Trong “Thủy Hử truyện” có một câu nói như thế này: “Hữu duyên thiên lý lai tương hội, vô duyên đối diện bất tương phùng!” (Có duyên thì ngàn dặm xa xôi cũng đến gặp gỡ, vô duyên đối mặt cũng không gặp).
Do có duyên tình cờ gặp gỡ, 108 vị hảo hán đã tề tụ tại Lương Sơn, cùng nhau giơ cao ngọn cờ “thay trời hành đạo”. Người đời ngưỡng mộ hành động có ơn báo ơn, có oán báo oán của họ và càng muốn hướng đến tình nghĩa sâu đậm giữa họ. Nhưng mà, trong Thủy Hử truyện không phải chỉ có tình nghĩa huynh đệ sâu nặng, mà còn có rất nhiều thủ đoạn bỉ ổi của những kẻ có lòng dạ hiểm ác. Xuyên suốt “Thủy Hử truyện”, có những loại người này, tuyệt đối không thể kết giao.
Kẻ cơ hội
Trong Thủy Hử truyện, quân sư Ngô Dụng là một trong những mẫu người cơ hội điển hình nhất. Ngô Dụng vốn là một thầy giáo dạy học không chút nổi bật, vừa không có công danh, cũng không có tài học gì xuất chúng. Nếu như cái gì cũng không có, vậy thì phải mong cầu phú quý thôi.
Khi Ngô Dụng nghe được tin tức liên quan đến lễ vật mừng thọ (lễ vật này là của Lương Trung Thư sai người mang đi mừng thọ bố vợ là tể tướng Sái Kinh), liền hỗ trợ Tiều Cái đi cướp lễ vật mừng thọ. Ai ngờ rằng tuy là đã cướp được báu vật trong tay nhưng lại bị quan phủ truy nã. Vì để trốn khỏi sự truy bắt của quan phủ, đám người của Ngô Dụng đành phải chạy trốn lên Lương Sơn. Sau khi đánh bại Vương Luân, Tiều Cái ngồi lên chiếc ghế đầu tiên của Lương Sơn, Ngô Dụng cũng dựa vào mối quan hệ thân mật với Tiều Cái mà trở thành “nhị đương gia” của sơn trại.
Mọi người đều cho rằng ông cũng được xem là thân tín của Tiều Cái, nhưng không ngờ rằng sau khi Tống Giang đến Lương Sơn, Ngô Dụng lại dần dần chuyển hướng sang phò tá Tống Giang. Khi Tống Giang đi ra ngoài đánh trận, Ngô Dụng bày mưu tính kế cho Tống Giang. Khi Tống Giang thoái vị nhường ghế cho hiền tài, Ngô Dụng mưu tính đủ đường cho ông. Khi Tống Giang muốn tiếp nhận lời chiêu an của triều đình, Ngô Dụng ra sức tác thành chuyện này, mà hoàn toàn quên mất những lời ủy thác của Tiều Cái lúc lâm chung.
Từ Tiều Cái đến Tống Giang, Ngô Dụng đã ngồi vững trên vị trí quân sư của Lương Sơn, thay vì nói ông mưu trí hơn người, thì chi bằng nói ông quá giỏi cơ hội, thật sự không hổ danh là “Thiên cơ tinh”. Nhưng cũng chính vì ông cơ hội một cách mù quáng mà khiến cho rất nhiều hảo hán của Lương Sơn phải mất mạng, trở thành tòng phạm hàng đầu dưới tay Tống Giang.
Trong “Thái Căn Đàm” nói: “Những thủ đoạn chuộc lợi, người không biết là cao minh, người biết mà không dùng càng cao minh hơn”. Dùng những thủ đoạn khéo léo để tự tư tự lợi tuy là có thể giành được lợi ích trong nhất thời nhưng cuối cùng vẫn khó mà có được kết cục tốt đẹp. Đặc biệt là những cơ hội đánh đổi bằng tình bạn, không chỉ khiến chúng ta mất sạch tiền tài mà còn làm chúng ta mất hết nhân phẩm.
Phải biết rằng, tình bạn không phải là bàn đạp để chúng ta mưu cầu lợi ích riêng, mà là nền tảng mà chúng ta cần phải giữ gìn. Nhân sinh không dễ, tri kỷ khó tìm, mối quan hệ giữa người với người cần phải đầu tư kinh doanh tình cảm, chứ không phải dùng thủ đoạn để chuộc lợi.
