Ảnh: Theo Vnexpress

Chăm Sóc Con

Tình yêu của mẹ đã giúp con trai thoát bệnh hiểm nghèo

By Đăng Dũng

August 06, 2021

Một ngày mùa đông cách đây bốn năm, cậu học sinh lớp 10 Chu Phi Hùng đột nhiên đau nhức khắp cơ thể, sốt cao không dứt. Linh tính chuyện không lành, chị Nguyễn Thị Khơi, mẹ cậu đưa con đến Bệnh viện đa khoa Bắc Ninh kiểm tra. Hùng được chuyển đến Bệnh viện Nhi Trung ương và phát hiện bị ung thư máu cấp tính.

Chị Khơi nhớ lại: “Nghe thông báo của bác sĩ, tôi khụy xuống, run rẩy, cứ thế bò xuống cầu thang, chui vào gầm ôtô ngồi khóc”. Hùng là đứa con duy nhất và cũng là động lực để người phụ nữ 38 tuổi này sống trên đời. Bố chồng mất, rồi chồng qua đời khi con trai mới 5 tuổi, đều vì ung thư, đã khiến chị bị trầm cảm nặng. Khi dần bớt phụ thuộc vào thuốc thì chị nhận tin con bị bệnh.

Người mẹ nghĩ đến cảnh Hùng cũng sẽ chịu chung cái kết như cha và ông nội. Số tiền tích góp đang định dành xây nhà, chị Khơi để lại chữa trị cho con. Họ hàng nội ngoại, hàng xóm láng giềng mỗi người một chút, góp vào để chị đưa Hùng đi chữa trị.

Cuộc sống của chị Khơi dần cân bằng trở lại sau biến cố mất chồng, nhưng con trai bị bệnh, chị suy sụp hơn. Sự lạc quan, quyết tâm chiến thắng bệnh tật của cậu đã tìm lại được nguồn sống cho cả mình và mẹ. Ảnh: Phi Hùng.

“Mẹ giấu, nhưng vào phòng bệnh, đọc tên khoa và tra tên thuốc điều trị em biết bệnh mình. Ban đầu em chỉ tự hỏi không biết mình sống được bao lâu nữa. Nhưng sau đó, em lại sợ lỡ mình chết, mẹ sẽ không còn chỗ dựa”, chàng trai nhớ lại.

Như các bệnh nhân ung thư khác, thời gian đầu, Hùng liên tục phải hóa trị. Khi mới “đánh hóa chất”, cậu thiếu niên nôn thốc tháo, sốt cao, người như cọng bún. Mỗi lần tỉnh lại sau cơn mê sảng, Hùng luôn thấy mẹ đang lau người bằng nước ấm để cậu hạ sốt.

“Mẹ cứ liên tục phải nhúng tay vào nước sôi để lau cho em, đến nỗi tay rộp lên vì bỏng”, Hùng kể. Chị Khơi vẫn nhớ, cứ mỗi khi mở mắt, con trai lại cố vươn tay, lau nước mắt trên mặt mẹ rồi mỉm cười.

Nhưng những đợt tiêm truyền liên tục khiến Hùng suy kiệt. Người lúc nào cũng buồn nhức, mệt mỏi, cậu sinh ra vùng vằng, cáu gắt. Có lần, sau một đợt hóa trị, hai mẹ con Hùng được cho về quê ít ngày. Vừa đặt balo xuống nhà, chị Khơi đã vội đi chợ nấu cho con một bữa cơm nhà thật ngon. Cơm bê lên, người mẹ giục con ăn. Đang mệt trong người, Hùng gắt gỏng với mẹ rồi hất bát cơm xuống sân. Một lúc sau, cậu nhìn ra, thấy mẹ gục khóc bên thềm nhà.

Nỗi ân hận khiến cổ họng Hùng nghẹn lại. Cậu bước thật khẽ lại gần mẹ: “Con buồn bực trong người nên mới không kiểm soát được. Con xin lỗi”. Phút đó, cậu mới nhận ra mình ích kỷ, chỉ để ý đến cảm giác của bản thân mà không nghĩ đến mẹ và không phát hiện ra mẹ lại phải uống thuốc liều cao để trị trầm cảm.

