ngọt bùi trong cuộc sống, có thể hàn gắn mọi vết thương trong tâm hồn. Sau khi bạn tha thứ cho hết thảy, bạn sẽ phát hiện ra, người được giải thoát không phải là một ai đó khác, mà chính là bản thân mình.

 

Nguồn: Alobuowang

Lan Hòa biên tập