Kẻ giả tạo
Thi Ân, biệt danh “Kim nhãn bưu”. Người giống với tên gọi, trong mắt Thi Ân chỉ có tiền, vì muốn đạt được mục đích mà không tiếc dùng những lời ngon tiếng ngọt, giả tạo cùng cực. Thi Ân là con trai của quản doanh tại An Bình trại, cũng được xem là con nhà quan.
Khi Võ Tòng bị lưu đầy đến An Bình trại, Thi Ân đối với Võ Tòng vô cùng kính phục, không chỉ miễn cho Võ Tòng một trăm gậy, còn tốt bụng khoản đãi Võ Tòng mấy tháng trời. Tất cả những biểu hiện khách sáo của Thi Ân khiến Võ Tòng cảm thấy rất ngại, trong lòng nghĩ thầm sau này nhất định phải báo đáp ân tình của Thi Ân.
Thi Ân với thân phận là tiểu quản doanh, nhiệt tình tiếp đãi một phạm nhân, nhìn bề ngoài thì thấy là kính trọng hào kiệt, nhưng thực chất là có ý đồ khác. Lúc đầu Thi Ân có mở một quán rượu trong Khoái Hoạt Lâm nhưng lại bị Tưởng Môn Thần chiếm đoạt, mà Tưởng Môn Thần lại là thuộc hạ của cấp trên cha Thi Ân. Thi Ân đành phải ngậm bồ hòn làm ngọt, có nỗi khổ mà không nói ra được.
Cho đến khi Võ Tòng xuất hiện, khiến Thi Ân có hy vọng đoạt lại Khoái Hoạt Lâm, vì vậy mà Thi Ân nảy ra ý định lợi dụng Võ Tòng giúp mình giành lại địa bàn. Chính vì vậy mới có màn kịch chăm sóc chu đáo, đối đãi ân cần với Võ Tòng.
Võ Tòng vốn là người ngay thẳng, đâu biết được tâm tư đó của Thi Ân chứ. Vốn dĩ, Thi Ân có chuyện muốn nhờ Võ Tòng giúp, bây giờ ngược lại biến thành Võ Tòng nợ Thi Ân một ân tình. Sau này, khi Thi Ân đem mọi cớ sự uẩn khúc của quán rượu nói hết ra. Võ Tòng không nói một lời nào, uống say đi đánh Tưởng Môn Thần, giúp Thi Ân giành lại Khoái Hoạt Lâm. Khoái Hoạt Lâm đã quay trở về tay của Thi Ân, nhưng Võ Tòng lại vì chuyện này mà gặp phải rắc rối lớn, suýt chút mất mạng tại Phi Vân Phổ.
Rabindranath Tagore từng nói: “Giả tạo một cách chân thành còn đáng sợ hơn là ma quỷ”. Giả tạo bằng lời nói không thật lòng, là sự phụ bạc lớn nhất đối với tình cảm chân thật. Bạn bè chơi với nhau nên chân thành nhiều hơn, và bớt đi những mong cầu lợi ích, chỉ có như vậy, chúng ta mới có thể nhận lại được tình cảm thật của đối phương.
Kẻ hẹp hòi
Vương Luân là chủ nhân đời thứ nhất của Lương Sơn, giang hồ gọi là “Bạch y tú sĩ”. Dưới sự trợ giúp của Sài Tiến, Vương Luân chạy đến Lương Sơn làm cướp và trở thành chủ nhân của một ngọn núi.
Vốn dĩ, cuộc sống của Vương Luân rất tiêu diêu tự tại, các huynh đệ cũng vô cùng tôn trọng Vương Luân và không có bất cứ sự đe dọa nào. Nhưng từ khi Lâm Xung đi lên Lương Sơn, cuộc sống của Vương Luân mỗi ngày một khác. Đây không phải là vì Lâm Xung ngang tàng gây sự, mà là vì Vương Luân có lòng dạ hẹp hòi, cuối cùng tự mình hại chết mình.
Chính bởi vì bản thân Vương Luân không có đủ bản lĩnh cho nên trong lòng lúc nào cũng nghĩ rằng Lâm Xung võ nghệ cao cường sẽ gây bất lợi cho mình. Vì vậy, đối với một người cùng đường như Lâm Xung mà Vương Luân vẫn tìm đủ mọi cách để gây khó dễ.
Vương Luân nói với Lâm Xung: “Nếu huynh có lòng gia nhập bọn ta, mang một đầu danh trạng đến đây”. Cái gọi là “đầu danh trạng” chính là kêu Lâm Xung đi xuống núi giết một người, rồi đem đầu người đó đến cống nạp, để chứng tỏ là mình thật lòng muốn làm cướp.
