Gia Đình

Thế nào là thương cho roi cho vọt, ghét cho ngọt cho bùi?

By Đăng Dũng

June 25, 2020

Con trai tôi đi du học tại Hoa Kỳ và định cư tại Hoa Kỳ sau khi tốt nghiệp. Con trai tôi kết hôn với một cô gái ngoại quốc,  tên con bé là Susan, hai vợ chồng nó có một đứa con trai 3 tuổi tên là Toby. Mùa hè năm nay, con trai tôi xin visa cho tôi sang Mỹ thăm gia đình cháu. Sau ba tháng ở Mỹ, cách mà cô con dâu ngoại quốc Susan dạy con đã khiến tôi mở mang tầm mắt.

Mỗi buổi sáng, khi Toby thức dậy, Susan bận rộn làm xong bữa sáng và đặt lên bàn. Toby sẽ tự mình làm vệ sinh cá nhân, tự uống sữa và ăn những lát bánh mì. Sau khi ăn no, Toby trở về phòng tìm quần áo, giày dép trong tủ và tự mặc chúng.

Rốt cuộc Toby mới 3 tuổi, cậu bé làm sao đã có định nghĩa về mặt trước và mặt sau của đôi tất, giày chân trái hay giày chân phải. Khi Toby mặc quần ngược, tôi vội vã giúp Toby nhưng Susan ngăn tôi lại. Con dâu tôi nói rằng nếu Toby không thoải mái, cậu bé sẽ tháo nó ra và mặc lại, còn nếu Toby không cảm thấy khó chịu, vậy tùy thuộc vào cậu bé.

Hôm đó, Toby mặc quần ngược chạy quanh trong sân chơi với lũ trẻ nhà hàng xóm. Một lúc sau, cậu bé chạy về nhà, thở hổn hển nói với Susan: “Mẹ ơi, Lucy nói rằng quần của con bị mặc ngược.”

Susan mỉm cười nói: “Ừ, con có muốn đổi lại không? ” Toby gật đầu và tự mặc lại, kể từ đó Toby không bao giờ mặc quần ngược nữa. Tôi rất ngạc nhiên về đứa cháu trai này vì ở nhà tôi có đứa cháu gái năm tuổi nó còn chưa biết buộc dây giày, đến khi đi học nội trú ở trường trung học rồi, con bé vẫn phải mang quần áo bẩn về nhà cho mẹ giặt. Vào một buổi trưa, Toby không chịu ăn. Susan nói vài lời với Toby và thằng bé liền giận dữ vứt chiếc dĩa xuống đất, thức ăn trên đĩa bị đổ ra.

Susan nhìn Toby và nói nghiêm túc: “Có vẻ con không muốn ăn? Vậy từ giờ đến sáng mai con cũng không được ăn bất cứ thứ gì.” Toby gật đầu và trả lời chắc nịch: “Vâng!” Tôi cười thầm vì hai mẹ con bướng bỉnh quá!

Vào buổi chiều, Susan và tôi thảo luận về bữa tối sẽ ăn gì, và tôi quyết định làm đồ ăn Việt. Tôi biết Toby đặc biệt yêu thích đồ ăn Việt Nam, tối hôm đó, tôi làm món sườn xào chua ngọt mà Toby yêu thích cùng với món tôm chiên, mì xào. Toby thích ăn loại mì xào đó, thằng bé có thể ăn hết một đĩa lớn.

Đã đến giờ ăn tối, Toby vui vẻ trèo lên ghế đẩu. Susan đến lấy đi dao, đĩa và dĩa của Toby và nói: “Chúng ta đã hẹn trước là hôm nay con không thể ăn thứ gì, và con đã đồng ý.”

Toby nhìn khuôn mặt mẹ nghiêm túc mà khóc nức nở: “Mẹ ơi, con đói, con muốn ăn.” “Không! con phải thực hiện đúng lời hứa của mình.”Susan không mềm lòng.

Tôi nhìn thấy rất thương Toby, định nói mấy lời tốt cho Toby, nhưng tôi thấy con trai tôi nháy mắt với tôi. Nhớ lại rằng khi tôi mới đến Hoa Kỳ, con trai tôi đã nói với tôi rằng ở Hoa Kỳ, khi cha mẹ giáo dục con cái, những người khác không nên can thiệp, ngay cả những người lớn tuổi cũng không có ngoại lệ. Bất lực, tôi đành im lặng. Bữa ăn đó, từ đầu đến cuối, Toby bé nhỏ tội nghiệp đã ngồi trong chiếc ô tô đồ chơi, nhìn chằm chằm vào ba chúng tôi đang ăn tối. Tôi tin rằng vào lần tới Toby sẽ không dám ném đồ ăn của mình nữa, cậu bé chắc chắn sẽ nhớ đến cái bụng đói mà mình đã phải chịu, cảm giác đói rất khó chịu mà lại còn phải đối mặt với những món ăn mình yêu thích. Trước khi đi ngủ, Susan và tôi đến phòng Toby để nói chúc ngủ ngon.

