Cuộc Sống 4 Phương

Thạc sĩ đi bán chân gà nướng vậy học cao để làm gì?

By Truong Phong

September 11, 2021

VNExpress mới đây đăng tải một câu chuyện về một người đàn ông 34 tuổi, là chủ một hàng bán chân gà nướng có tiếng ở một chợ nông sản thuộc khu tự trị Tân Cương. Người ta gọi anh này là chủ tiệm chân gà có học vấn cao vì anh đã có bằng thạc sĩ của một trường đại học danh giá. Sự kiện Thạc sĩ đi bán chân gà nướng đã tạo nên một cuộc tranh luận sôi nổi. Nhiều người đặt câu hỏi, vậy học lên cao để làm gì ?

Người đàn ông được nhắc tới là Vu Hồng Đào  – Thạc sĩ tại Đại học Hoa Trung – một trong những trường đại học danh giá của Trung Quốc. Vu Hồng Đào hai lần khởi nghiệp nhưng thất bại. Tháng 10/2020, anh mở quầy hàng nhỏ bán chân gà nướng mưu sinh.

Câu chuyện của Vu Hồng Đào đã gây ra cuộc tranh luận sôi nổi trên mạng xã hội Trung Quốc. Có người phê phán, nhiều người ủng hộ, nhưng cũng nhiều người nói: “Công việc của anh ấy đáng trân trọng nhưng không nên khuyến khích”. Riêng Vu Hồng Đào hiện tại cảm thấy hài lòng với cuộc sống của mình. Anh ta nói “Trước đây tôi nghĩ, đi học gần 30 năm mà chẳng đạt được thành tựu gì, thật đáng xấu hổ. Nhưng giờ lại thấy, chỉ cần có việc làm và cố gắng làm tốt công việc đó thì chẳng có gì đáng suy nghĩ”.

Những người biết tới câu chuyện của của chàng trai 34 tuổi đặt câu hỏi: “Vậy mục đích cuối cùng của việc học lên cao của anh là gì? Để trở thành người thành đạt, kiếm nhiều tiền hay cuối cùng lại trở thành người bán chân gà nướng?.

Một nhà báo của Trung Quốc tên Tang Tử – nhân câu chuyện này đã đưa ra ba lý do của việc học như sau:

Thứ nhất: Học để làm người tốt

Cha mẹ thường nói với con cái: “Hãy học hành chăm chỉ để có một tương lai tốt đẹp hơn”. Nhưng khi lớn lên nhiều người nhận ra đó là điều sai lầm bởi không thể có câu trả lời cố định cho “tương lai”.

Một số người cho rằng những loại nghề nghiệp ổn định như làm công chức, viên chức nhà nước là tốt. Một số khác lại nghĩ là phải được làm việc cho các công ty nước ngoài. Mỗi người mỗi tiêu chuẩn vậy thì tại sao chúng ta lại phải hành động theo tiêu chuẩn của người khác?

Hơn 10 năm trước, có một người tên Lưu Tú Cường nổi tiếng khắp Trung Quốc với câu chuyện đưa người mẹ bị bệnh tâm thần đi học cùng mình. Sau khi tốt nghiệp đại học năm 2012, nhiều công ty đã mời anh về làm việc, thậm chí đề nghị mức lương rất cao nhưng Lưu từ chối.

Người đàn ông họ Lưu này đưa mẹ về quê và trở thành một giáo viên tại huyện nghèo ở thành phố Quý Châu. Mỗi tháng lương, ngoài tiền dành mua thuốc cho mẹ và sinh hoạt gia đình, còn lại anh ta dùng giúp đỡ học trò nghèo.

Suốt 9 năm đi làm, Lưu Tú Cường vẫn ở trong khu tập thể cũ của trường, thu nhập tháng nào xài hết tháng đó, không có tích lũy, thậm chí chẳng mấy khi mua quần áo mới. Có người  cho rằng như vậy thật đáng xấu hổ. Tuy nhiên, Lưu Tú Cường đáp từ lại rằng: “Mục đích đi học của tôi không phải thoát nghèo cho bản thân, mà là đưa quê tôi thoát nghèo”.

Người ta tính được với sự giúp sức của Lưu Tú Cường có 1.900 học sinh đã được tài trợ để tiếp tục học tập, 50 học sinh bỏ học quay trở lại lớp, tỷ lệ đỗ đại học của trường nơi anh dạy học tăng từ 12% lên 63%. Lưu Tú Cường được bình chọn là một trong những giáo viên ưu tú nhất Trung Quốc.

Nếu xét theo một tiêu chí về của cải vật chất, tiền tài danh vọng thì Lưu Tú Cường có thể được xếp vào nhóm có tương lai mờ mịt. Nhưng nhìn từ một góc độ khác anh là người có tâm hồn nhân hậu, tư cách đạo đức cao cả và nhiều thế hệ học sinh được trưởng thành. Những thứ này còn đắt giá hơn tiền bạc, danh vọng hay tài sản.

Khi dạy học trò của mình Lưu Tú Cường luôn dặn chúng rằng con người chỉ trở nên vĩ đại khi học tập không ngừng. Anh ta luôn nói câu này trong tất cả các bài phát biểu truyền cảm hứng cho những học sinh ở vùng sâu, vùng xa ở Trung Quốc.

