Sài Gòn phải giãn cách xã hội. Nghĩ đến những thân phận tha hương lạc xứ “kiếm cơm” từng ngày khiến người ta có chút lo lắng. Rồi tự an ủi “Mà chắc không sao đâu, người Sài Gòn vốn phóng khoáng và hào hiệp, họ sẽ yêu quý nhau mà đi qua khó nạn”.
Còn nhớ ngày trước, người Sài Gòn đã từng rất quý mến một “người điên” suốt ngày đi lang thang khắp “cõi Sài Gòn – Chợ Lớn”. Từ người bình dân cho đến giới trí thức, giới văn nghệ sĩ, giới tu sĩ đều mến mộ và kính trọng người “ điên” lạ kì này, đó chính là Bùi Giáng.
Con người tài năng và kì lạ
Bùi Giáng đã để lại cho văn học nước nhà gần 60 tác phẩm, chủ yếu thuộc 4 lĩnh vực: thơ ca, bình giảng văn chương, nghiên cứu triết học và dịch thuật nhiều thứ tiếng như Anh, Pháp, Đức và cả tiếng Hán. Các tác phẩm của ông đã được tái bản nhiều lần, trong đó có cuốn “Hoàng tử bé” tiểu thuyết nổi tiếng của nhà văn và phi công Pháp Antoine de Saint-Exupéry.
Lúc còn đi học, Bùi Giáng là người thông minh, cá tính. Có lần đi bộ cả tháng mới ra đến nơi nhập học, nhưng vừa đến Ông lại bỏ học về quê chăn bò. Ông có thời gian đi dạy học, người ta kể rằng khi giảng Truyện Kiều – Nguyễn Du, đến đoạn Thúy Kiều bán thân, quá đỗi xúc động ông ôm mặt khóc rồi nhảy qua cửa sổ bỏ lại lớp học đang ngỡ ngàng. Rồi đến tận hai (02) lần Bùi Giáng được người nhà đưa vào Nhà thương điên.
Cho đến nay nhiều người vẫn còn tranh luận về việc Bùi Giáng có điên thật hay không. Khi bạn bè hỏi: “Nhà thương điên Biên Hòa trị cái tẩu hỏa hay hỉ!”, Ông trả lời rằng: “Chữa trị quái gì đâu. Chẳng là ở ngoài mình thấy mình điên số một, khi vô nhà thương điên mới hiểu ra mình là đồ bỏ, điên nhí, điên tiểu thủ công nghiệp: trong nhà thương điên nhiều cha điên thượng thừa, điên vĩ đại hơn mình nhiều. Do vậy mà mình tự động… thôi điên”.
Trong quá trình được cho là điên ấy, ông vẫn tiếp tục tháng ngày rong rủi Sài Gòn và sáng tác với tốc độ làm người ta kinh ngạc. Và khi các sản phẩm văn chương khác cùng thời “ ế ẩm” thì các tác phẩm của ông vẫn luôn được bạn đọc săn đón.
Là một phần thú vị của Sài Gòn
Bùi Giáng tinh thông vài ngoại ngữ, am hiểu vài lĩnh vực tư tưởng, thi ca, triết lý… nhưng không hề cao ngạo, ông biết mình biết người và luôn đủ sự bao dung, từ tốn ‒ những tính cách đặc trưng của người Sài Gòn.
Có nhận định rằng: “Dù khắt khe thế nào thì Bùi Giáng vẫn là một thành tố thú vị của Sài Gòn…Cũng như trong lịch sử thơ Việt Nam, việc thiếu vắng Bùi Giáng thì nền thơ ấy vẫn vậy, vì ông chẳng giữ một móc xích gì quan trọng trong tiến trình hiện đại hóa thi ca ‒ ông chỉ làm kẻ đứng bên lề, là ngoại hạng. Thế nhưng, khi ông đã xuất hiện rồi thì không ai thay thế được nữa, ông làm cho thi ca thêm lung linh, phiêu bồng, dễ gần và cực kỳ đáng yêu.
Với Sài Gòn đông đúc này cũng vậy, chẳng có ông thì nó vẫn chật cứng, vẫn xô bồ và dửng dưng mà sống. Nhưng khi ông xuất hiện, múa gậy, rong ruổi ở vài vỉa hè, tự nhiên nó làm cho phố thị có phần chầm chậm, đáng để ý chút xíu. Bùi Giáng dân Quảng Nam, vào Sài Gòn từ rất sớm, ông gắn đời mình với nhiều cung bậc, từ thiền viện, đại học, kinh sách, xuất bản… cho tới giun dế, chai bao, say rượu, cỏ rác ở vỉa hè”.
