Sống ở đời nên học cách tôn trọng người khác, bởi đó là một loại mỹ đức, cũng là yêu cầu tối thiểu để làm người. Tôn trọng người khác thực chất là đang tôn trọng chính bản thân mình.
Một ngày nọ, có tiếng ồn ào từ cổng một trường học. Hóa ra một phụ nữ đang la mắng bảo vệ của trường. Người phụ nữ đến gặp một người bạn làm việc trong trường này, nhờ bảo vệ mở cửa giúp và cho biết hồi sáng sớm đã đưa vé thông hành cho bảo vệ.
Nhưng người bảo vệ vẫn làm theo thông lệ, đề nghị cô đăng ký. Người phụ nữ cho rằng không cần thiết phải phiền phức như vậy nên đã mắng bảo vệ: “Không phải ông chỉ là bảo vệ thôi sao?. Có tư cách gì mà yêu cầu tôi!”. Bảo vệ cũng có chút tức giận, lớn tiếng đáp: “Đây là trường học. Muốn bảo vệ an toàn cho bọn trẻ thì phải làm vậy”.
Không ngờ, người phụ nữ này ấm ức khóc lớn để mọi người vào xem phân xử. Cô còn nói phải đưa người bảo vệ này khiếu nại đến phòng hiệu trưởng. Thật may sau đó bạn của cô chạy đến, cô gái này là người hiểu chuyện nên vội xin lỗi người bảo vệ, nhờ đó cuộc cãi vã mới lắng xuống.
Người đến xem đều cảm thấy người phụ nữ này quá không có giáo dục, không biết tôn trọng người khác nên mới tạo ra sự việc náo nhiệt làm trò cười như vậy.
Kỳ thực, bất luận là người gác cửa hay nhân viên vệ sinh, mỗi công việc hay mỗi một người đều cần được tôn trọng. Cảm thông, thấu hiểu, bao dung với người khác không phải điều dễ dàng, nhưng là điều cơ bản nhất mà một người cần dày công tu dưỡng.
Giữa người và người sống chung với nhau, có lúc rất giống chiếc gương. Bạn cười với người, thì người cũng cười với bạn. Nếu bạn lịch sự với người khác, thì họ cũng sẽ đối xử lịch sự với bạn, và ngược lại.
Đạo đức có thể bù đắp khuyết điểm về tài năng, nhưng tài năng không bao giờ có thể bù đắp khuyết điểm về đạo đức. Tôn trọng người khác thực chất là tôn trọng chính mình.
Mạnh Tử nói: “Thương người thì người thương lại mình, kính người thì người kính lại mình”. Câu nói ấy nhấn mạnh tầm quan trọng của tôn trọng người khác. Một người khi kết giao với người khác, nếu như có thể hiểu về họ, tôn trọng họ, vậy thì người đó cũng sẽ được người khác hiểu về mình và tôn trọng lại mình gấp trăm lần.
Người thông minh, ưu tú thì đối với bất kể ai cũng sẽ tôn trọng. Tôn trọng cấp dưới chính là một loại mỹ đức, tôn trọng khách hàng chính là một loại ý thức, tôn trọng đối thủ là một loại độ lượng, tôn trọng tất cả mọi người là một loại giáo dưỡng.
Tất cả mọi người đều khó có thể là người hoàn hảo, cho nên chúng ta không có lý do gì để dùng ánh mắt “ở trên cao” để đi xét nét người khác, cũng không có tư cách để dùng vẻ mặt “xem thường” để đi làm tổn thương người khác.
Nếu chính bản thân mình, ở một phương diện nào đó kém hơn người khác thì cũng không cần dùng “tự ti” và “ghen ghét đố kỵ” để đối đãi với người. Chỉ có học được tôn trọng người khác mới có thể giành được sự tôn trọng từ họ đối với mình. Cho nên, tôn trọng người khác, kỳ thực chính là tôn trọng bản thân mình.
Huy Hiếu T/h