Nhân sinh tại thế, có những việc ngày hôm nay tưởng là quyết định tất cả, nhưng rồi thời gian qua đi, đến một lúc nào đó ta ngoảnh lại, mọi chuyện bỗng hóa hư không. Cuộc sống luôn là vậy, nếu ai đó hỏi trên đời này liệu có gì công bằng hay không? Xin thưa đó chính là thời gian…
Tôi vừa mới mở quán trà đá nhỏ bán ở góc chợ đầu đê… Bạn bè, người quen ai cũng bảo tôi dở hơi, vì quán mở ở cái xó xỉnh ấy thì lấy đâu ra khách. Tôi thì lại nghĩ khác, chỗ vắng người chưa chắc đã ít khách, không tin các bác cứ xem thử mấy cái quán gội đầu ở cuối làng tôi ấy, xung quanh nhà cửa thì thưa thớt, quán xá thì xập xệ, bảng biển thì nhàu nhĩ, thế mà khách ở đâu đâu cứ kéo đến nườm nượp, đông như trẩy hội ấy, thế mới lạ chứ!
Cái ý tưởng kinh doanh trà đá ấy nó đã xuất hiện trong đầu tôi từ lúc còn đang ngồi trên ghế đại học, đó là vào hôm tôi thi môn tốt nghiệp cuối cùng, khi mà đề bài thầy ra 10 câu hỏi nhưng có đến 9 câu tôi không hề biết đáp án của nó là gì…
Rồi trời cũng không phụ lòng người, chưa đầy một năm sau khi tôi mở quán, gia đình tôi đã thoát khỏi danh sách “hộ nghèo” của xã. Nhớ lại cái hôm đi họp thôn về, được cầm trên tay tấm giấy chứng nhận hộ “cận nghèo” mà trong lòng cứ vui rộn rã…
Nhưng cũng từ cái ngày tôi bắt đầu bán trà đá ấy, bao nhiêu sự tình lạ cứ đổ đến quán nước nhỏ của tôi. Điều khó lý giải nhất là sáng nào tôi cũng phải dậy từ tờ mờ sớm còng lưng dọn dẹp, khi thì là rác rưởi, lúc lại là mắm tôm, chuột chết, rồi đủ loại, đủ thứ bẩn thỉu, mất vệ sinh không biết từ đâu cứ vô tình xuất hiện ở ngay trước cửa quán mình…
Tôi là người đơn giản nên chẳng bao giờ đặt ra câu hỏi vì sao, cứ quán bẩn thì tôi lại dọn, ngày qua ngày như thế… mãi cho đến tận khi cậu bạn hàng xóm hết mực thân thiết bên cạnh nhà tôi bỏ đi làm ăn xa, thì sự việc ấy mới không còn diễn ra nữa…
Tôi đem câu chuyện ấy về quê kể với cụ thân sinh. Bố tôi chỉ cười mà bảo: “Giờ ở đâu chẳng thế con ơi, ở nhà mình cũng thế! Mấy tháng trước bố mua được đàn vịt về nuôi để lấy trứng, có mỗi thế mà cũng làm mất lòng ông hàng xóm đấy thôi!”.
Rồi ông kể nhà mình vừa mua được đàn vịt mấy chục con về nuôi để sau này lấy trứng, thế mà vừa thấy bố tôi đưa đàn vịt về thì ông hàng xóm đã phán ngay một câu: “Ối giời ơi, nhìn đàn vịt con nào con nấy ẻo lả thế kia, lớn lên sẽ vô sinh là cái chắc, ông không tin thì cứ để rồi xem”…
Bố tôi nghe vậy nản lắm: “Nuôi vịt là để nó đẻ lấy trứng, giờ chúng nó vô sinh thì nuôi làm gì”, nói vậy nhưng ông vẫn nhất quyết giữ lại đàn vịt để nuôi, một phần cũng để xem ông bạn hàng xóm ấy nói có đúng không?
Nhưng thật không ngờ đàn vịt bố tôi nuôi càng lớn lại càng xinh đẹp, đỏm dáng như thiên nga, những anh vịt đực thì lịch lãm, hào hoa như lãng tử… Rồi chúng dậy thì và chửa đẻ ào ào như chưa bao giờ được đẻ, vịt nhà hàng xóm mỗi hôm chỉ đẻ có một trứng, thế mà vịt nhà bố tôi có con còn đẻ hai trứng một ngày, rồi đẻ xong chúng lại còn tụ tập, chuyện trò vui như tết, không có con nào bị trầm cảm hay stress sau sinh như những đàn vịt của các gia đình khác.