Câu chuyện Bùi Giáng “nổi giận với tu sĩ” và “thông điệp dành cho người cầu đạo”
Là người luôn đứng ngoài thế sự, vui vẻ hòa đồng. Nhiều tu sĩ đất Sài Thành ngày ấy thậm chí mãi cho đến bây giờ vẫn rất mến mộ cái trí tuệ và sự vô tư của ông. Bùi Giáng cũng thường xuyên lui tới thiền viện, chùa chiền trong suốt quãng đời “ giang hồ”. Có lần Bùi Giáng nổi giận với các tu sĩ.
Ngày ấy, tại sân chùa Già Lam đường Lê Quang Định ( Sài Gòn), có trồng một loại cây trổ bông màu vàng nghệ như màu áo cà sa của các vị sư. Thấy hoa đẹp, Bùi Giáng lượm một vài bông rụng quanh gốc đưa lên miệng, vừa hôn hoa, vừa hớn hở cười lớn, mừng rỡ như gặp “người thân” xa xưa.
Một Phật tử nói: “Bác không được ồn ào như thế”.
Ông hỏi lại: “Tại sao?”.
Người kia đáp: “Vì Phật dạy không nên”.
Ông nổi giận: “Phật dạy lúc nào? Ở đâu? Với ai?”…
Rồi ông mắng một tràng rằng, không nên lặp lại lời của Phật như con vẹt, là vì Phật thuyết không chỉ tám vạn bốn ngàn pháp môn, mà cả triệu triệu tỉ tỉ và vô lượng Pháp môn, mỗi môn tùy người nói, chứ không phải bất cứ ai Phật cũng nói như nhau. Cảnh này, chỗ Già Lam này, lúc này, không nên “trụ” vào lời Phật cách đây đã hơn 2.000 năm trước để nói năng hoạnh họe như rứa…”
Nghe đến đây có thể chưa hiểu hết cảnh giới của Bùi Giáng. Trong Cuốn Tư tưởng hiện đại của Bùi Giáng giảng giải về tư tưởng Kierkegaard – Malraux – Jaspers – Heidegger có đoạn Bùi Giáng viết:
“…Chúng nó ru rú rút vào căn phòng ngăn nắp tôn sùng Bồ Đề Đạt Ma, Long Thọ Bồ Tát, nhưng nếu cũng ông Bồ Tát ấy, cũng ông Đạt Ma ấy, khoác bộ áo khác, đi lững đững ở một phương trời khác, mà gặp chúng nó, thì lập thời chúng nó phỉ báng ngay. Hỏi làm sao thế. Chúng đáp: bởi vì mày không giống ông Đạt Ma – Long Thọ của tao tôn thờ…”
Dù điên hay tỉnh, ở đây Bùi Giáng đã chỉ ra một thiên cơ rằng các bậc Giác Giả luôn truyền Pháp độ nhân một cách lặng lẽ. Nếu chỉ mắt người thường và chú trọng vào sự hào nhoáng bên ngoài thì khó lòng mà nhận ra. Sự giận dữ của Ông với những tu sĩ phải chăng cũng là một sự điểm hóa dành cho họ về việc dụng tâm trong tu luyện.
Xưa nay bậc Giác Giả chỉ xét đến nhân tâm. Việc quá chú trọng hình thức nhiều khi lại ngăn trở tiếp nhận Phật Pháp, bỏ lỡ cơ duyên vạn cổ. Đây chẳng phải thông điệp quý giá mà Bùi Giáng dành cho những người ngày đêm cầu đạo hay sao.
Bởi lẽ vậy mà TS.Nguyễn Tường Bách – một người mộ đạo, trong tác phẩm Mùi Hương Trầm xuất bản năm 2001 tại NXB Trẻ có đoạn:“ …cũng như Tế Điên, hình như Bùi Giáng đến cõi đời này để dạo chơi, để đùa giỡn và cũng để giáo hóa cho con người thấy tất cả đều chỉ là trò ảo giác của sắc thân, của chử nghĩa, của tư tưởng…”
Bùi Giáng làm người ta dễ liên tưởng đến Hòa Thượng Tế Công
Những ngày tháng rong chơi đất Sài Gòn, Bùi Giáng luôn xuất hiện trong trang phục rách rưới, tóc tai bù xù, có lúc ăn sương nằm đất, có dịp thì múa may quay cuồng, đang đứng ngã ba thì nhìn ra ngã bảy. Nhưng những tác phẩm của ông đều thể hiện sự uyên bác khiến người ta nể phục. Từ giới bình dân cho đến anh em văn nghệ sĩ trí thức ở Sài Gòn ai cũng quý mến Bùi Giáng. Trẻ em thì càng yêu mến, chúng luôn thích vây quanh Ông. Và Sài Gòn đã từng có một người điên rất dễ thương.
Nam Vũ biên tập