Ảnh: dulichvietphong.com

Cuộc Sống 4 Phương

Thánh địa Đạo giáo – Núi Võ Đang

By Đăng Dũng

July 12, 2021

Bạn đã bao giờ tưởng tượng rằng một ngày nào đó bạn sẽ rời khỏi thế giới hối hả, nhộn nhịp này để tìm đến thế giới núi rừng ngoài kia, hòa làm một với thiên nhiên và lấy lại bình yên cho tâm hồn? Đối với những người hiện đại sống một cuộc sống bình dị như vậy, nó giống như một câu chuyện cổ tích, một giấc mơ xa tầm với.

Có rất nhiều ngọn núi cao ở Trung Quốc đáp ứng được điều kiện này. Ngọn núi nằm ở tỉnh Hồ Bắc, miền Trung Trung Quốc, đẹp như tranh vẽ, sừng sững trong mây và huyền bí, tồn tại qua tháng năm lịch sử dài đằng đẵng. Đó là núi Võ Đang, được mệnh danh là nơi linh thiêng của Đạo Giáo. Trong hơn 2000 năm, nó đã là sự lựa chọn tốt nhất cho những người tu luyện.

Tổ sư của Thái Cực Quyền – Chân nhân Trương Tam Phong

Núi Võ Đang là nơi diễn ra các hoạt động của Đạo giáo từ thời cổ đại. Nhưng điều khiến nó thực sự trở nên nổi tiếng là Trương Tam Phong và bộ môn Thái Cực Quyền của ông.

Trương Tam Phong sinh vào năm thứ 7 của triều đại Nam Tống (1247 sau Công Nguyên). Tương truyền ông được hồi sinh vào ngày chôn cất ở Bảo Kê Kim Đài Quán. Một số người nói rằng họ đã nhìn thấy ông vào triều đại nhà Minh khoảng 300 năm sau nhưng đã biến mất sau đó. Người ta nói rằng ông đã trở thành tiên nhân.

Theo “Lịch sử nhà Minh” Trương Tam Phong được miêu tả “ông có ngoại hình cao to, tai to, mắt tròn, bộ râu dài như cây kim tước”. Ông chỉ mặc một đạo y vào mùa hè và thêm một chiếc áo tơi vào mùa đông. Ông từng đến thăm núi Võ Đang và nói: “ Ngọn núi này chắc chắn sẽ phồn vinh trong tương lai”. Vào thời điểm đó, quang cảnh của núi Võ Đang đã bị phá hủy bởi chiến tranh. Trương Tam Phong và các đệ tử của mình đã vượt qua muôn vàn khó khăn, mở đường, xây nhà, ẩn cư.

Trương Tam Phong là một bậc thầy võ thuật không giống bất kỳ người nào trên thế giới. Ông không chỉ thông thuộc nhiều môn võ như võ Thiếu Lâm và kiếm thuật, mà ông còn là một cao thủ với Nội gia quyền và là người sáng lập Thái Cực Quyền.

Theo truyền thuyết Trương Tam Phong được Huyền Vũ dạy trong giấc mơ và đã sáng lập ra Thái Cực Quyền – một môn điều khiển chuyển động nhẹ nhàng và mềm mại. Ngày hôm sau, khi bị bọn cướp bao vây, ông đã chứng tỏ tác dụng của nó trong thực chiến.

Hiện nay Thái Cực Quyền được biết đến là một môn có tác dụng thể dục khỏe người, nó khác xa với ý nghĩa ban đầu khi thành lập Thái Cực Quyền. Thái cực quyền ban đầu là một phương pháp tập luyện nhằm mục đích thiền định, rèn luyện thể chất, nâng cao trí lực cho người tập.

Danh tiếng của Trương Tam Phong được truyền đến triều đình, được các hoàng đế đến thăm và phong tước vị cho ông. Hoàng đế Chu Nguyên Chương vị hoàng đế sáng lập triều đại nhà Minh, đã nhiều lần đến thăm nhưng không thành công.

Sau khi Hoàng đế Vĩnh Lạc nên ngôi, đã nhiều lần cử người đến gặp Trương Tam Phong, cuối cùng nhận được một lá thư từ Trương Tam Phong trong đó có lời chỉ dạy: “Thanh tâm quả dục, coi trọng đức hạnh đây là đạo của trường sinh”. Hoàng đế Vĩnh Lạc rất vui mừng trước lời chỉ dẫn này, ông đã ra lệnh phái quân và cho các thợ đến tu sửa lại núi Võ Đang. Cho xây dựng nhiều công trình như cửu cung, 36 am đường, 72 nham miếu… đặt tên là Thái Hòa Nhạc Sơn. Lời tiên tri trước đây của Trương Tam Phong đã được chứng minh.

