Cây thông cao nhất ở trong rừng là do khi nó còn là một hạt mầm, thì không có con chim, hay con sóc nào ăn hạt đó. Khi cái hạt đó nảy mầm thành 1 cái cây con, thì nó không bị các tán cây khác che mất ánh sáng mặt trời của nó, cạnh tranh chất dinh dưỡng với nó. Khi nó cao lớn và trưởng thành thành một cây gỗ lớn thì không có ai chặt nó. Nó trở thành cái cây cao nhất trong khu rừng là do nó đã ‘tích tụ các lợi thế’ chứ không phải do nó chỉ là một hạt giống tốt – Lược trích “Những kẻ xuất chúng” MalColm Maxwell. Thành công của bạn cũng vậy, là do thiên thời, địa lợi, nhân hoà, nhiều yếu tố hợp thành chứ chăm chỉ, nỗ lực thôi là chưa đủ. Chăm chỉ và nỗ lực thì chứng tỏ bạn chỉ là một hạt giống tốt. Để thành công, thì bạn cần nhiều yếu tố hơn thế.
Đừng cố gắng phủ định đi những lợi thế của bạn để nâng tầm bản thân, và gây ảo tưởng cho người khác. Hãy khiêm tốn, và trung thực, đó mới là cách đúng đắn để truyền cảm hứng và giúp đỡ người khác, chứ không phải chỉ nâng tầm bản thân để xây dựng sự ngưỡng mộ ảo của người khác dành cho mình.
1. Giá trị hữu hình có thể thấy được
– Điều kiện vật chất: nhà ở, sách vở, các trang thiết bị, phương tiện học tập, trường tốt, thầy cô giỏi.
– Điều kiện sinh hoạt: quần áo đẹp, đồ ăn ngon, đầy đủ chất dinh dưỡng, lành mạnh cho sức khoẻ và tinh thần.
– Tiền chu cấp hàng tháng, đáp ứng các nhu cầu và theo đuổi sở thích cá nhân.
Cho dù cha mẹ có nghiêm khắc cỡ nào với con cái thì, điều kiện sinh hoạt và học tập của Rich Kid đã lợi thế hơn hẳn với Poor Kid rồi. Các em không phải lo lắng về việc ăn ở sinh hoạt, mà sẽ chuyên tâm học hành, thoải mái theo đuổi đam mê mà ít bị các áp lực về vật chất.
Người nghèo và người giàu đều có các vấn đề như nhau, nhưng người giàu giải quyết được rất nhiều vấn đề bằng tiền, còn người nghèo thì không.
2. Giá trị vô hình
Cha mẹ là nông dân nuôi dạy con sẽ khác với cha mẹ là là doanh nhân, cha mẹ là tầng lớp trí thức sẽ nuôi dạy con khác với cha mẹ làm nghệ thuật. Cha mẹ thuộc tầng lớp nào trong xã hội, thì cách nuôi dạy con cái sẽ phù hợp với vị thế của họ, và đặc thù sẽ có sự khác nhau.
Người ảnh hưởng đầu tiên và nhiều nhất đến 1 đứa trẻ luôn là cha mẹ trong gia đình. Giáo dục nó không chỉ là sách vở, bảng phấn, giáo dục không chỉ là ngồi 12 năm mòn mỏi trên ghế nhà trường. Mà giáo dục có mặt ở khắp mọi nơi, trong mọi lời ăn, tiếng nói, nếp sinh hoạt, hành động, tư tưởng, tư duy của những người xung quanh ta. Tiếng Anh có 2 từ để nói về việc học: LEARN và STUDY
*Learn: có nghĩa là học tập thụ động, học từ thói quen, quan sát, bắt chước hành vi của người khác thông qua vô thức, và tự nhận thức. *Study: có nghĩa là học tập chủ động, tức là học thông qua trường lớp sách vở, bài giảng người khác dạy cho mình.
Việc học chủ động thông qua sách vở nó chỉ từ 5-8 tiếng/ ngày, nhưng việc học thụ động nó là khoảng thời gian rất dài còn lại, và trong suốt thời gian con trẻ còn sinh hoạt chung sống chung với cha mẹ. Cha mẹ luôn là những hình mẫu (Role Model) có ảnh hưởng lớn nhất đến chúng. Bởi cách giáo dục người khác tốt nhất đó chính là làm gương chứ không phải chỉ là đầu tư cho việc học hành ở sách vở trường lớp.
Chẳng thế mà dân gian ta có câu thành ngữ: “Con vua thì lại làm vua, con sãi ở chùa đi quét lá đa” , “Hổ phụ sinh hổ tử”, “Con nhà nòi”… là như vậy.
Bạn sẽ là trung bình cộng của 5 người gần gũi bạn nhất. Vì bạn sẽ vô thức “Learn” từ 5 người đó. – Gần mực thì đen, gần đèn thì rạng. Cha mẹ của bạn càng xuất chúng, thì bạn cũng có nhiều cơ hội để trở nên xuất sắc hơn so với những đứa trẻ khác. Mình đã từng nhận định, những đứa trẻ có nền tảng gia đình tốt, nó có thể toàn tâm toàn ý, dồn hết năng lượng và nhiệt huyết của tuổi trẻ để theo đuổi đam mê từ những năm nó 15-17 tuổi, tự do tài chính và nghỉ hưu sớm ở tuổi 30-35.
