Chữ “Tôi” trong tiếng Hán được cấu thành từ bộ 手 (Shǒu/ thủ/ cái tay) và bộ 戈(Gē/ qua/ vũ khí) tạo thành chữ 我 (Wǒ/ tôi), dịch nghĩa Hán Việt có nghĩa là Ngã, thuần Việt có nghĩa là Tôi, Ta.
1. Chữ Tôi không nguyên vẹn
Bỗng nhiên có một ngày chữ 我(tôi) bị viết thiếu một nét và trở thành chữ 找(Zhǎo) có nghĩa Hán Việt là Trảo, thuần Việt là tìm kiếm. Tôi đã đi hỏi mọi người xem nét bị mất kia có nghĩa là gì? Người làm ăn nói nét đó là tài vận, giới nghệ sỹ nói đó là sự nổi tiếng, quân nhân nói đó là vinh quang, học sinh nói nét đó là điểm số…
Với cuộc sống đó chính là sức khỏe và hạnh phúc, không có hai thứ đó thì mọi thứ chỉ là mây khói. Thực ra, trong cuộc đời những người có ít tham vọng dễ hạnh phúc hơn, vì tham vọng luôn là cội nguồn của mọi khổ đau, biết đủ là gia tài lớn nhất của đời người, tìm kiếm hạnh phúc vốn không khó, điều khó là cặp mắt của mình có tìm ra được hạnh phúc hay không.
Con người khi tìm kiếm niềm vui, sự hạnh phúc vào những vật chất bên ngoài, cũng đồng nghĩa tự đeo gông cùm cho chính mình. Nếu không truy cầu những thứ không thực sự cần thiết bên ngoài, đó chính là con đường nhanh nhất đưa chúng ta đến bến bờ hạnh phúc, hạnh phúc đích thực không phải là khi được thỏa mãn những gì mình muốn có mà là buông xả được những gì mình muốn có.
2. Giá trị của chữ Tôi
Đối với mối người khác nhau, chữ Tôi có giá trị riêng khác nhau. Một người nấu ăn, họ bỏ ra 5 ngàn đồng để nấu một bát cơm. Nhưng nếu một tiểu thương họ sẽ nghĩ đến việc làm bánh gạo, và anh ta sẽ thu về 20 ngàn đồng, một người khác họ có thể làm một loại rượu lên men và có thể thu về 200 ngàn đồng.
Cuộc sống mỗi người đều có cách riêng để tồn tại, mỗi người đều có giá trị của riêng mình, mấu chốt là làm thế nào để tìm ra cách phát triển, cải thiện và hoàn thiện nó ở mức tốt nhất.
Tuy nhiên, Đức Khổng Tử tin tưởng rằng, mặc dù con người muốn giàu có hay nổi tiếng nhưng thiện tâm và những tiêu chuẩn đạo đức cao còn quan trọng hơn. Nhu cầu của con người luôn được tôn trọng, và nhu cầu cao nhất là khi đạo đức sáng tạo được công nhận. Vì thế, trong thế giới kinh doanh cạnh tranh quyết liệt hiện nay, nhiều người cho rằng doanh nhân chỉ nghĩ đến lợi nhuận, các cách tăng doanh thu, nhưng vẫn có một bộ phận kinh doanh dựa trên nền tảng đạo đức và họ rất thành công.
3. Cái Tôi im lặng
Im lặng cũng là một kiểu trí huệ, Nhà văn Hải Minh Uy từng nói: “Nước sâu thì dòng chảy chậm, người tôn quý thì ăn nói từ tốn. Chúng ta chỉ mất 2 năm để học nói tuy nhiên phải dùng cả đời để học cách im lặng”. Hai năm học nói, cả đời học cách im lặng, chính là cho dù hiểu hay không cũng không nói nhiều. Nếu đã không có lời gì để nói thì đừng nói.
Các đệ tử của nhà Phật khi mới nhập môn đều được dạy rằng: Những người mới xuất gia nên nói ít và giữ nội tâm bình tĩnh. Trong kinh thư có đề cập đến “Chỉ ngữ” đó chính là tự ép buộc bản thân rèn luyện năng lực kiểm soát ngôn ngữ cử chỉ. Mỗi tối trước khi đi ngủ cần tự suy ngẫm lại xem hôm nay mình đã nói những gì, những lời nào là thích hợp nên nói và lời nào là không.
Mục đích của “Chỉ ngữ” không phải chỉ đơn thuần là để tránh việc “họa từ miệng ra”, lo lắng tiết lộ bí mật gì đó trong sâu thẳm nội tâm hay vì lo lắng sẽ đắc tội với người khác, trên thực tế đó là việc rèn luyện nội tâm của bản thân, tôi luyện sự từ bi và trí huệ của chính mình.
Nhà văn nhà triết học nổi tiếng người Mỹ Kahlil Gibran từng nói: “Mặc dù sự ồn ào của ngôn ngữ như làn sóng cuộn trào sẽ mãi mãi ở phía bề mặt của chúng ta, nhưng chiều sâu của tâm hồn chúng ta vĩnh viễn là trầm lặng”. Bởi vậy học cách kiềm chế lời nói của mình mới là một loại trí huệ.
