Có câu rằng “tự đắc kỳ lạc”, nghĩa là lúc vui vẻ chỉ có bản thân mình mới cảm nhận được, cảm xúc vui vẻ là do chính mình tự tạo ra. Vậy thì, thiên hạ ai là người vui vẻ nhất?
Từ xưa đến nay, có bao nhiêu người cả đời lao tâm lao lực, đến lúc vinh hoa phú quý, công thành danh toại tưởng rằng như thế là hạnh phúc, khoái hoạt. Nhưng quay đầu lại nhìn thì hóa ra, hạnh phúc lại không phải ở nơi ấy… Người như vậy ở nơi nào cũng có, họ rốt cuộc cuối cùng là thành công hay thất bại?
Có câu rằng: “Cao ốc ngàn gian, đêm nằm ngủ cũng không quá hai mét, ruộng tốt vạn khoảnh, ngày ăn cũng không quá ba bữa”, hà cớ gì người ta phải truy cầu nhiều thứ như vậy? “Danh lợi” tuy rằng ở một mức độ nào đó sẽ khiến con người khoái hoạt hạnh phúc nhưng dục vọng “danh lợi” mãi cứ giãn nở ra vô hạn thì chỉ có thể làm cho người ta thống khổ mà thôi. Cho nên, cổ nhân giảng: “Thấy đủ thường vui!”.
Một người biết đủ, ở phương diện công danh lợi lộc có thể không thành công, nhưng hẳn trong tâm là sẽ vui vẻ, hạnh phúc. “Biết đủ” chính là cách nắm giữ hạnh phúc trong tay.
Vào triều đại nhà Minh, có một vị tiên sinh dạy học, gia cảnh bần hàn nhưng mỗi ngày đều dâng hương bái lễ, cảm tạ trời xanh ban phúc. Vợ của ông nghĩ mãi mà không hiểu, liền hỏi: “Một ngày ba bữa đều là húp cháo loãng, sao có thể tính là hưởng phúc?”.
Vị tiên sinh này trả lời: “Sống ở nơi thái bình, không có chiến sự thảm họa, đó là cái hạnh phúc lớn nhất. Hàng ngày có quần áo mặc, có cái ăn, không đến mức đông chịu lạnh, đói không có gì ăn là hạnh phúc lớn thứ hai. Trong người không có bệnh tật, không có tai họa là cái hạnh phúc lớn thứ ba. Chúng ta có cả ba thứ ấy rồi chẳng phải là phúc sao?”.
Nhiều người nhìn vị tiên sinh này thường cho rằng ông không thành công, nhưng ông lại tự thấy mình hạnh phúc. Bởi vì trong lòng ông biết đủ.
Trong một ghi chép lịch sử khác có kể về Minh Thái Tổ Chu Nguyên Chương từng hỏi các vị đại thần của mình rằng: “Thiên hạ kẻ nào là người sống vui vẻ nhất?”. Các quần thần sôi nổi đưa ra ý kiến, người thì cho rằng công thành doanh toại là vui nhất; có người lại nói người giàu nhất thiên hạ mới là người vui nhất.
Sau khi Chu Nguyên Chương nghe xong thì vẻ mặt ưu sầu, trầm ngâm suy nghĩ, hồi sau có một vị đại thần là Vạn Cương tươi cười tới nói: “Người biết kính sợ vương pháp sống vui vẻ nhất!”. Chu Nguyên Chương nghe tới đây thì bừng tỉnh đại ngộ, khen ý kiến của ông là hay và độc đáo.
Vì sao người biết kính sợ vương pháp lại sống vui vẻ nhất? Thực ra đạo lý này rất rõ ràng, phàm là những người biết kính sợ vương pháp, thì chắc chắn sẽ không làm những chuyện trái luật, loạn kỷ cương, vì vậy đương nhiên sẽ không phải ngày nào cũng sống trong nơm nớp lo sợ, cũng không phải lao tâm khổ tứ muộn phiền âu lo, tự nhiên sẽ sống vui vẻ thoải mái.
Còn một câu chuyện nữa cũng được lưu truyền rộng rãi, kể rằng có một thương gia giàu có nọ làm ăn rất phát đạt, ngày ngày đều phải lo lắng, tính toán rất phiền não. Thế mà ngay cạnh nhà phú thương ấy, có một gia đình nghèo, hai vợ chồng mưu sinh bằng nghề làm đậu phụ, mặc dù cuộc sống thanh đạm khổ sở, nhưng lúc nào cũng đầy ắp tiếng nói cười.
Vợ của phú thương thấy thế có chút ganh tị nên buộc miệng cảm thán: “Ôi chao! Nhà chúng ta đầy vàng, đầy bạc, nhưng em thấy chúng ta còn không bằng vợ chồng bán đậu phụ nhà bên cạnh. Mặc dù họ nghèo, nhưng sự vui vẻ của họ đáng giá ngàn vàng!”.
Phú thương nghe vợ nói thì tặc lưỡi trả lời: “Vậy thì có gì chứ! Ngày mai ta sẽ khiến họ không cười được nữa”. Nói xong, ông vung tay ném một nén vàng Nguyên Bảo sang tường bên kia.
Sáng hôm sau, vợ chồng nghèo khổ nọ thấy một nén vàng không biết từ đâu rơi trên mặt đất, tâm trạng của họ liền thay đổi nhanh chóng. Họ nhỏ to bàn bạc tới lui, nói rằng mình đã phát tài, không muốn đi bán đậu phụ nữa. Vậy thì số tiền này dùng để làm gì đây?
Trong lòng họ bỗng thấp thỏm lo lắng, họ sợ rằng nếu một ngày bị bạn bè hàng xóm phát hiện tự dưng phát tài thì sẽ nghĩ rằng họ đi ăn trộm. Cứ thế 3 ngày 3 đêm họ không ăn không uống, đêm ngủ không yên, từ đó cũng không còn nghe thấy tiếng nói cười nữa.
Từ đây có thể thấy, đôi khi những thứ cướp đi hạnh phúc trong cuộc sống ta không phải những toan tính đao to búa lớn mà chính từ cái bẫy của dục vọng; thứ làm suy kiệt cuộc sống của chúng ta, cũng không phải những bi kịch tàn khốc, mà từ những mê hoặc vụn vặt.
Đời người, thứ khiến chúng ta nản chí ngã lòng, sức cùng lực kiệt đôi khi không phải tại kẻ thù không đội trời chung, mà là bị công danh lợi lộc tầm thường đeo bám.
Cô Huế/Tinhhoa.tv/Dịch
Nguồn Secret China