Nguồn ảnh: Internet

Cảm Ngộ Nhân Sinh

Thân vô bệnh, tâm không phiền là món quà quý giá nhất của kiếp nhân sinh

By Lan Hòa

August 06, 2021

Cổ nhân cho rằng “thân vô bệnh, tâm không phiền” là trạng thái lý tưởng nhất của con người, có thể bảo trì được sự cân bằng và khỏe mạnh cả về thể xác và tinh thần. Người xưa sống tự do tự tại, thuận theo tự nhiên, “ngày nắng đi cày, ngày mưa đọc sách”, nên thân thể luôn khỏe mạnh, nội tâm thường an hòa.

Tục ngữ có câu: “Người không có bệnh thì toàn thân nhẹ nhàng”, con người một khi trải qua một trận ốm nặng, thập tử nhất sinh, sẽ hiểu sâu sắc được sự trân quý của “thân vô bệnh”. Người hiện đại vào độ tuổi tráng niên, thanh xuân tươi trẻ, thì đều hăng hái, xông xáo, mặc sức tiêu hao sinh lực, khi đó, điều được cho là hạnh phúc nhất chính là có một tiền đồ sáng lạng, một tình yêu đẹp, có danh tiếng lẫy lừng, sở hữu khối tài sản kếch xù… Nhưng một khi bước vào tuổi trung niên, thân thể bắt đầu suy nhược, người ta mới hiểu được tầm quan trọng của sức khỏe, mới bắt đầu tìm hiểu về dưỡng sinh.

Tâm bình khí hòa khiến cơ thể bảo trì trạng thái khỏe mạnh

Xưa nay, nhiều người vì áp lực công việc, học tập, gia đình mà khiến cho thân thể bị suy yếu, tâm trạng luôn căng thẳng, mệt mỏi. Để cải thiện tình trạng này, họ thường sử dụng thuốc, thực phẩm chức năng hoặc thức ăn bổ dưỡng… Kì thực, nếu một người chỉ muốn dựa vào thức ăn bổ dưỡng để hy vọng được khỏe mạnh trường thọ thì chưa đủ. Bởi vì chất bổ dưỡng trong đồ ăn chỉ đáp ứng được yêu cầu dinh dưỡng của thân thể xác thịt mà thôi.

Đông y cổ đại vẫn giảng rằng nội tâm lương thiện khiến con người bình thản, ôn hòa, khí huyết thông suốt, từ đó đạt đến trạng thái cơ thể khỏe mạnh. Nội tâm chính thì khí tất sẽ chính, khi đã có khí chính thì thân thể tất cũng sẽ “chính”. Khoa học cũng đã chứng minh, rất nhiều loại bênh nan y ngày nay là do nội tâm của con người gây ra, y học hiện đại cũng thừa nhận rằng khi chịu áp lực lớn, hay lo lắng thì người ta thường hay bị đau dạ dày, và gây nên một số bệnh lý khác nữa.

Đông y cổ đại rất phát triển, có một bộ lý luận rất hoàn chỉnh về vấn đề này, người xưa giảng rằng luân lý đạo đức, tức ngũ thường: “Nhân, Lễ, Nghĩa, Trí, Tín”, là có ảnh hưởng rất lớn đến thân thể người. Cụ thể ngũ thường ảnh hưởng đến ngũ tạng: “Nhân” đối ứng với gan, “Lễ” đối ứng với tim, “Nghĩa” đối ứng với phổi, “Trí” đối ứng với thận, “Tín” đối ứng với tỳ.

Vậy nên trong sách Xuân Thu Bàn Lộ, Đổng Trọng Thư viết: “Nguyên nhân khiến người nhân ái, từ tâm được trường thọ là vì họ bên ngoài không tham mà bên trong thanh tĩnh, tâm bình khí hòa mà không mất đi sự công bằng chính trực, đạt được điều tốt đẹp của thiên địa, lấy đó dưỡng thân tâm, chính là vừa có được trường thọ vừa chế ước được ngôn hành của bản thân.”

Cao tăng Vô Môn Tuệ Khai thời nhà Đường bàn rằng: “Mùa xuân có trăm hoa đua nở, mùa thu có ánh trăng, mùa hạ có gió mát, mùa đông có tuyết rơi, nếu trong tâm không có lo phiền thì đó là tiết trời đẹp nhất.”

Bất luận thế gian biến hóa như thế nào, chỉ cần nội tâm chúng ta không bị ngoại cảnh chi phối dẫn động, luôn bảo trì được tâm thái lạc quan, yên vui thì hết thảy ồn ào, thị phi, được mất sẽ không quấy nhiễu được nội tâm của chúng ta. Khi ấy, thế giới nội tâm của chúng ta sẽ rộng lớn vô hạn, tâm không lo phiền thì thân thể ắt sẽ vô bệnh.

Tâm bình an, mọi thứ đều vô sự

Tâm vô sự là một tâm hồn an nhiên, tự do tự tại, không bị ràng buộc bởi thị phi, là một nội tâm trong sáng, thuần khiết, không phủ bụi trần. Dẫu là lúc bận rộn hay nhàn nhã thì vẫn có thể bảo trì được sự bình thản, an nhiên. Người không bị lợi ích quấy nhiễu, không bị sắc tình cám dỗ, không bị vật chất mê hoặc, không cuốn vào vòng xoáy dục vọng, thì mới có thể thưởng thức được dư vị chân chính của cuộc sống, tìm về với bản nguyên tốt đẹp của sinh mệnh.

Ngày nay, rất nhiều người sử dụng quỹ thời gian của mình để giành giật và tranh đấu, luôn ở trong trạng thái căng thẳng và lo âu. Cuốn vào vòng xoáy của kim tiền và vật chất, nhiều người đã không còn biết đến cảm giác thong dong, điềm tĩnh và tự tại. Thật ra khi thực sự cảm thấy mệt mỏi, hãy bớt chút thời gian, rời xa nơi phố thị ồn ã, thưởng thức một ly trà, đọc một cuốn sách hay, để lấy lại sự cân bằng trong tâm, đừng miễn cưỡng bản thân, mà hãy dành tặng bản thân một khoảng hòa hoãn.

Nếu một người sống mà trong tâm không lo phiền, không chấp nhất vào điều gì nơi thế tục, biết đủ và tự hài lòng với cuộc sống hiện tại, thì hết thảy những thứ họ có được đều sẽ mang đến cho họ sự vui sướng, vui vẻ, an hòa trong tâm. Người như vậy ắt sẽ cảm nhận được sự ấm áp, bình yên nơi thế gian.

 

 

Lan Hòa biên tập