Việc kinh doanh của tôi cũng thuận lợi, quán của tôi ngày một đông khách, ngoài trà đá ra tôi còn mở rộng kinh doanh thêm mảng nước vối nữa, doanh thu cũng tăng lên kha khá… Hôm trước cậu bạn hàng xóm đi làm ăn xa kia có về ghé qua quán tôi, trông bạn ấy gầy gò tiều tụy mà thấy thương lắm…
Tôi mời bạn ấy cốc nước vối với cái bánh đúc không nhân, cậu ấy rối rít cảm ơn… cậu ăn xong rồi rơm rớm nước mắt thú nhận với tôi về chuyện ngày xưa thường hay quăng mắm tôm, chuột chết vào quán của tôi, và giờ cậu phải chịu quả báo là bị bệnh trĩ mãi không khỏi…
Tôi hơi có chút bất ngờ, có lẽ vì tôi ngày xưa là đứa học hành chậm chạp, có những bài hôm nay thầy giảng nhưng đến tận hôm sau tôi mới hiểu được rằng thầy muốn giảng điều gì… Chính sự chậm hiểu ấy đã khiến tôi không thể đoán ra thủ phạm, nên cũng không thấy ghét, thấy oán cậu ta.
Tôi chợt nhận ra rằng, học dốt chưa hẳn đã là chuyện xấu nhé! Lúc cậu bạn từ biệt ra về, tôi còn chạy vội ra dúi cho bạn mấy đồng làm quà, và không quên dặn dò: Cậu nhớ giữ gìn sức khỏe nhé, mua nhiều Bò húc mà uống để còn nhanh lấy vợ, rồi gắng mà đọc sách, mà tu Phật cho mau khỏi bệnh nghe chưa?
Hôm vừa rồi tôi có về thăm quê, lại thấy bố với ông hàng xóm nọ đang ngồi hàn huyên, tám chuyện rôm rả lắm. Ông hàng xóm thấy tôi về thì hớn hở khoe ngay: “Giống vịt của ông nhà cháu tốt thật đấy, vịt cái nhà bác giờ cũng cứ đẻ sòn sòn, mà trứng cứ gọi là to như củ khoai tây Liên Xô cháu nhé!”…
Đang chưa hiểu chuyện gì đã xảy ra thì bố tôi gọi tôi lại và kể: “Bố thấy thương lũ vịt cái nhà bác bên cạnh quá, chúng nó cứ hàng ngày đứng bên kia hàng rào mà kêu khóc, héo mòn vì chờ đợi, thế là bố đã sang thương lượng với bác hàng xóm mở cho chúng một con đường để hai bên được gặp nhau”.
Bố kể lại với tôi bằng giọng vô cùng phấn khích: “Ôi cái hôm mà bố với bác phá cái hàng rào ấy, đàn vịt hai bên chúng nó lao vào nhau thắm thiết, kêu gào ầm ĩ, giống y như cảnh tượng người dân hai miền Triều Tiên được ông Un với ông Mon dỡ bỏ biên giới, thống nhất đất nước ấy con ạ, cảm động vô cùng!”.
Năm tháng qua đi, rồi tôi cũng hiểu rằng tại vì sao mà tôi, cậu bạn kia, hay bố tôi hoặc ông hàng xóm ấy đều ít nhiều có cảm giác khó chịu, ganh ghét khi thấy người khác hơn mình… đó chính là biểu hiện của lòng đố kị… Cái tâm này ai ai cũng có, vấn đề là hãy cố gắng nhận ra và xả bỏ nó đi…
Thời gian cho chúng ta hiểu được rằng: Làm người hãy dưỡng thành tâm tính khoan dung độ lượng, học cách cảm ơn. Khoan dung chính là một cảnh giới của sự tu dưỡng, cảm ơn là một loại mỹ đức. Khi chúng ta có trái tim bao dung và cảm ơn với mọi chuyện trên đời, thì mỗi ngày đều là một ngày vui, mỗi ngày sống là một ngày có ý nghĩa. Lẽ nào bạn không muốn sống một cuộc sống ý nghĩa như vậy sao?
Thái Sơn biên tập