Toby thận trọng hỏi: “Mẹ ơi, con đói rồi. Bây giờ con có thể ăn mì không?” Susan lắc đầu cười và nói chắc chắn: “Không!” Toby thở dài và hỏi: “Vậy sáng mai, con thức dậy con có thể ăn không ạ?”

“Tất nhiên rồi.” Susan dịu dàng trả lời. Toby mỉm cười ngọt ngào.

Sau này, bất kể trường hợp nào Toby rất nhiệt tình ăn uống, cậu bé không bao giờ lãng phí thức ăn. Bất cứ khi nào tôi thấy Toby ăn uống vui vẻ, tôi nhớ đến cháu gái của mình.

Khi cháu gái tôi bằng tuổi Toby bây giờ, để dỗ cô bé ăn, người lớn phải chạy quanh cô bé, không những thế còn phải dỗ mua cho con bé đủ thứ đồ chơi nó mới chịu ăn.

Một ngày nọ, chúng tôi đưa Toby đi chơi trong công viên. Đi qua khu vực chơi đồ hàng giả bằng cát, Susan liền cho Toby vào chơi, Toby rất nhanh chóng làm quen và chơi cùng hai em bé gái khác. Những cái chậu nhỏ bằng nhựa, xẻng nhỏ, đĩa nhỏ và bát nhỏ được đặt trên mặt đất.

Đột nhiên, Toby tinh nghịch nhặt chiếc bình nhỏ và đập mạnh vào đầu một em bé gái. Em bé gái sững người trong giây lát và bật khóc. Em bé còn lại, bị giật mình đến mức phát khóc khi nhìn thấy tình huống này. Có lẽ Toby không nghĩ hậu quả lại nghiêm trọng như vậy. Thằng bé đứng sững một bên.

Susan bước về phía trước, cô không nói gì, nhặt chiếc bình lên và đập mạnh vào đầu Toby. Toby không chuẩn bị và ngã xuống cỏ, khóc. Susan hỏi Toby: “Có đau không? Lần sau con có làm như vậy không?” Toby vừa khóc vừa lắc đầu. Tôi tin rằng Toby sẽ không bao giờ làm điều này một lần nữa.

Chú của Toby đã mua cho Toby một chiếc xe đạp nhỏ màu xanh nhạt. Toby rất thích nó và coi nó như một báu vật, không ai được chạm vào. Cô bé hàng xóm Lucy là một người bạn tốt của Toby, đã cầu xin Toby nhiều lần rằng có thể cho cô bé đi xe của Toby không và Toby đã không đồng ý.

Một lần, khi một vài đứa trẻ đang chơi cùng nhau, Lucy bí mật lái xe đi khi Toby không chú ý. Sau khi Toby phát hiện ra, Toby giận dữ chạy đến phàn nàn với Susan.

Susan đang trò chuyện và uống cà phê với mẹ của một vài đứa trẻ, cô ấy mỉm cười và nói: “Chuyện của con thì con cần tự giải quyết và mẹ không thể kiểm soát được.” Toby bất lực bước đi.

Một lúc sau, Lucy trở lại. Toby nhìn thấy Lucy, đẩy cô xuống đất và túm lấy xe. Lucy đã khóc ngồi trên mặt đất, Susan ôm lấy Lucy và trấn tĩnh cô một lúc. Chẳng mấy chốc, Lucy vui vẻ chơi đùa với những đứa trẻ khác.

Toby đã lái xe một lúc và cảm thấy hơi chán. Thấy những đứa trẻ chơi rất vui, cậu bé muốn tham gia, nhưng cảm thấy hơi xấu hổ. Toby lại gần Susan và lẩm bẩm: “Mẹ ơi, con muốn chơi với Lucy và các bạn.”

Susan khẽ nói: “Vậy thì con hãy đi tìm các bạn!”

“Mẹ ơi, đi với con.” Toby khẩn khoản.

“Điều đó không được. Con vừa làm Lucy khóc, bây giờ con muốn chơi với mọi người, con phải tự giải quyết vấn đề.”

Toby chậm rãi tiếp cận, và khi Toby ở gần cô bé, tôi không biết bắt đầu khi nào, Toby và Lucy lại mỉm cười và chơi cùng nhau.

Ông bà thông gia sống ở California nghe nói rằng tôi đến Mỹ, hai người họ liền lái xe đến chơi. Khi ông bà ngoại đến Toby rất phấn khích chạy lên chạy xuống.