Thứ hai: Học có thể không phải đường tiến, nhưng nhất định không phải đường lùi

Tác giả đề cập đến “Lý thuyết túi nilon”? Hiện nay, nhiều người có thói quen tiết kiệm túi nilọn bằng cách giặt sạch sẽ để tái sử dụng. Việc đi học cũng giống như tiết kiệm một chiếc túi nilon, rồi một ngày nào đó nó sẽ có ích.

Cách đây không lâu một cô gái tên Bá Ngũ Kế, một cựu sinh viên xuất sắc của trường Đại học Nhân dân trở thành cái tên được nhắc tới nhiều trong các cuộc thảo luận trên mạng xã hội Trung Quốc. Từng là thủ khoa đầu vào kỳ thi tuyển sinh, cô gái sau đó tiếp tục giành được nhiều học bổng trong và ngoài nước. Bạn bè cho rằng tương lai của cô rất tươi sáng.

Nhưng sau khi tốt nghiệp Bá Ngũ Kế lại có cuộc sống rất chật vật. Cô có tới 6 người con, sống trong một ngôi nhà dột nát nhờ vào tiền trợ cấp hộ nghèo. Bố mẹ cô cho biết, Bá mắc một chứng bệnh tâm lý rất khó chữa trị.

Khi câu chuyện của cô gái được đăng tải lên mạng, nhiều cựu sinh viên của Đại học Nhân dân đã quyên góp tiền, xây tặng cô một ngôi nhà mới 170 m2. Cô cũng được tặng điện thoại di động, được dạy cách sử dụng Internet và được nhận vào làm văn thư tại văn phòng lưu trữ quận.

Theo người viết, câu chuyện của Bá Ngũ Kế cho thấy, bằng cấp, học vấn không phải là thứ đóng băng, nó vẫn có thể hữu ích. Giống như người bán chân gà Vu Hồng Đào ở Tân Cương, nếu không có bằng thạc sỹ, anh đã không được gọi là “chủ hàng học vấn cao” chứ đừng nói đến việc trở nên nổi tiếng và nhiều người biết tới như hiện tại.

Học có thể không phải là đường tiến, nhưng nhất định không phải đường lùi. Hãy tin rằng tất cả những gì bạn làm, từng giọt mồ hôi, từng khó khăn phải chịu đựng có thể một ngày nào đó sẽ mang đến điều bất ngờ.

Thứ ba: Phải trải qua những khó khăn của việc học tập mới vượt qua được khó khăn của cuộc sống

Tác giả bài báo kể về một người bạn ngay từ nhỏ đã luôn bị bố mẹ và người trong gia đình nhắc nhở: “Nếu không chịu khó học, sau này con sẽ khổ cả đời”. Từ đó trong tiềm thức, người ấy coi việc học như một lá bùa hộ mệnh. Đúng như kỳ vọng, sau đó anh ta đỗ một trường đại học danh tiếng tại Bắc Kinh. Tốt nghiệp, được nhận vào một công ty lớn.

Tuy nhiên, khi ra trường anh vẫn phải làm việc từ 8h sáng đến 5h chiều, giống như mọi người. Ngoài việc đối phó với những bất hòa ở nơi làm việc, anh còn phải đối mặt với những lục đục, khúc mắc trong gia đình. Người đàn ông này nhận ra, cuộc sống sẽ không ưu ái với anh chỉ bởi anh tốt nghiệp một trường đại học danh tiếng.

Nhưng nếu có ai hỏi “học hành có giúp anh có cuộc sống tốt?”, anh ấy thẳng thắn: “Phải trải qua gian khổ của việc học mới có thể trân trọng vị ngọt của cuộc sống”. Anh nói, với những khó khăn thường ngày từ công việc cho tới gia đình, anh có thể đối mặt một cách bình tĩnh và tự tin nhờ kiến thức đã học được.

Anh ấy cũng nói thêm rằng: “Dù chỉ là nhân viên bình thường nhưng đây là cuộc sống do chính tôi lựa chọn. Khi một người được quyền lựa chọn cuộc sống của mình, có niềm tin và hạnh phúc, người đó sẽ cảm thấy cuộc sống tràn đầy ý nghĩa”.

Nhà văn từng nói: “Mỗi người đều có ít nhất một ước mơ, đó là lý do để ta trở nên mạnh mẽ”. Trước đây cha mẹ luôn muốn con mình phải chăm chỉ học để sau này “trở thành đại bàng, vút bay lên trời”. Nhưng thực chất, học hành không bao giờ thực dụng như vậy, mục đích của nó là giúp ta có quyền lựa chọn cuộc đời mình và khiến con người trở nên tốt đẹp hơn.

Bởi vậy nếu bị hoang mang bởi suy nghĩ: “Tại sao chúng ta lại cần phải học nhiều như vậy?”, hãy hiểu rõ bản chất của học tập. Không có gì tốt hơn việc học, học gì cũng được, miễn bạn cảm thấy thích, mai sau sẽ có một con đường đi phù hợp cho bạn.

Theo VNexpress

Vũ Nam tổng hợp.