Thất phu chỉ người đàn ông thường ưa thích dùng võ lực, cũng có một nghĩa khác là người đàn ông có thiếu sót về sự tu dưỡng đạo đức, cái uy của kẻ thất phu tuy có thể trấn áp được người khác nhưng chẳng thể lâu bền. Từ “thất” trong cụm từ “thất phu” cũng như trong cụm từ “thất đức” biểu thị một cái gì đó đơn lẻ, bình thường, bị thiếu sót, kém cỏi hoặc thấp hơn.
Đại thi hào Pushkin cho rằng Dantes tán tỉnh vợ mình là rất hỗn láo, là sỉ nhục mình, nên thách đấu súng với viên sỹ quan trẻ tuổi này. Tại khu vực ngoại ô cách thành phố Peterburg 4km. Hai người bước xuống khỏi xe trượt tuyết, họ đứng đối diện nhau ở cự ly 10 bước và bắt đầu cuộc quyết đấu. Sau khi cuộc đọ súng kết thúc, cả hai đối thủ đều bị thương, nhưng Puskin đã bị trọng thương nặng và qua đời hai ngày sau đó.
Thời xuân thu chiến quốc, vua Tề Cảnh Công sau khi đã thưởng thức một giống đào quý tên là “Vạn thị kim đào”, còn lại hai quả thì nói với Yến Anh thưởng cho các quan, những ai có nhiều công trạng nhất.
Yến Anh đem hai quả còn lại đến ba dũng sỹ, rồi đưa cho dũng sỹ Công Tôn Tiệp và Cổ Giả Tử mỗi người một quả. Khi xét thấy người có công trạng nhiều nhất là Điền Khai Cương thì đã hết mất đào. Yến Anh nói:
– Công của dũng sỹ lớn gấp mười so với hai người trước, nhưng giờ đào đã hết, tạm uống chén rượu, chờ năm khác vậy.
Điền Khai Cương cho rằng đấy là sỉ nhục mình liền rút gươm tự vẫn. Công Tôn Tiệp giật mình nói lớn:
– Công ta nhỏ mà được ăn đào, không nhường cho bạn sao gọi là liêm không chết theo bạn sao gọi là dũng?
Công Tôn Tiệp cũng đâm cổ chết theo. Cổ Giả Tử la lên:
– Ba ta đã kết nghĩa với nhau. Nay hai bạn ta đã chết rồi, ta sống làm gì?
Nói rồi cũng tự sát.
Người xưa khi truyền công dạy võ, thì chú trọng nhất là võ đức. Cái dũng của kẻ thất phu trong chiến trận dễ bị địch dụ vào bẫy, còn trong thời bình thì càng không phù hợp. Trương Phi vì nóng nảy mà đánh đập thuộc hạ, ép buộc họ làm một việc không thể hoàn thành, vì thế mà bị thuộc hạ phản bội chặt đầu Trương Phi đem nộp cho Tôn Quyền.
Những người cứ bị nhục thì lại tuốt kiếm tương đấu thì đó là đạo lý của kẻ thất phu. Tuy nhiên thành ngữ “Thất phu bị nhục, tuốt kiếm tương đấu” không chỉ riêng nói riêng về người đàn ông. Phụ nữ cũng vậy bị nhục mà lao vào tranh đấu thì cũng đều là đang làm theo đạo lý của kẻ thất phu.
Trái ngược với “Thất phu”, người quân tử họ luôn tôn trọng các chuẩn mực đạo đức trong hành vi và tự kiểm soát bản thân mình bằng cách tuân theo những lời dạy của các bậc thánh hiền.
Biên tập: Thông Lộ