Sau đó, Vương Luân dùng đủ mọi lý do, nhiều lần gây khó dễ cho Lâm Xung. Từ đó, Lâm Xung mới nhìn rõ bộ mặt thật của Vương Luân, bề ngoài nhìn tưởng khoan hồng độ lượng, nhưng thật ra là lòng dạ tiểu nhân. Đặc biệt là khi đám người của Tiều Cái lên Lương Sơn, trong lòng Vương Luân thấp thỏm không yên, nói với đám người của Tiều Cái rằng: “Chỉ tiếc trại nhỏ hẻo lánh này chỉ là một vũng nước trũng, sao có thể chứa được nhiều chân long như vậy? Tôi đã chuẩn bị một số lễ mọn, hy vọng mọi người nhận cho, cảm phiền đi đến trại lớn khác mà dừng chân”.
Vương Luân lòng dạ hẹp hòi, khiến Lâm Xung trước đây phải chịu sự lạnh nhạt nay không chịu nổi nữa, cuối cùng rút đao chém xuống, Lương Sơn từ đó đổi chủ. Vương Luân vốn là một thư sinh, tuy là có suy nghĩ muốn làm thủ lĩnh nhưng lại không có tấm lòng độ lượng của người cầm đầu. Đức không xứng với địa vị thì chắc chắn gặp tai ương, cuối cùng Vương Luân vẫn bị hủy trong tay của chính mình.
Trong “Luận Ngữ” có nói: “Quân tử luôn thản nhiên, tiểu nhân thường lo sợ”. Giao du với người khác đương nhiên phải có tấm lòng rộng lượng, nếu dùng lòng dạ hẹp hòi để đối đãi người khác, cuối cùng chỉ khiến bản thân mình bị hạn hẹp mà thôi.
Càng độ lượng càng có phước, càng mưu tính càng gặp họa. Chỉ có khoan dung độ lượng mới có thể có được mối quan hệ lâu dài với người khác. Chỉ có tấm lòng rộng lượng thì mới có thể khiến người khác tâm phục khẩu phục.
Kẻ cố chấp
Tống Giang vốn là một quan văn nhỏ nhưng lại có hoài bão lớn. “Tha thời nhược toại lăng vân chí / Cảm tiếu Hoàng Sào bất trượng phu!” (Ngày sau như thỏa bình sinh chí / Dám cười Hoàng Sào chẳng trượng phu!), đây chính là sự biểu hiện nội tâm của Tống Giang. Đương nhiên, Tống Giang không muốn học theo Hoàng Sào lật đổ triều đình, mà là thể hiện chủ trương “trung quân hộ quốc”, đi con đường chiêu an, mà còn một mạch đi đến cuối cùng.
Trước khi Tống Giang đi lên Lương Sơn, đã nói với Võ Tòng: “Người huynh đệ, nếu đệ được triều đình chiêu an, thì phải khuyên Lỗ Trí Thâm, Dương Chí đầu hàng. Một thương một đao, vợ con được hưởng đặc quyền, ngày sau lưu lại tiếng thơm trên sử sách, cũng không uổng một kiếp người”. Có thể thấy, Tống Giang từ lâu đã khao khát được chiêu an.
Sau này, vào ngày 108 hảo hán tề tụ tại Lương Sơn, Tống Giang đem chấp niệm chiêu an của mình viết vào trong khúc nhạc, và kêu Nhạc Hòa hát lên: “Mong thiên vương giáng chiếu thư sớm chiêu an, tâm mới toại”. Lời này vừa ngân lên, ngọn núi Lương Sơn liền vang lên những tiếng phản đối.
Võ Tòng lớn tiếng nói rằng: “Hôm nay cũng muốn chiêu an, ngày mai cũng muốn chiêu an, khiến các huynh đệ thật chạnh lòng”. Nhưng những điều này không hề lay chuyển được sự quyết tâm chủ trương chiêu an của Tống Giang. Ông cố chấp cho rằng, chỉ khi được triều đình công nhận, sắc phong làm quan thì mới là con đường xán lạn của đời người, còn những con đường khác đều không quang minh chính đại.
Cuối cùng, Tống Giang cũng được toại nguyện, dẫn theo các huynh đệ đi làm quan của triều đình, nhưng đến cuối cùng vẫn bị triều đình lợi dụng, một cuộc chiến diễn ra, các huynh đệ tổn thất gần hết.