Sau lần về quê đó, Hùng xác định lại tinh thần và trở lại bệnh viện với tâm thế “không coi mình là người bệnh”. Chị Khơi dặn con phải vận động để tăng sức đề kháng, nên dẫu mệt mỏi, hai mẹ con vẫn dìu nhau đi khắp khoa phòng thể dục. Có đợt truyền hóa chất xong lại cùng mẹ đội nắng bắt xe ôm về chỗ trọ khiến Hùng rã rời, nhưng nhất định không than vãn.

Chu Phi Hùng điều trị với tâm niệm không nghĩ mình bị bệnh. “Em gắng vượt qua vì biết mình khỏe, mẹ mới khỏe được”, Hùng nói. Ảnh: Nhân vật cung cấp.

 

Vừa tuân thủ phác đồ điều trị của bác sĩ, Hùng vừa phải theo dõi bệnh tình của mẹ. “Em tự dặn mình mạnh mẽ, suy nghĩ lạc quan là cách giúp tình trạng của mẹ em bớt trầm trọng hơn”, Hùng nói.

Khi con trai thông suốt, chị Khơi vẫn hay khóc, mất ngủ khi nghĩ đến bi kịch của gia đình mình. Nhiều lần chị lặp lại câu hỏi: “Nếu mẹ chết, con ở cùng các bác có được không?”. Hùng cố giữ giọng bình tĩnh đáp: “Con đang cố sống để được ở gần mẹ. Sao mẹ lại chết được. Mẹ phải sống để con có chỗ dựa chứ”.

Chị Khơi cho biết, con chính là động lực để chị vượt qua những bế tắc, lo âu trong cuộc đời. “Đến khi con bị bệnh nặng, nó vẫn là ‘liều thuốc’ tốt nhất của tôi”, người mẹ nói.

Sau một năm rưỡi điều trị, các tế bào ung thư trong cơ thể Hùng đã gần như bị khống chế. Cậu chỉ phải đến viện mỗi tháng một lần để điều trị duy trì. Trở về trường khi gần kết thúc lớp 11, Hùng lao vào ôn luyện, bù lỗ hổng kiến thức những ngày nằm trên giường bệnh. Sinh nhật tuổi 16, thầy giáo và cả lớp tổ chức sinh nhật cho Hùng tại lớp. Vừa đưa tay xuống đón bánh, cậu ngã khụy, phải đưa đi cấp cứu.

Đợt đó, con trai chị Khơi nằm viện cả tuần trời. “Nhiều người bảo với tôi nó ốm đau thế cho học làm gì. Nhưng con luôn muốn đi học như bao bạn bè”, người mẹ kể. Qua ba năm điều trị duy trì, tế bào ung thư hoàn toàn biến mất. Chu Phi Hùng trở lại là một cậu học sinh ngày hai buổi đến trường. Năm 2020, cậu thi đỗ vào trường ĐH Nội Vụ Hà Nội với 26 điểm.

Hơn ba năm điều trị, tế bào ung thư trong cơ thể Phi Hùng đã bị triệt tiêu hoàn toàn. Cậu trở về với sách vở, thi đỗ đại học, trở thành niềm tự hào của mẹ.

Lần đầu tiên trong đời, chị Khơi thấy người thân, họ hàng đến nhà, không phải để an ủi, chia buồn, mà chúc mừng cho hạnh phúc của mình. Chị cười nói nhiều hơn, dù vẫn phải điều trị trầm cảm, nhưng tình trạng đã được cải thiện rất nhiều.

Sáng ngày đầu tháng 8, Chu Phi Hùng tỉnh giấc khi mẹ đã chuẩn bị đi mua trái cây. Cậu ra sân tập tạ, ăn sáng rồi thay mẹ mở quán bán hàng. Những ngày học online ở nhà vì dịch là quãng thời gian ý nghĩa của Phi Hùng và mẹ, vì được ở cạnh nhau nhiều hơn.

Cậu vui vì được phụ mẹ nấu cơm, rửa bát, bán hàng. Thi thoảng, trong câu chuyện của hai mẹ con, Hùng nhắc đến căn bệnh ung thư máu, như một cách trân trọng hơn thực tại quý giá – mẹ con cậu có nhau trong đời.

Nguồn Vnexpress