Thủy tổ của Đạo Gia

2500 năm trước, khi Thích Ca Mâu Ni truyền bá Phật giáo ở Ấn Độ, Lão Tử và Khổng Tử đang truyền đạo ở Trung Quốc. Theo Sử ký, Khổng Tử đã nhiều lần tìm kiếm lời khuyên từ Lão Tử. Có lúc, Khổng Tử đến thăm Lão Tử và trở về, không nói trong ba ngày, cuối cùng phá vỡ sự im lặng và nói: “Ta biết rằng chim bay, cá bơi, thú chạy. Ta cũng biết rằng cá thì có thể câu, chim có thể bắt bằng lưới, thú chạy có thể giăng bẫy. Chỉ có Rồng ta không thể biết,vì nó có thể bay tới tận trời cao. Hôm nay ta gặp Lão Tử, ông cũng khó nắm bắt như con rồng đó, thâm sâu khó để lý giải”.

Sau đó Lão Tử rời khỏi Hàm Cốc Quan đi về phía tây và biến mất. Trước khi rời đi ông đã để lại 5000 từ gọi là “Đạo Đức Kinh”. Nó được coi là kinh điển sáng lập Đạo Gia. Và trở thành một phần không thể thiếu trong văn hóa truyền thống Trung Quốc.

Tương truyền, Doãn Hỷ sau khi đắc chân kinh, hoan hỷ khôn nguôi, ngày đêm nghiên cứu, thể ngộ được phép tu đạo. Đồng thời, ông đã được nghe đạo nên không muốn bị trói buộc gò bó chốn quan trường, bèn treo ấn từ quan tìm đến núi Võ Đang, trở thành người đầu tiên lên núi Võ Đang tu đạo được chính sử ghi chép.

Trên núi Võ Đang, đạo quán, chùa chiền dần dần được xây dựng, vô số đạo sĩ đã ở giữa nơi non xanh nước biếc này, giữ nghiêm truyền thống tu hành cách ly thế gian mà thanh tĩnh vô vi, lưu lại tín ngưỡng văn hóa bản địa của dân tộc Trung Hoa.

Núi Võ Đang gặp nạn trong thời đại cách mạng văn hóa

Chủ nghĩa duy vật và lý thuyết cực tả, mà Đảng Cộng sản Trung Quốc chủ trương sau khi nắm quyền, không tương thích với Đạo giáo vốn chủ trương thuận theo tự nhiên và thiên lương. Vì vậy mà các vị Thánh và kinh điển được tôn sùng trước đây đã trở thành mục tiêu của các cuộc tấn công trong cuộc Đại cách mạng Văn hóa do Mao Trạch Đông khởi xướng.

Các nhà sư và các đạo sĩ bị ép hoàn tục hoặc bị đưa đến các trại cưỡng bức lao động. Kinh sách bị đốt cháy và các đền thờ Đạo giáo bị cưỡng chế phá bỏ. Và dân chúng bị gieo rắc tư tưởng chống trời chống đất của Mao Trạch Đông. Đại cách mạng Văn hóa này đã phá hủy hầu hết các kho báu và hiện vật còn sót lại của nền văn hóa thần thánh 5.000 năm tuổi của Trung Quốc.

Lúc ấy trên núi có một đệ tử Đạo giáo 100 tuổi là Lý Thành Ngọc. Khi bà nghe tin Hồng vệ binh sẽ phá hủy ngôi đền Đạo giáo trên núi Võ Đang, bà lặng lẽ ngồi ở lối vào đền thờ và phản đối một cách ôn hòa. Mặc dù bà bị đánh đến chảy máu và thương tích đầy mình nhưng vẫn cố trụ để giữ núi Võ Đang. Cuối cùng, Hồng vệ binh đã phải rút lui, đã bảo tồn được một số đền, chùa và 24 vị đạo sĩ được lưu lại.

Đi dạo qua ngôi chùa với làn khói tỏa và mùi hương bay thoang thoảng trong gió mát, cờ ngũ sắc tung bay cùng với mây trắng bồng bềnh. Dưới những bức tường núi cao chót vót, những động tác Thái Cực Quyền được thực hiện nhịp nhàng, khoan thai. Chỉ cần bạn muốn tu luyện, hoặc muốn đến một nơi sơn thủy để tìm sự bình yên trong tâm hồn hoặc ngắm nhìn quang cảnh núi Võ Đang chắc chắn là một lựa chọn tốt.

Tiết mục biểu diễn lưu động năm 2020 của Đoàn Nghệ thuật Thần Vận mang tên “Đạo Duyên” là vở kịch múa được chuyển thể từ câu chuyện về bảy cuộc thử thách mà Trương Đạo Lăng dành cho Triệu Thăng lấy bối cảnh trên núi Võ Đang.

Nguồn: epochtimes.jp

Mộc Hương biên dịch