Cuộc Sống 4 Phương

Thành công trong bất kỳ nỗ lực nào cũng đòi hỏi sự chú ý cao độ vào chi tiết, và sự tập trung hoàn toàn.

By Đăng Dũng

June 23, 2021

Andrew Carnegie (25/11/1835- 11/08/1919) là doanh nhân người Mỹ gốc Scotland đã dẫn đầu cho sự mở rộng của ngành công nghiệp sản xuất thép của Mỹ vào cuối thế kỷ 19. Ông thường được coi là một trong những người giàu nhất nước Mỹ, đồng thời cũng là một nhà từ tâm có ảnh hưởng lớn tại Mỹ và Vương quốc Anh. Ông đã từng nói rằng:

“Có thể đạt được thành công trong bất cứ lĩnh vực lao động nào. Luôn luôn có không gian trên đỉnh cao đối với mọi theo đuổi. Hãy tập trung mọi suy nghĩ và năng lượng vào những nhiệm vụ của mình”.

Theo ông thì, một giờ làm việc cường độ cao đáng giá bằng cả một ngày mơ mộng.

Một trong những lý do thất bại chính của những nhà kinh doanh trẻ chính là thiếu sự tập trung

Thành công trong bất kỳ nỗ lực nào cũng đòi hỏi sự chú ý cao độ vào chi tiết, và sự tập trung hoàn toàn.

Khi ta làm việc với 100% sự tập trung thì hiệu quả công việc sẽ đạt đến mức không thể ngờ tới, ngược lại khi thiếu tập trung thì sẽ chẳng làm được việc gì nên hồn.

Khi bạn đọc một cuốn sách, vẽ một bức tranh, xây một bức tường hay làm bất cứ một việc gì, nếu có sự tập trung thì đó là lúc tâm thái ta đạt đến độ tốt nhất, ta đang thực sự trân quí việc mình đang làm, và cũng rất tôn trọng sự vật đang đối diện trước mắt ta. Tất cả mọi cái đều chỉn chu thì không có lý do nào mà kết quả không tốt được.

Câu chuyện sau đây kể về việc Khổng Tử đã từ chuyện của một người bắt ve mà dạy học trò của mình những đạo lý cao siêu.

Câu chuyện lịch sử: Khổng Tử luận về đạo lý bắt ve

Một ngày nọ, Khổng Tử cùng các môn đệ chu du đến nước Sở. Khi đi ngang qua một khu rừng, Khổng Tử và các môn đệ gặp một ông lão gù lưng đang dùng gậy tre để bắt ve. Khi ông lão bắt ve, chỉ đơn giản giống như ông dễ dàng nhặt cái gì đó ở dưới đất lên; ông đơn giản không để sẩy con ve nào.

Khổng Tử đến gần và cúi đầu chào ông lão. Khổng Tử hỏi ông: “Tiên sinh, kỹ thuật bắt ve của tiên sinh thật thành thục, tiên sinh có đạo lý gì?” Ông lão ngước lên và trả lời: “Ta có đạo lý. Thời điểm tốt nhất để bắt ve là vào tháng Năm hoặc tháng Sáu. Khi không đúng thời điểm, đừng vội vàng mà phải kiên nhẫn; khi thời điểm đến, phải tận dụng đầy đủ và bắt được càng nhiều ve càng tốt, nếu không phải đợi sang năm. Khi ta mới đầu bắt ve, ta chỉ bắt được giống như những người khác. Ta để sẩy thường xuyên. Sau đó ta quyết định tự rèn luyện. Ta đặt một viên bi nhỏ trên đầu gậy tre và đứng im giữ cây gậy để giữ cho viên bi không rơi xuống. Ta mất một vài tháng để làm điều này và cuối cùng ta có thể giữ được viên bi trên cây gậy. Sau đó, gần như mỗi lần bắt ve ta đều bắt trúng. Sau đó, ta quyết định đặt ba viên bi trên đầu gậy tre và tự rèn luyện mình giữ viên bi đúng vị trí. Khi ta có thể giữ được ba viên bi trên đầu gậy tre, tỷ lệ bắt trượt của ta còn ít hơn nữa. Sau đó ta quyết định đặt năm viên bi trên gậy tre và lại rèn luyện bản thân giữ viên bi không rơi xuống. Sau khi ta có thể làm điều đó, việc bắt ve trở nên dễ như nhặt cái gì đó ở dưới đất lên vậy; ta không bắt trượt con nào cả.”

Khổng Tử khen ngợi: “Thật tuyệt vời!”

Ông lão tiếp tục: “Khi đang bắt ve, ta giữ cơ thể mình bất động như khúc gỗ. Ta giữ chặt cánh tay mình. Cho dù trời đất rộng lớn ra sao, cho dù mọi thứ xung quanh ta thế nào, ta sẽ không thấy gì ngoài đôi cánh của con ve mà ta đang bắt. Ta sẽ không nhìn lại, không nghiêng người và sẽ không bận tâm đến bất kỳ phiền nhiễu nào. Ta chỉ hoàn toàn để tâm vào con ve; không gì khiến ta thay đổi sự chú ý của ta vào nó. Làm sao ta có thể bắt trượt con ve khi ở trong trạng thái như vậy?”

Khổng Tử cảm thán không thôi; ông quay về phía các đệ tử và nói: “Dụng tâm chuyên nhất, tinh thần tập trung cao độ, sẽ có thể đạt đến cảnh giới thần kỳ. Vị lão nhân gù lưng này hoàn toàn đạt đến tầng thứ đó!”

Khổng Tử nói tiếp: “Tất cả các ngươi đều ăn no mặc ấm, nhưng các ngươi cũng hiểu đạo lý này đúng không? Trước tiên phải buông bỏ truy cầu danh lợi quyền thế, thì mới có thể đạt đến cảnh giới đó.”

Bắt ve chỉ là một nỗ lực đơn giản của con người. Nhưng Đạo gia học từ những những việc nhỏ và dùng đạo lý đằng sau câu chuyện để tu Đạo. Do vậy có thể thấy Đạo hiện hữu ở khắp nơi. Ông lão trong câu chuyện giữ cơ thể bất động như khúc gỗ khi bắt ve, đôi mắt chỉ chú ý vào cánh ve và không thấy gì xung quanh. Chính là ông lão đã bài trừ tất cả can nhiễu bên ngoài, dụng tâm chuyên nhất, tinh thần tập trung cao độ, xuất thần nhập hóa, mới có thể giúp ông bắt được ve. Đây là một cách bắt ve và cũng là cách học Đạo, tu hành. Đạo lý này cũng áp dụng đối với nỗ lực của con người để tạo sự đột phá trong việc học tập và nghiên cứu của họ.

Sự tập trung cao độ có thể loại trừ hết tất cả những ảnh hưởng của môi trường. Một trăm công việc hoàn thành tốt đều thể hiện sự hàm dưỡng công phu. Từ việc nhỏ nhất đến việc lớn nhất, khi nhìn kết quả ta có thể đọc được những phẩm chất cao quí của con người trong đó. Đó là sự chăm chỉ, sự khiêm nhường, sự kiên định, sự quyết tâm, sự tôn trọng, lòng nhân từ đối với vạn sự vạn vật và sự trân quí chính mình.

Nhung Nguyễn biên tập. Nguồn chanhkien.net.