Nguồn ảnh: Facebook

Đời Sống

‘Tôn trọng’ chính là mấu chốt của hạnh phúc gia đình

By Đăng Dũng

June 14, 2021

Gia đình là bến đỗ bình yên! Một gia đình thật sự hạnh phúc khi các thành viên luôn yêu thương, quan tâm nhau và tất cả đều vun vén để xây dựng một tổ ấm trọn vẹn. Chúng ta không có quyền lựa gia đình cho mình, nhưng một gia đình có hạnh phúc hay không là do ta quyết định. Ngay từ bây giờ, hãy dành nhiều tình cảm và sự quan tâm cho người thân của mình để sau này khi ngoảnh lại chúng ta sẽ không phải nuối tiếc vì đã quá vô tâm.

Một gia đình hạnh phúc không có một khuôn mẫu nào gọi là cố định. Có người thấy hạnh phúc khi người chồng là làm việc kiếm tiền còn vợ thì nội trợ lo toan gia đình; có người thì chỉ thấy hạnh phúc khi cả hai người đều có công việc, đều có thu nhập, còn việc nội trợ có thể nhờ cha mẹ, hoặc người giúp việc.

Ai làm việc gì, và thu nhập của gia đình như thế nào, vấn đề đó cũng thiên biến vạn hóa. Điều đáng quan tâm ở đây là thái độ của những người trong gia đình đối với công việc của người kia như thế nào. Đó là mấu chốt của hạnh phúc.

Có những gia đình cả hai người cùng đi làm, nhưng tan tầm về đến nhà thì vợ thổi cơm, chồng quét nhà dọn dẹp; chồng đón con thì vợ thu xếp mọi thứ để chuẩn bị cho bữa cơm sum vầy. Những gia đình như thế luôn có hòa khí vui tươi hạnh phúc.

Có những gia đình thì xe cộ đề huề, người phục vụ không chỉ là một, nhưng chồng luôn sống kiểu trịch thượng, coi thường người có thu nhập thấp và có khi vợ cũng bị xem như người ăn theo. Những gia đình như thế chỉ thấy giàu có trên bề mặt nhưng cuộc sống của họ khác chi địa ngục vì họ không hề tôn trọng nhau.

Có những gia đình thì cả hai người cùng đi làm, cũng kiếm tiền như nhau nhưng người chồng luôn cho mình cái quyền được trở về nhà là xem tivi, đọc báo hoặc lướt điện thoại còn trăm công nghìn việc mặc vợ một mình xoay xở…Người đàn ông trong cuộc đối thoại sau đây có thể là đại biểu cho một loại hình gia đình vẫn tồn tại rất phổ biến trong cuộc sống này.

Một người đàn ông đến gặp bác sĩ tâm lý để giải tỏa những căng thẳng và áp lực trong cuộc sống của gia đình khi người vợ không đi làm như mình. Và đây là cuộc trò chuyện giữa họ:

Bác sĩ tâm lý: Anh làm gì để kiếm sống vậy? Người chồng: Tôi làm kế toán ở một ngân hàng. Bác sĩ tâm lý: Thế còn vợ anh? Người chồng: Cô ấy chẳng làm gì cả. Cô ấy chỉ ở nhà nội trợ thôi. Bác sĩ tâm lý: Vậy ai làm bữa sáng cho cả nhà? Người chồng: Vợ tôi, vì cô ấy chẳng có gì làm cả mà. Bác sĩ tâm lý: Vợ anh dậy lúc mấy giờ để làm bữa sáng cho cả nhà vậy? Người chồng: Cô ấy dậy vào khoảng 5 giờ sáng, dọn dẹp nhà cửa trước khi làm bữa sáng. Bác sĩ tâm lý: Con anh đến trường bằng cách nào? Người chồng: Vợ tôi đưa chúng đến trường, vì cô ấy chẳng làm gì cả mà. Bác sĩ tâm lý: Sau khi đưa bọn trẻ đi học, vợ anh làm gì nữa? Người chồng: Cô ấy đi chợ, rồi về nhà nấu ăn và giặt giũ. Bác sĩ biết rồi đấy, cô ấy đâu có phải làm việc. Bác sĩ tâm lý: Chiều tối, sau khi đi làm về thì anh làm gì? Người chồng: Nghỉ ngơi, tôi quá mệt với công việc cả ngày rồi còn gì? Bác sĩ tâm lý: Thế còn vợ anh làm gì sau đó?

Người chồng: Cô ấy nấu bữa tối, cho con ăn, dọn bữa cho tôi, rửa bát, lau dọn nhà cửa, cho con đi tắm rồi cho chúng đi ngủ. Từ câu chuyện trên, bạn thấy ai là người làm việc nhiều hơn ở đây? Tất cả những gì mà một người vợ làm để phục vụ gia đình từ sáng sớm tinh mơ đến tối mịt được gọi là “chẳng làm gì cả”.

Phải, nội trợ không phải là công việc yêu cầu trình độ học vấn, bằng cấp và cũng chẳng có chút tiền đồ thăng tiến, nhưng vai trò của người nội trợ là cực kỳ quan trọng.

Hãy trân trọng vợ của bạn, bởi những gì cô ấy hy sinh cho bạn, cho con bạn, cho gia đình bạn là không thể đong đếm được. Đừng nói là những việc không tên mà nó có tên cả đấy. Người chồng xách cặp đến cơ quan là công việc như thường ngày, những người vợ ở nhà, họ có cả một dãy dằng dặc công việc, để cuối cùng họ được nhận một câu là “ không làm gì cả”.

Có cái chua chát đắng cay nào hơn! Người giúp việc còn được trả lương, còn những người vợ như thế họ được gì ngoài sự đối xử không công bằng của chính người mà họ chăm sóc, yêu thương nhiều nhất.

Hãy xem câu chuyện trên là lời nhắc nhở về việc: Hãy trân trọng vai trò của nhau trong quan hệ vợ chồng, vợ bạn có thể không làm công việc như bạn nhưng cô ấy cũng vất vả chẳng kém gì bạn cả.

Một người đàn ông, một người chồng hãy biết rằng: Khi nàng im lặng, nàng cũng đang nghĩ rất nhiều; Khi nàng nhìn bạn, nàng đang tự hỏi vì sao nàng lại yêu bạn nhiều đến thế dẫu cho bạn chẳng coi trọng nàng; Khi nàng bảo nàng sẽ ở bên bạn, tức là nàng sẽ luôn bên bạn như một hòn đá trung thành; Đừng làm người phụ nữ của mình tổn thương khi cư xử không phải với nàng hoặc coi thường nàng.

Tôn trọng nhau chính là mấu chốt của hạnh phúc gia đình. Bạn là ai, bạn làm ra của cải nhiều đến đâu không hẳn là tất cả những gì người phụ nữ của bạn mong muốn, hãy hiểu rằng điều người vợ của bạn mong chờ nhất vẫn là một nụ cười của bạn khi cô ấy ra mở cánh cổng đón bạn, là một cử chỉ chia sẻ sự bận rộn với vợ mình, là một lời thăm hỏi ân cần. Chỉ cần vậy thôi bạn đã có một gia đình hạnh phúc hoàn hảo.