Nguồn ảnh: Internet

Cảm Ngộ Nhân Sinh

Thành công là không có đường tắt

By Đăng Dũng

April 20, 2021

Trong cuộc sống hiện đại, có rất nhiều người mong muốn làm giàu, muốn thành công nhanh chóng, kiểu “đổi đời sau một đêm” nhưng lại không tận tâm vào công việc mình làm, chỉ muốn hưởng thụ thành quả tức thời. 

Tuy nhiên, người xưa thường có câu “đường đến thành công không bao giờ trải thảm hoa hồng”, một người muốn đạt được thành công, muốn hạnh phúc thì nhất định phải bỏ công sức, tốn thời gian, tâm huyết để làm thì thành công đó mới được bền lâu được.

Chúng ta mỗi người sinh ra đều có vận mệnh riêng của mình, có người giàu, người nghèo, có người thông minh thì cũng có kẻ ngu dốt, có người thiện lương thì cũng có kẻ ác, người ta sinh ra là khác nhau, số phận khác nhau. 

Thế nhưng, bất cứ ai muốn đạt được thành công thật sự và bền lâu thì cũng phải trải qua những khó khăn, trải qua sự kiên trì, bền bỉ, nhẫn nại, trải qua sự mất mát nhiều thứ, thậm chí khiến chúng ta nhiều lúc muốn bỏ cuộc.

Vậy mới nói đường đến thành công là không có đường tắt, bạn muốn đạt được thứ gì đó thì tất cả đều phải đánh đổi bằng trí tuệ, công sức và thời gian thì mới đạt được. Còn với những niềm vui và thành công nhất thời thì chắc chắn sẽ không bền lâu.

Có một điển tích như thế này: Tăng Quốc Phiên là một vị quan nổi tiếng của triều đại nhà Thanh. Những tư tưởng và tu dưỡng của ông đã cổ vũ khích lệ cho hậu thế. Nhưng tư chất bẩm sinh mà trời ban cho ông lại không được cao, hay nói đúng hơn là rất kém. 

Mặc dù tư chất bẩm sinh không được thông minh, nhưng đối với chuyện học hành, ông rất kiên trì, không đi đường tắt. Nếu không đọc thuộc câu trước, ông sẽ không đọc tiếp câu sau, không đọc xong quyển sách này, ông sẽ không sờ đến quyển sách kia.

Mặc dù Tăng Quốc Phiên thi tú tài 9 năm mới đỗ đạt, nhưng nút thắt vừa được khai thông thì con đường phía sau của ông ngày càng thông thuận. 

Năm trước đỗ tú tài thì năm sau ông trúng cử nhân, 4 năm sau, ông lại thi đỗ tiến sỹ. Trong khi những người bạn của ông đi học rất sớm nhưng sau này chẳng ai đỗ đạt cử nhân hay thi đỗ tiến sĩ. 

Trong đánh giặc, Tăng Quốc Phiên cũng không dùng “kỹ xảo”, không đi đường tắt. Mỗi lần quân của ông đi đến đâu đều xây dựng cơ sở tạm thời, đem nhiệm vụ tiến công biến thành nhiệm vụ phòng thủ. Mỗi lần quân của ông chiến thắng, tính ra phải mất thời gian cả năm mà không phải hai, ba tháng. 

Phương pháp đánh của Tăng Quốc Phiên bị không ít người đánh giá là “ngốc nghếch” nhưng kết quả lại vô cùng hữu hiệu. Tăng Quốc Phiên cho rằng, những thành công mà ông đạt được là nhờ vào sự dụng tâm chuyên nhất, không đi đường tắt. Bởi vì ông quan niệm rằng:“Người ngốc nhất thiên hạ có thể thắng được người khôn khéo nhất thiên hạ.”

Kinh nghiệm chịu khổ, nỗ lực học tập đã mang đến trải nghiệm độc đáo cho Tăng Quốc Phiên. Ông phát hiện ra rằng ngốc nghếch có sở trường của ngốc nghếch. Người ngốc nghếch không có tư chất thông minh, do đó sẽ khiêm tốn hơn người khác. Người ngốc nghếch từ nhỏ học hành đã gặp nhiều trắc trở do đó năng lực chống lại những trắc trở trong cuộc sống vô cùng mạnh.

Người ngốc nghếch cũng không biết dùng kỹ xảo, gặp vấn đề chỉ biết xông thẳng vào giải quyết nên không để lại con đường chết cho mình. Ngược lại, những người thông minh vặt không muốn bỏ công sức, nỗ lực, khắc khổ, hễ gặp khó khăn bỏ cuộc. Họ chỉ tạo được một nền tảng lỏng lẻo. Cho nên ngốc nghếch có vẻ chậm chạp nhưng kỳ thực lại là nhanh nhất. Bởi vì đó là sự thành công rất chắc chắn, không để lại hậu họa về sau.

Trong cuộc sống hiện đại của chúng ta, rất nhiều người không bỏ công học tập, không bỏ công sức để tìm hiểu nhưng lại mong muốn làm giàu nhanh chóng, thấy người khác làm được, đạt được kết quả tốt thì mình cũng học làm theo.

Tuy nhiên, tất cả những người đạt được thành công, họ cũng phải trải qua những khó khăn, sự kiên trì, và đúc rút được rất nhiều kinh nghiệm mới có được kết quả đó. Chính vì không hiểu được điều này, mà những người học làm thoe, ăn theo thường rất dễ gặp thất bại.

Vậy nên thành công là không có đường tắt, kể cả những người không thật sự thông minh nhưng nếu biết đi đúng con đường của mình, biết tận tâm với việc mình làm, biết kiên trì vượt mọi khó khăn thì cuối con đường của họ sẽ là hai chữ thành công.

Nguồn: nghethuathongan.com

Chân Kiến biên tập