Nguồn ảnh: Internet

Văn Hóa

Thất bại vì tự đại, khiêm tốn để học lẽ phải điều hay

By Đăng Dũng

March 31, 2021

Một số người có học thức luôn cho mình là người hiểu biết nhiều và họ sẵn sàng tìm mọi cơ hội để lòe kiến thức của mình và những người như thế sẽ không thể tránh khỏi những cú nốc ao chua chát, khi ngộ ra thì họ mới thấy mình chỉ là một kẻ ngốc. Khiêm tốn thấp mình trước người đức hạnh để chúng ta được học hỏi thêm những điều hay lẽ phải trong cuộc sống, nhằm dẹp bỏ tâm cống cao ngạo mạn của mình.

Người tiều phu và vị học giả

Tiểu phu và học giả cùng đi chung một chiếc thuyền, học giả tự thấy mình có hiểu biết hơn nên đề nghị chơi trò đoán chữ với tiền phu, và giao kèo rằng nếu mình thua sẽ đưa tiều phu mười đồng, còn tiều phu thua sẽ chỉ mất năm đồng.

Thấy vậy, vị tiều phu ra câu đố: “Vật gì ở dưới sông nặng một ngàn cân, nhưng khi lên bờ chỉ còn có mười cân?”.

Học giả suy nghĩ mãi vẫn tìm không ra câu trả lời, đành đưa cho tiều phu mười đồng. Sau đó, ông hỏi tiều phu câu trả lời là gì.

“Tôi cũng không biết!“, tiều phu đưa lại cho học giả năm đồng và nói thêm: “Thật ngại quá, tôi kiếm được năm đồng rồi.” Học giả vô cùng sửng sốt.

Cho hay cái cách người tiều phu ra câu đố và giải câu đố thật hồn nhiên, câu đố cũng không có một cơ sở nào cả và câu trả lời cũng vô thưởng vô phạt. Chỉ là tôi cũng không biết, cũng chấp nhận thua cuộc nhưng dù thua vẫn lấy được của vị học giả năm đồng. Thế mới biết người tiều phu thật thông minh.

Người coi trọng cái tôi của mình lên trên hết. Nó là biểu hiện sự so sánh của tâm hơn thua và bằng để phân biệt đúng sai với mọi người, đặc biệt là không chịu nhún nhường bất cứ một ai. Người tự tin là người biết nhìn lại mình từ ý nghĩ, lời nói cho tới hành động nên không bao giờ khinh thường người khác.

Người tự cao là người luôn khinh thường người khác vì nghĩ mình giỏi hơn người. Loại người thứ nhất, họ biết nhìn lại mình, nên họ sẽ cẩn thận hơn với những gì họ nói và làm để không làm tổn hại một ai cả. 

Còn loại người thứ hai, họ sẽ làm bất cứ điều gì để chứng minh cho người khác thấy rằng họ đang tài giỏi hơn mọi người. Từ đó dẫn đến chủ quan mà quyết định sai lầm, do không có suy nghĩ chín chắn.

Khiêm tốn để học hỏi điều hay lẽ phải

Ngày xưa trong pháp hội của Lục Tổ có vị tăng tên Pháp Đạt xuất gia lúc bảy tuổi, thường tụng kinh Pháp Hoa, đến lễ tổ mà đầu không sát đất. Tổ mới quở: “Lễ mà đầu không sát đất, chi bằng đừng lễ, chắc ông có cái gì cao siêu mầu nhiệm nên mới kiêu mạn như vậy”.

Pháp Đạt thưa: “Tôi tụng kinh Pháp Hoa đã hơn ba ngàn bộ“. Vị tăng Pháp Đạt nghe đồn rằng Lục Tổ được truyền trao y bát, tăng ni các nơi đến tham vấn và lễ bái tổ rất đông. Pháp Đạt tuy lễ lạy nhưng không phục tổ, vì nghĩ rằng tổ chưa chắc hơn mình, cho nên tuy có lễ mà trong lòng không tôn kính, do đó đầu lạy không sát đất.

Tổ mới bảo rằng: “Dù ông tụng đến muôn vạn bộ kinh, hiểu ý kinh mà chẳng cho là hơn người, ắt cùng ta sánh vai. Nay ông chấp trước vì sự nghiệp tụng kinh nhiều mà trọn không biết lỗi, ông hãy lắng tâm để nghe ta nói kệ đây:

 

Lễ để cốt chặt cờ ngã mạn

Tại sao đầu ông không sát đất

Có ngã thì tội liền sinh

Quên công thì phước bao la không cùng”.

 

Lễ lạy để tỏ lòng tôn kính và khiêm tốn thấp mình trước người đức hạnh để chúng ta được học hỏi thêm những điều hay lẽ phải trong cuộc sống, nhằm dẹp bỏ tâm sống cao ngạo mạn của mình. Pháp Đạt vì còn thấy mình hơn tổ nên lạy đầu không sát đất, bị tổ quở nếu thấy mình hơn người vậy lạy làm chi cho mắc công vô ích.

Nhung Nguyễn biên tập