Toby xách xô nước đầy cát chạy khắp nhà. Susan đã cảnh cáo Toby nhiều lần là không được làm đổ ra sàn nhà nhưng Toby phớt lờ.

Cuối cùng, Toby đổ cái xô nước cát xuống sàn nhà. Toby hào hứng không nghĩ mình đã làm gì sai, cậu bé bước xuống nước chơi với đôi chân trần, chẳng mấy chốc quần thằng bé đã ướt hết.

Tôi nhanh chóng tìm thấy cây lau nhà để chuẩn bị lau sàn nhà. Susan lấy cây lau nhà từ tay tôi và đưa nó cho Toby và nói: “Con hãy tự lau nhà, cởi quần áo ướt ra và tự giặt chúng.”

Toby khóc lóc và gây rối. Susan không nói gì, kéo Tony trực tiếp vào phòng chứa đồ và đóng cửa giam lại. Khi tôi nghe thấy Toby khóc trong đó, tôi cảm thấy thật tồi tệ, tôi muốn đi vào và ôm thằng bé ra ngoài. Bà thông gia nói với tôi rằng: “Bà cứ kệ nó, đây là công việc của Susan.”

Sau một thời gian, Toby ngừng khóc và hét lên trong phòng: “Mẹ ơi, con đã sai.”

Susan đứng ngoài cửa hỏi: “Con có biết con đã làm sai gì không?” “Con biết.” Susan mở cửa cho Toby và kéo thằng bé ra khỏi phòng kho. Sau đó Toby tự giác nhặt cây lau nhà và lau vết nước mình làm đổ ra, rồi cậu bé cởi quần, mang nó trên tay, bước vào phòng tắm với cặp mông trần mũm mĩm và bắt đầu giặt quần áo.

Ông bà thông gia nhìn tôi mỉm cười. Tôi vẫn ngạc nhiên, vấn đề này làm tôi cảm động sâu sắc. Trong nhiều gia đình ở Việt Nam, cha mẹ thường bất đồng quan điểm với con cái trong việc dạy dỗ trẻ nhỏ. Bọn nhỏ được ông bà bảo vệ vậy là hai vợ chồng lại cãi nhau gà bay chó sủa.

Tôi nói chuyện với ông bà thông gia về vấn đề này. Ông thông gia nói điều này khiến tôi rất ấn tượng.

Ông nói rằng trẻ em là con của cha mẹ chúng, chúng ta phải học cách tôn trọng cách dạy con của chúng. Mặc dù đứa trẻ con nhỏ nhưng nó rất nhạy cảm, nó biết ai là người quan trọng trong gia đình, nó rất thông minh. Nếu có người cứ luôn bảo vệ nó khi nó mắc lỗi thì sẽ rất khó để cải thiện hành vi của đứa trẻ, vấn đề sẽ ngày càng nghiêm trọng hơn. Tồi tệ hơn nữa là gây nên mâu thuẫn giữa các thành viên trong gia đình, bầu không khí gia đình bất hòa sẽ mang lại bất an cho trẻ em đồng thời ảnh hưởng xấu đến sự phát triển tâm lý của chúng.

Do đó, cho dù cha mẹ và ông bà không đồng ý về vấn đề giáo dục con cái, hay vợ chồng có những quan niệm giáo dục khác nhau, cũng không thể có xung đột trước mặt con cái.

Ông nội và bà ngoại của Toby  đến chơi một tuần, sau đó trở về California. Hai ngày trước khi rời đi, ông ngoại của Toby đã nghiêm túc hỏi con gái: “Toby muốn một chiếc máy xúc đồ chơi, cha có thể mua cho nó không?”

Susan suy nghĩ một lúc và nói: “Lần này cha đã tặng Toby một đôi giày trượt patin rồi. Vào dịp Giáng sinh, cha hãy mua một chiếc máy xúc đồ chơi làm quà cho Toby ạ!”

Mặc dù Susan rất nghiêm khắc với Toby nhưng Toby rất yêu mẹ. Khi Toby chơi bên ngoài, Toby sẽ thu thập những bông hoa hoặc chiếc lá mà Toby cho là đẹp và tặng chúng một cách long trọng nhất cho Susan, những người khác tặng quà cho Toby, Toby sẽ mang chúng đến cho mẹ, có đồ ăn ngon Toby sẽ để phần cho mẹ một nửa.

Nghĩ đến sự thờ ơ của nhiều đứa trẻ trong nước đối với cha mẹ chúng, tôi thật sự ngưỡng mộ đứa con dâu này. Theo tôi, các bà mẹ Việt Nam nên học hỏi cách giáo dục con cái từ các bà Mỹ như Susan.

Biên tập: Thiên Hà

Nguồn: ibook.idv.tw