Sớm hơn rất nhiều so với những đứa trẻ khác phải đi theo con đường của số đông: thi cử, chọn trường đại học, ra trường đi làm vài năm trái ngành trái nghề, thử sức… thất bại… phá sản rồi… mới ngoi ngóp tìm thấy đam mê và sự nghiệp ở những năm 30 tuổi. Đấy là may mắn, còn không thì vẫn sẽ phải làm thuê, chịu kiếp Rat Race suốt đời và nghỉ hưu ở tuổi 60.
Người giàu dạy con bằng phương pháp và tình yêu thương. Còn người nghèo chỉ có thể giáo dục con bằng tình yêu thương mà thôi: “Nhà mình nghèo, cố mà học để thoát khổ con ạ” những đứa trẻ ấy chỉ có 1 cách học duy nhất là “Study” từ sách vở trường lớp, chứ không có điều kiện để “Learn” từ cha mẹ và các mối quan hệ của cha mẹ chúng.
3. Tâm thế Nếu bạn sinh ra trong 1 gia đình có điều kiện, tức là có tài sản tích luỹ từ cha mẹ thì bạn vào đời giống như chơi game với 5-10 mạng dự phòng vậy (nói thế cho dễ hiểu nhé) tức là bạn được phép chết vài mạng, được phép phạm sai lầm, được phép thử rủi ro – take risk. Mà trong tư duy kinh doanh và đầu tư thì cái gì rủi ro càng cao thì lợi nhuận càng lớn. Người giàu họ có nhiều điều kiện để đón nhận và nắm bắt cơ hội, và thử sức với rủi ro. Vì thế họ giàu sẽ càng giàu.
Còn nếu bạn sinh ra trong gia đình nghèo, thì bạn chơi game chỉ có 1 mạng duy nhất thôi. Bạn có dám take risk không? Bạn có dám theo đuổi đam mê không? Hay cha mẹ bạn chỉ biết kỳ vọng bạn bằng con đường an toàn là học đại học, có công ăn việc làm ổn định, thu nhập khá 1 tí rồi lập gia đình là xong?
Người giàu có lựa chọn, còn người nghèo thì không. Cùng là cuộc đời, nhưng chơi game với tâm thế có vài mạng dự phòng và với 1 mạng duy nhất thì cái nào ít áp lực hơn, thoải mái hơn và dễ dàng thăng hoa và chiến thắng hơn?
Nói đơn giản trong 1 trận bóng đá, đội nào đang dẫn đầu với tỉ số cách biệt 2-3 bàn thì tâm lý đá bóng nó khác hẳn so với đội mà chỉ cần bị cầm hoà là sẽ bị loại khỏi mùa giải. Tâm lý, tâm thế là thứ cực kỳ ảnh hưởng tới 1 quá trình nỗ lực và hành động của con người.
4. Vị thế.
Điều này khỏi phải nói vì quá hiển nhiên rồi. Trích tạm câu nói này ra đây để các bạn cùng thấm: “20 năm trước mọi người xung quanh nhìn vào thu nhập của bố mẹ bạn để đối xử với bạn. 20 năm sau mọi người xung quanh nhìn vào thu nhập của bạn để đối xử với bố mẹ bạn”.
Người giàu rõ ràng có nhiều vị thế và lợi thế hơn rất nhiều so với người nghèo và càng dễ dàng cho quá trình tích tụ lợi thế để thành công.
Những triệu phú tự thân trên thế giới không phải không có, nhưng họ là số ít xuất thân từ những gia đình không mấy khá giả và phải vật lộn với cuộc đời một thời gian khá dài thường thì ngoài 30-40 mới có được thành công cho riêng mình.
Và hãy nhìn hầu hết những người thành công, họ đều xuất thân thấp nhất từ những gia đình trung lưu, tầng lớp khá giả trong xã hội, để thấy nền tảng gia đình quan trọng như thế nào.
Từ lâu mình đã nói rằng: “Sự nỗ lực của bạn hôm nay, là tố chất và nền tảng cho con cái bạn mai sau” với ngầm ý rằng. Bạn chính là xuất phát điểm cho con bạn. Con trẻ sẽ kế thừa và học hỏi rất nhiều từ cha mẹ chúng.
Cha mẹ cũng đừng đổ trách nhiệm giáo dục cho nhà trường và xã hội, đây là sự thiếu trách nhiệm giữa cha mẹ và con cái. Bởi nền tảng giáo dục tốt nhất, luôn xuất phát từ gia đình đầu tiên.
Và con cái đừng phủ nhận hay hạ thấp giá trị nền tảng của gia đình dù bạn được cấp vốn 10 triệu hay 100 triệu, tiền bạc chỉ là một yếu tố nhỏ dễ thấy, mà còn rất nhiều giá trị quý báu vô hình khác đã bị bỏ qua, đây là sự không trung thực/ảo tưởng giữa con cái với cha mẹ và những người xung quanh.
Chúng ta cần có một góc nhìn đầy đủ, và tư duy đúng chứ không phải chỉ là những sự thật nửa vời gài bẫy tư duy cho người khác, đấy là cách mà một bộ phận không nhỏ những người “giàu” phát ngôn trên mạng, họ thường chỉ nói một nửa sự thật. Nguy hiểm không phải ở chỗ nó sai, mà nguy hiểm ở chỗ nó chỉ đúng có một nửa.
Nổ lực và chăm chỉ mới chỉ là yếu tố cá nhân gói gọn trong 1/3 của thành công, 2/3 còn lại là từ gia đình và môi trường. Vẽ đường vòng cho người khác đi, là 1 sự bất lương với xã hội. Chúng ta cần lên tiếng, để cuộc sống bớt bất công hơn, ít nhất là trong tư duy và nhận thức.
Đăng Khoa sưu tầm