Nhưng Tốn Giang vẫn không chút hối cải, cho đến lúc sắp chết vẫn một lần nữa tỏ lòng với triều đình: “Ta sống cả đời, chỉ chủ trương hai chữ trung nghĩa, không chịu chút gì dối lòng. Thà để triều đình phụ ta, ta trung thành không phụ triều đình!”. Vì sự cố chấp cực đoan của Tống Giang mà Lương Sơn vốn dĩ đang ngập tràn sinh khí trở nên lạnh lẽo cô quạnh.
“Tống Sử” có nói: “Cố chấp ý mình, làm mất lòng người”. Cố chấp một chút thì là kiên trì, cố chấp quá mức thì là vô tri. Người cố chấp luôn gói gọn mọi sự vật sự việc trên đời ở trong nhận thức của riêng mình, còn sai lầm cho rằng cố chấp chính là sự kiên trì. Mà không biết rằng, chính vì sự cố chấp cực đoan của mình đã đóng lại cánh cửa giao du với người khác.
Cố chấp thì không đáng sợ, cái chính là phải bước ra khỏi nhận thức hạn hẹp của mình. Khi bạn nghĩ người khác cố chấp, đồng thời hãy nhắc nhở chính mình: Có lẽ trong sự cố chấp của mình, có chứa đựng nhận thức thấp kém.
Kẻ ích kỷ
Con người ai cũng chỉ chết một lần mà thôi, nếu như có thể “chết nhiều lần” vậy thì Lục Khiêm chắc đã chết bảy tám lần rồi. Lục Khiêm là bạn thân và đồng hương của Lâm Xung, trong lúc gặp nạn, cũng may được Lâm Xung ra tay cứu giúp mới có được một nơi để yên thân, cuối cùng kết làm huynh đệ tri kỷ với Lâm Xung.
Lâm Xung cũng luôn xem Lục Khiêm là tri kỷ, nhưng đối với Lục Khiêm mà nói, Lâm Xung chỉ là một nhân vật trong mối quen biết của Lục Khiêm, chỉ như vậy thôi. Vì vậy, khi Cao Nha Nội phái người tìm đến Lục Khiêm kêu Lục Khiêm gài bẫy Lâm Xung, Lục Khiêm không chút do dự nói: “Chỉ cần tiểu Nha Nội thích, thì không lo được giao tình bằng hữu nữa”.
Lục Khiêm vì muốn có được sự xem trọng của Cao Nha Nội, hoàn toàn không nghĩ đến tình nghĩa huynh đệ. Kẻ lừa Lâm Xung uống rượu, tạo điều kiện cho Cao Nha Nội trêu ghẹo Lâm phu nhân là Lục Khiêm. Kẻ lợi dụng Lâm Xung mua bảo đao, lừa Lâm Xung vào Bạch Hổ Thiết Đường cũng là Lục Khiêm. Kẻ mua chuộc Đổng Siêu, Tiết Bá nửa đường hãm hại Lâm Xung cũng là Lục Khiêm. Và kẻ đốt nông trại của đại quân dồn Lâm Xung vào chỗ chết cũng là Lục Khiêm.
Khi đốt nông trại của đại quân, Lục Khiêm không chỉ muốn thiêu sống Lâm Xung, còn muốn nhặt hài cốt của Lâm Xung mang về kinh, mang đến trước mặt thái úy và Cao Nha Nội để lĩnh thưởng. Khi bị Lâm Xung vạch trần, Lục Khiêm còn ngụy biện nói rằng: “Không liên quan đến tiểu nhân, là thái úy sai đến, không dám không đến”.
Tuy rằng Cao Nha Nội là một quyền quý mà Lục Khiêm không dám đắc tội, nhưng đây cũng không phải là lý do để Lục Khiêm hãm hại Lâm Xung. Bắt đầu từ giây phút lựa chọn giữa trèo cao quyền quý và bán đứng bằng hữu là Lục Khiêm đã lộ rõ bản chất tự tư tự lợi của mình rồi. Cuối cùng, Lục Khiêm trở thành hồn ma dưới đao của Lâm Xung.
“Thân Ngâm Ngữ” có nói: “Những tội lỗi lớn trong cuộc đời, chỉ tóm gọn trong bốn chữ tự tư tự lợi”. Làm người, quá ích kỷ sẽ dễ dàng đánh mất nhân tính, mất đi tình người. Suy nghĩ cho bản thân không có gì là sai cả, nhưng nếu vì lợi ích mà làm tổn hại đến bạn bè, thì đó chính là sự tổn thất lớn nhất.
Quân tử hiểu đạo nghĩa, tiểu nhân biết lợi ích. Làm người chính trực một chút, học cách đứng ở vị trí của người khác để suy nghĩ, như vậy mới có được những mối quan hệ tốt đẹp.
Nguồn Đkn