Sống Đẹp

Thuận theo tự nhiên, là một loại Phúc!

By Đăng Dũng

June 18, 2021

Cổ nhân dạy: “Người thuận theo đất, đất thuận theo trời, trời thuận theo Đạo, Đạo thuận theo tự nhiên”. Tự nhiên không bao giờ lừa gạt chúng ta; chính chúng ta tự lừa dối mình. Thuận theo tự nhiên, chính là một loại Phúc.

Có câu nói: “Cố tình trồng hoa, hoa không nở. Vô tâm cấy liễu, liễu thành rừng”. Tuy nhiên, bạn không có khả năng làm thay đổi những gì xảy ra quanh mình, nhưng bạn sẽ sống nhẹ nhàng hơn khi không tìm cách đoạt lấy. Hãy biết buông bỏ khi cần, để bạn không bị khống chế trong chuyến hành trình đầy ý nghĩa chính là cuộc đời, một chuyến đi không bao giờ trở lại. Cho nên, cưỡng cầu cũng khó được, sống thuận theo tự nhiên, “không cầu mà tự được”!

Con người biết sống theo tự nhiên sẽ loại bỏ được tính đố kỵ, thói tham làm, tâm ích kỷ. Khi thấy người khác có cuộc sống khá hơn mình đừng bao giờ sinh tâm ghen tỵ, hãy biết rằng tất cả mọi thứ tồn tại là có nguyên do của nó. Hãy sống tốt với vị trí hiện tại của mình thì bạn có thể có được những gì bạn mong muốn.

Có một câu chuyện kể về kẻ lang thang muốn làm bồ tát: Có một kẻ lang thang, đi vào chùa, thấy Bồ Tát ngồi trên đài sen nhận cúng bái của mọi người, anh ta vô cùng ngưỡng mộ.

Kẻ lang thang nói: “Tôi có thể đổi chỗ ngồi với Người một lát không?”

Bồ Tát trả lời: “Chỉ cần anh không mở miệng.”

Kẻ lang thang ngồi lên đài sen. Trước mắt của anh là cả ngày hỗn loạn ầm ĩ, người đến phần lớn là cầu điều này điều kia. Anh vẫn cố gắng chịu đựng trước sau không mở miệng.

Một ngày, một phú ông đến. Phú ông: “Cầu Bồ Tát ban cho con một đức tính tốt.” Nói xong ông dập đầu, đứng dậy, ví tiền lại bị rớt xuống mặt đất. Kẻ lang thang vừa muốn mở miệng nhắc nhở, nhưng kịp nhớ đến điều kiện của Bồ Tát.

Sau khi phú ông đi ra, thì có một người nghèo bước vào. Người nghèo nói: “Cầu Bồ Tát ban cho con ít tiền. Người nhà con lâm bệnh nặng, đang rất cần tiền ạ.” Cầu xong ông dập đầu, đứng dậy, nhìn thấy một túi tiền rơi trên mặt đất. Người nghèo thốt lên: “Bồ Tát quả thật hiển linh rồi.” Ông cầm túi tiền ra đi. Kẻ lang thang muốn mở miệng nói không phải hiển linh, đó là đồ người ta đánh rơi, nhưng anh lại nhớ đến điều kiện của Bồ Tát. Lúc này, một người ngư dân đi vào.

Ngư dân cầu xin: “Cầu Bồ Tát ban cho con bình an, ra biển không gặp sóng gió.” Đoạn dập đầu, đứng dậy, ông vừa muốn đi, lại bị phú ông túm chặt. Vì túi tiền, hai người đánh nhau túi bụi. Phú ông cho rằng người ngư dân đã lấy túi tiền, mà ngư dân thì cảm thấy bị oan uổng không cách nào chịu đựng nổi. Kẻ lang thang không thể nhịn được nữa, anh ta liền hô to: “Dừng tay!” Rồi đem chân tướng nói ra cho họ. Tranh chấp nhờ đó mà đã yên.

Lúc này Bồ Tát mới nói: “Ngươi cảm thấy làm vậy là đúng chăng? Ngươi hãy tiếp tục đi làm kẻ lang thang đi! Ngươi mở miệng tự cho mình rất công bằng, nhưng, người nghèo vì vậy mà không có tiền cứu chữa người thân; người giàu không có cơ hội tu đức hạnh; người ngư dân ra biển gặp sóng gió chôn thân dưới đáy biển.

Nếu ngươi không mở miệng, mạng sống người nhà kẻ nghèo kia được cứu; người giàu tốn chút tiền nhưng giúp người khác mà tích được đức; ngư dân cũng vì dây dưa không cách nào lên thuyền, tránh được mưa gió, có thể còn sống sót.”

Kẻ lang thang im lặng ra khỏi chùa… Khi đặt mình vào vị trí của người khác bạn mới hiểu ra đạo lý là: Vị trí nào cũng có những nỗi niềm của nó, đứng ngoài mà quan sát thì mọi phán xét của mình có thể sẽ không đúng.

Rất nhiều sự tình, nó thế nào, chính là như thế đó. Để nó tiến triển theo tự nhiên, kết quả sẽ tốt hơn. Khi đối mặt với sự việc, ai có thể biết rõ kết quả gì sẽ xảy ra chứ? Yên lặng theo dõi diễn biến, chính là một loại năng lực. Thuận theo tự nhiên, là một loại Phúc!!!

Nguồn: Truyện cổ Phật gia Nhung Nguyễn biên tập