Nguồn ảnh: SOH

Văn Hóa

Tiêu chuẩn chọn chồng của người xưa để cả đời hưởng phúc

By Lan Hòa

July 15, 2021

Người xưa cho rằng, công danh, địa vị, tiền tài không phải là thước đo giá trị thực sự của một con người. Phẩm đức đối với một người đàn ông là vô cùng quan trọng. Cho nên, chỉ những người đàn ông có tu dưỡng và phẩm chất đạo đức cao thượng mới xứng đáng là “bảo vật” quý giá, là “chỗ dựa” vững chắc và mang đến cho người vợ một cuộc sống thực sự hạnh phúc, viên mãn, tốt đẹp.

Trong xã hội ngày nay, có không người lấy điều kiện vật chất làm tiêu chuẩn để tìm ý trung nhân mà lại không coi trọng phẩm chất đạo đức của họ. Kì thực, điều này hoàn toàn khác biệt so với tiêu chuẩn của một người chồng tốt thời xưa:

1. Nhẫn nhịn, khoan dung

Từ xưa đến nay, “Nhẫn” luôn được coi là đức tính tốt đẹp của con người. “Nhẫn” không phải là yếu đuối, cũng không phải là thờ ơ, nhu nhược. “Nhẫn” là thể hiện của ý chí kiên cường, là thể hiện của sự tu dưỡng.

“Nhẫn” luôn là một đức tính cao quý nhưng không phải ai cũng có thể làm được. Tục ngữ có câu: “Nhẫn một chút sóng yên gió lặng, lùi một bước biển rộng trời cao”. Cho nên, một người đàn ông có đức tính này thì cho dù trong cuộc sống có gặp phải khó khăn thử thách nào đi nữa họ vẫn có thể nhẫn nhịn mà thiện giải được.

Trong cuộc sống hôn nhân sẽ không tránh khỏi những lúc vợ chồng mâu thuẫn, bất hòa, nếu một người đàn ông luôn biết lấy “nhẫn” để thiện giải các mâu thuẫn, làm cho các mối quan hệ trong cuộc sống trở nên ôn hòa và thoải mái hơn.

2. Tránh sắc thủ đức

Người xưa có câu: “Vạn ác dâm vi thủ”, tức vạn cái ác trên đời, tà dâm đứng đầu. Tục ngữ có câu: “Anh hùng khó qua ải mỹ nhân”. Xã hội hiện đại có những thứ gọi là phong trào giải phóng tình dục, đồng tính luyến ái, rồi xuất hiện “người thứ ba”,… nhưng thời xưa thì gọi đó là nam nữ dâm ô trụy lạc, là điều cấm kỵ. Cho nên, dù cho người đàn ông đó có được người đời tán dương, danh vọng có lớn ngần nào, nhưng chỉ cần phạm phải tội tà dâm, quan hệ bất chính, thì sẽ không còn xứng là chính nhân quân tử nữa, thậm chí sớm muộn còn phải chịu sự trừng phạt của Thiên lý.

Trái lại, một người đàn ông có ý chí kiên cường thì gặp sắc không mê, có thể giữ mình vững vàng, có thể làm được “tránh sắc như tránh tên”. Người chồng như vậy, dù ở vào hoàn cảnh nào đi nữa họ cũng cự tuyệt sự hấp dẫn của sắc đẹp, một lòng bảo hộ gia đình mình, yêu thương chân thành người vợ của mình. Bởi vì họ biết rằng làm như vậy là tích đức và phúc báo cho bản thân mình và con cái.

3. Khoan dung, lương thiện, có phẩm chất tốt

“Người tốt với ta, ta sẽ tốt lại với người”, đây là điều mà một người bình thường có thể làm được và cũng là tiêu chuẩn sống của rất nhiều người. Người đối với ta không tốt, ta không oán, không giận, luôn mong người đạt được những thứ tốt thì đó mới thực sự là bậc đại trí giả khoan dung, lương thiện.

Một người chồng có tấm lòng rộng lớn như biển khơi, có thể dung nạp trăm sông thì sẽ lương thiện và nhân từ. Họ có thể đặt mình vào hoàn cảnh của người khác mà thấu hiểu cho người, tha thứ cho người, không oán không giận, cũng không làm những việc trái với đạo lý làm người.

Người chồng như vậy thì trong cuộc sống hôn nhân sẽ không vì những điều nhỏ nhặt mà nổi giận, trái lại, họ còn có thể dùng tâm thái bình thản, tường hòa, tấm lòng khoan dung mà khiến gia đình trở nên vui vẻ, hòa thuận.

4. Lời nói Chân, biết thủ tín, coi trọng lời hứa

Khổng Tử giảng có câu: “Nhân vô tín bất lập”, người mà bất tín thì không có chỗ đứng ở đời, mgười không có tín thì không có nghĩa khí, không đáng tin cậy. Tín không chỉ là sinh mệnh thứ hai của người đàn ông mà còn là nhân tố xây dựng nên mối quan hệ vững chắc giữa người với người, tâm với tâm.

Con người sống ở đời phải coi thành tín làm trọng. “Thành” để tu thân, “Tín” để lập nghiệp. Làm người phải thiết thực, nói lời phải Chân và làm việc phải thành tín.

Dù nghèo cũng không được dối lừa người khác, đánh mất chữ tín. Tiền có thể cố gắng kiếm được nhưng thành tín một khi đã mất sẽ không bao giờ lấy lại được, không giữ chữ tín có thể được lợi trước mắt nhưng chắc chắn sẽ không được lợi lâu dài.

Một người đàn ông giữ chữ tín sẽ không nói lời tùy tiện mà làm đến nơi đến chốn, chân thành đối đãi với mọi người. Họ coi trọng lời hứa, có thể họ không biết nói những lời ngọt ngào, nhưng một lời hứa của họ lại đáng giá ngàn vàng, một khi đã hứa họ sẽ thực hiện đến cùng.

Những người đàn ông coi trọng chữ tín một khi nói lời thì tất sẽ làm và làm thì tất sẽ có kết quả tốt đẹp. Người như vậy, lòng họ thẳng thắn vô tư, chất phác trang trọng, là một người có trách nhiệm, là đối tượng đáng giá để người khác dựa vào, là mẫu hình lý tưởng của người phụ nữ.

Mặc dù tiêu chuẩn lựa chọn bạn đời trong xã hội ngày nay đã có nhiều thay đổi, nhưng cho dù là thời nào đi nữa thì một người chồng có phẩm chất đạo đức tốt, có tu dưỡng vẫn luôn là người đáng tin cậy, là điểm tựa vững chắc, là “trụ cột” cho một mái ấm hạnh phúc, viên mãn.

 

Lan Hòa tổng hợp