Những người nói nhiều thường cũng tự làm thiếu đi phong thái điềm tĩnh, Tuân Tử từng dạy: “Im lặng, lắng nghe, ghi nhớ, hành động và khôn ngoan là 5 cung bậc khác nhau của trí tuệ”. Học cách im lặng cũng là một loại trí huệ.
Im lặng cũng là một loại bao dung, thật hay giả của sự việc hãy để thời gian là câu trả lời tốt nhất. Bởi vậy bạn chỉ cần cố gắng học cách làm người tốt, sống lương thiện, học cách im lặng một cách thích hợp thì cuộc sống sẽ được thoải mái bình an.
4 . Cái Tôi buông bỏ
Vương Dương Minh từng nói rằng: “Chỉ cần thường nuôi dưỡng cái tâm này, thì có thể quan sát thấy sự tồn tại của tâm. Đây chính là học vấn. Những chuyện đã qua, những chuyện chưa tới, nghĩ tới chúng nào có ích chi? Nghĩ ngợi như vậy chỉ mất đi sự anh minh của cái tâm này” (Nguyên văn: “Chỉ tồn đắc thử tâm thường kiến tại tiện thị học. Quá khức vị lai sự, tư chi hà ích? Đồ phóng tâm nhĩ”).
Một người muốn sống vui vẻ thì phải có trí huệ, sống với thực tại. Nói một cách đơn giản, chính là sống trọn vẹn trong thời khắc này, chỉ chú tâm tới những việc trước mắt, mà không suy nghĩ vẩn vơ. Chú tâm tới thực tại, không so đo được mất trong quá khứ, cũng chẳng lo lắng về những biến cố trong tương lai. Người như vậy nội tâm thường tĩnh tại và sáng suốt, vậy nên họ mới giữ được sự lạc quan.
Chướng ngại lớn nhất trong mỗi người chính là bản thân mình, nếu chẳng thể buông bỏ tự ngã, phá bỏ chấp mê thì khó có được niềm vui chân chính. Cuối cùng Vương Dương Minh cũng ngộ được đạo, ông nói rằng: “Tìm kiếm hạnh phúc, kỳ thực là quá trình không ngừng buông bỏ bản thân”. Từ đó có thể thấy rằng, sống với thực tại, buông bỏ tự ngã là tiền đề của “cái tâm lỗi lạc” của ông.
Cuộc sống là quá trình từ bỏ không ngừng nghỉ, cũng như chúng ta từ bỏ tuổi thơ để bước vào tuổi trẻ, từ bỏ tuổi trẻ để đổi lấy trí huệ trưởng thành, từ bỏ những lời tán dương lộng lẫy để có được sự bình yên trong tâm hồn, dù có chấp nhận hay không thì đó cũng là thực tế khiến chúng ta không có sự lựa chọn khác.
Giữ được niềm vui là công phu, buông bỏ cá nhân mới là cái tôi thật sự, hạnh phúc là tự mình tìm kiếm, phiền não là tự mình rước về. Buông bỏ được rồi bạn sẽ tìm được niềm hạnh phúc sau khi đã trút đi gánh nặng.
5. Cái Tôi trưởng thành
Trưởng thành là đã đến lúc chúng ta dùng tâm thái ôn hoà mà đối đãi thế gian. Đã đến lúc chúng ta biết sống mà viên dung với người khác, có lẽ chỉ có người đã từng trải qua gian nan và tổn thương tột cùng mới có thể thực sự trưởng thành, hiểu và khoan dung với người khác. Một người trưởng thành sẽ không bao giờ tùy tiện phán xét người khác. Họ luôn hiểu được rằng mỗi một người, đều không hề đơn giản như những biểu hiện ở vẻ bề ngoài của họ, ai cũng có ưu khuyết điểm riêng.
Một người khi càng trưởng thành sẽ càng thấu hiểu cuộc đời, không những biết khoan dung bản thân mà còn khoan dung người khác. Trưởng thành cũng là lúc biết sống lý trí và nhiệt tình, khi người ta khi càng trưởng thành qua thời gian, cho dù nhìn rõ hiện thực phũ phàng của thế giới, của xã hội, nhưng vẫn nhiệt tình kiên cường trân trọng từng phút giây của cuộc sống. Đó là bởi vì họ đã thấu hiểu thế nào là lý tính và và cảm tính. Đó là bởi họ biết trân quý giá trị của sinh mệnh, biết rằng được sinh ra trên cõi đời này là điều đáng trân quý biết nhường nào.
Một chữ Tôi quả thật quan trọng biết nhường nào, nó được hình thành bởi đôi tay (手) và vũ khí (戈). Nếu không có vũ khí chữ Tôi còn lại là một đôi tay thuần thiện thuần chân, nâng đỡ vạn sự vạn vật, theo cách hiểu của người viết, khi đôi tay chúng ta có vũ khí là dùng để bảo vệ bản thân trong lúc hoạn nạn, không nên dùng đôi tay để đưa vũ khí đấu với người khác. Trong bất kỳ hoàn cảnh nào hãy để chữ Tôi trở nên có ý nghĩa đúng với giá trị của nó, cái Tôi của sự bao dung rộng lớn, cái Tôi của sự khiêm nhường tu dưỡng và quan trọng hơn cả luôn là cái Tôi lương thiện của chính mình.
Nguồn: secretchina
Hằng Tâm