Văn Hóa

Thất bại chưa phải đã là bi kịch, nhưng dễ dàng bỏ cuộc thì có

By Đăng Dũng

January 26, 2021

Cổ ngữ có câu: “Thành thật làm người, kiên định làm việc”. Năng lực của một người không đủ thì có thể rèn luyện thêm, nhưng nếu không thể kiên định, làm việc gì cũng không có đầu có cuối thì rất khó để mưu sinh.

Thất bại không phải là bi kịch, nhưng dễ dàng bỏ cuộc thì có. Có bao nhiêu người hôm nay theo đuổi mục tiêu này, ngày mai theo đuổi mục tiêu khác, cuối cùng lại đứng núi này trông núi nọ, không đạt được gì cả khiến bản thân khổ não. Khi người khác bỏ cuộc, nếu chúng ta có thể kiên trì thêm một chút, nhẫn nại thêm một chút , thì trong tương lai, khi nhìn lại, bạn sẽ thấy mình khác với bản thân xưa kia rất nhiều.

Chung Ju-yung, từ một cậu bé nông dân tay trắng và không biết gì về doanh nghiệp, ông đã dựng lên vương quốc Hyundai hùng mạnh, trở thành một trong những doanh nhân đáng nể nhất lịch sử doanh nghiệp châu Á…

Chung Ju-yung là con cả trong gia đình nông dân nghèo 8 người con. Trình độ học vấn chính thức của Chung Ju-yung chỉ kết thúc ở bậc tiểu học, khi cha cho Ju-Yung nghỉ học để giúp gia đình. Sau thời gian làm ruộng, Ju-Yung đi làm công nhân hỏa xa. Cuối cùng, Ju-Yung trốn nhà xuống miền Nam nhưng bị bố bắt lại hai lần và thành công ở lần thứ ba, lúc 16 tuổi. Ju-Yung trang trải chuyến đi xuống miền Nam bằng cách đánh cắp một con bò của cha và bán làm lộ phí. Tại Seoul, Ju-Yung xin vào một cửa hàng gạo với chân chạy vặt và giao hàng cho khách. Cuối cùng, Ju-Yung dành đủ tiền mở cửa hàng gạo riêng. Thời điểm quân đội Nhật chiếm đóng Triều Tiên, việc một người địa phương sở hữu doanh nghiệp thực phẩm bị xem là bất hợp pháp. Để qua mắt lính Nhật, Ju-Yung tự mình đánh xe giao hàng, như thể làm công cho người khác…

Năm 1940, Chung Ju-yung vay tiền để mở gara sửa xe, dù không biết chút gì về cơ khí cũng như về xe hơi. Doanh nghiệp sập tiệm. 6 năm sau, Ju-Yung mở lại doanh nghiệp sửa xe, đặt tên cửa hàng là Hyundai. Năm 1947, ông thành lập Hyundai Civil Industries cùng với 11 nhân viên. Đến khi chiến tranh kết thúc (1953), Hyundai Construction đã trở thành một trong những công ty xây dựng lớn nhất Hàn Quốc. Dù lúc đó đã là doanh nhân tiếng tăm lừng lẫy Seoul, ông vẫn làm việc đến tối mịt và luôn đi bộ 5 km từ văn phòng về nhà, nơi nghỉ ngơi và cũng là kho chứa phụ tùng.

Trước thời điểm xảy ra vụ đại khủng hoảng tài chính châu Á 1997, doanh số hàng năm Hyundai đã vượt hơn 90 tỷ USD, và Chung Ju-yung – với gia sản 6 tỷ USD – trở thành người giàu nhất Hàn Quốc. Trước khi chuyển ghế chủ tịch tập đoàn cho các con vào năm 1987, Chung Ju-yung đã xây dựng thành công một công ty đóng tàu lớn nhất và một công ty xe hơi hàng đầu Hàn Quốc. Bí quyết của Ju-Yung? “Bằng sáng kiến, cần cù cùng khả năng, tôi đã đưa công ty phát triển” – Chung Ju-yung đã trả lời phỏng vấn báo Time năm 1992.

Một người nếu không có ý chí kiên trì thì cho dù là làm việc gì cũng khó giữ được sự bền bỉ để đi đến thành công. Muốn đạt thành công không thể đi đường gần, nhưng lại không thể hấp tấp vội vàng, mỗi bước đi hãy luôn là những bước chắc chắn.

Minh Hoàng biên tập