Chuyên gia dinh dưỡng nhắc nhở, thói quen bỏ bữa sáng kéo dài không chỉ khiến chức năng trao đổi chất trong cơ thể ngày càng kém đi mà còn gây ra những lo ngại về sức khỏe. Nếu bạn bỏ bữa sáng trong thời gian dài và để bụng đói, ngoài bệnh về dạ dày thì còn gây ra những bệnh sau đây:
1. Bệnh tiểu đường
Một nghiên cứu được công bố vào năm 2012 đã theo dõi hơn 20.000 người đàn ông khỏe mạnh không mắc bệnh tiểu đường trong 16 năm và phát hiện ra rằng những người đàn ông bỏ bữa sáng hàng ngày có nguy cơ mắc bệnh tiểu đường cao hơn 25% so với những người ăn ba bữa một ngày.
Ngay cả khi bạn loại bỏ các yếu tố nguy cơ khác có thể gây ra bệnh tiểu đường, hoặc thậm chí loại bỏ cả tác động của việc thay đổi cân nặng, thì bỏ bữa sáng sẽ làm tăng 16% nguy cơ mắc bệnh tiểu đường.
2. Béo phì
Những người thường xuyên bỏ bữa sáng không những không giảm được cân mà còn tăng nguy cơ béo phì. Theo nghiên cứu, những người ăn sáng ít hơn 3 lần một tuần có trọng lượng cơ thể trung bình cao hơn khoảng 1,9 kg so với những người ăn sáng hơn 3 lần một tuần. Nếu không ăn sáng, đói trong thời gian dài, cơ thể sẽ nhầm tưởng rằng bạn đang trong tình trạng thiếu ăn, dễ dẫn đến việc tăng lượng ăn vào bữa trưa hoặc bữa tối và khả năng hấp thụ của cơ thể cũng tốt hơn.
3. Khả năng nhận thức giảm sút
Một nghiên cứu cho thấy não bộ của trẻ em mặc dù đang trong quá trình phát triển vẫn có thể bị teo lại nếu thường xuyên bỏ bữa sáng, dẫn đến suy giảm khả năng nhận thức.
Sau một đêm nhịn ăn, nếu bạn không ăn sáng kịp thời, lượng glycogen trong gan đã cạn kiệt, lúc này não bộ chỉ có thể sử dụng ceton lấy từ việc phân hủy axit béo có trong các cơ quan để cung cấp năng lượng thực hiện các chức năng, đồng thời khả năng học tập và nhận thức sẽ giảm sút.
4. Sỏi túi mật
Vì khi đói lâu sẽ làm giảm tiết mật và làm tăng cholesterol trong dịch mật. Sau khi ăn no, các tinh thể sẽ bị đọng lại trong túi mật, từ đó sinh ra sỏi.
5. Viêm mãn tính
Nghiên cứu đã phát hiện ra rằng những người không ăn sáng trong một thời gian dài có sự gia tăng đáng kể lượng “protein phản ứng C” (CRP) trong máu, điều nàycho thấy rằng việc bỏ bữa sáng có thể liên quan đến chứng viêm mãn tính. Theo các nhà nghiên cứu, CRP là chỉ số đánh giá mức độ viêm nhiễm trong cơ thể.
Viêm mãn tính cũng có thể xem là một “kẻ giết người” thầm lặng, nó có thể nằm trong cơ thể hàng chục năm mà không có bất kỳ triệu chứng nào. Nhưng đến một lúc nào đó, hậu quả chết người có thể xảy ra, ví dụ: bệnh mạch vành là một bệnh viêm mãn tính.
Bữa sáng bổ dưỡng nên ăn như thế nào?
1. Uống nước trước khi ăn sáng: Sau một đêm, cơ thể đã tiêu thụ rất nhiều nước và chất dinh dưỡng, do đó chúng ta sẽ ở trong trạng thái thiếu nước sinh lý sau khi ngủ dậy. Vì thế, buổi sáng bạn đừng vội ăn sáng, hãy uống một cốc nước ấm để bổ sung nước và làm sạch đường ruột trước khi ăn.
2. Phải có 3 loại thành phần: Một bữa sáng hợp lý bao gồm chất tinh bột chiếm khoảng 60%, chất đạm chiếm 10%- 14%, chất béo chiếm 25%-30%. Cụ thể đối với thực phẩm là:
Ngũ cốc: chẳng hạn như bánh mì, bánh hấp, bột yến mạch, …; thực phẩm từ ngũ cốc cung cấp phần lớn năng lượng cho cơ thể chúng ta vào buổi sáng. Đồ ăn nhẹ nhưng có nhiều đường và dầu mỡ cũng không thích hợp cho bữa sáng.
Thực phẩm giàu protein chất lượng cao: chẳng hạn như trứng, sữa, các sản phẩm từ đậu nành, thịt nấu chín, … những thực phẩm này có thể cung cấp cho cơ thể chúng ta lượng protein chất lượng cao, giúp tốc độ làm rỗng của dạ dày chậm lại và có cảm giác no lâu.
Rau và hoa quả: Rau gồm dưa chuột, xà lách, cà chua… có thể dùng để làm salad rau củ sẽ tiện lợi và đơn giản hơn, đối với hoa quả thì nên ăn hoa quả theo mùa. Ăn nhiều trái cây và rau quả có thể cung cấp cho chúng ta đủ vitamin và chất xơ.
Nguồn: Secret China Thảo Nguyên biên tập