Đời Sống

Tôn trọng, trung thực và tình thương

By Đăng Dũng

August 14, 2020

Dưới đây là hai mẩu chuyện nhỏ được sưu tầm trên mạng về văn hóa ứng xử của người dân nước Đức.

Câu chuyện xảy ra trong chuyến đến thăm Dresden, thủ phủ của bang Saxony. 

Có một lần tôi cùng đồng nghiệp đi tới đó mua sắm một số đồ dùng sinh hoạt ở một siêu thị tên Plus, tôi cũng tiện thể mua hai bao thuốc lá Davidoff và thanh toán với giá là 6,2 Euro rồi nhanh chóng ra về. Theo lịch trình, chúng tôi sẽ đi tới thăm quan trường đại học kỹ thuật Dresden trong hai ngày tiếp theo. Tuy nhiên, trong lúc gấp quần áo, tôi phát hiện chiếc cà vạt của mình đã bị phai màu hỏng mất. Bất đắc dĩ, tôi đành phải đi ra siêu thị Plus chọn một chiếc cà vạt có màu sắc tương tự cái cũ.

Không giống lần trước khi tôi đến mua, lần này mỗi nhân viên bán hàng trước khi quét mã vạch hàng hóa đều cầm một tấm hình chiếu vào mặt khách hàng để đối chiếu.

Lúc tôi mang chiếc cà vạt tới, cô nhân viên bán hàng trung niên đột nhiên thốt lên một tiếng “Ơ!”. Sau đó cô quay sang nói với những nhân viên khác bằng tiếng Đức: “Này, chính là anh này!”.

Vừa nói dứt lời, tất cả mọi người xung quanh lập tức đưa ánh mắt nhìn tôi. Quá bất ngờ, tôi luống cuống xòe hai tay ra ý nói với họ rằng mình không làm việc gì trái pháp luật cả, vì tôi vốn nghĩ rằng họ đang dùng hình chiếu mặt để truy bắt tội phạm ăn cắp.

Khi tôi được dẫn đến một phòng chờ, một nhân viên siêu thị mang cho tôi một cốc nước rồi hướng về phía tôi nói lời xin lỗi chân thành. Thái độ đó càng khiến tôi không hiểu gì! Chưa đầy một phút sau, một nhân viên quản lý tới và nói:

“Cách đây 2 ngày, anh đã từng đến siêu thị của chúng tôi mua hai bao thuốc lá với giá 6,2 Euro. Tuy nhiên từ 8 giờ 15 phút trở đi, mỗi một bao thuốc nhãn hiệu đó sẽ được giảm giá 3 cent. Thời gian tính tiền của anh là 8 giờ 15 phút 17 giây. Nhưng khi ấy máy tính tiền của siêu thị lại bị trục trặc mất 30 giây, nên đã không thể kết nối kịp thời dữ liệu giá đã giảm. Chúng tôi thành thật xin lỗi anh, chúng tôi phải trả lại cho anh số tiền thừa là 6 cent, xin mời anh kiểm tra một chút…”

Nghe xong, tôi thực sự thấy thật kinh ngạc! Mặc dù chỉ có 6 cent, nhưng tôi cảm thấy rõ ràng sự trách nhiệm và nghiêm túc người Đức.

Một câu chuyện khác ở nước Đức

Một buổi xế chiều mùa đông, tôi xếp hàng vào dòng người chờ xe buýt để về nhà. Có năm, sáu người xếp hàng lặng lẽ và yên tĩnh. Vào lúc đó, một người dắt một chú chó, từ phía xa đến. Khi họ đi đến gần, tôi thấy đó là một chàng trai cao to vạm vỡ đang dắt một chú chó chỉ đường chuyên nghiệp của Đức dành cho người mù. Chàng trai mù từ từ đi về hướng này, sau đó đứng cách một đoạn, cùng xếp hàng với dòng người chờ đợi xe.

Không có một ai bắt chuyện với chàng trai mù. Thế nhưng ngay lúc đó một cậu bé đứng ở hàng đầu tiên rất nhanh đã gập cuốn sách đang đọc dở trên tay, bước tới xếp phía sau chàng trai mù, những người xếp hàng còn lại cũng lần lượt đứng ra phía sau không một chút ầm ĩ. Đứng cạnh tôi, một cô gái có mái tóc ngắn màu đỏ liếc nhìn chú chó chỉ đường, có lẽ cô sợ mùi thuốc lá ảnh hưởng đến nó, vội bóp chặt đầu thuốc lá vừa mới châm xong.

Lại có thêm một người nữa xếp hàng đợi xe, người này cũng lẳng lặng đứng phía sau người mù và chú chó. Giữa những người xa lạ, mặc dù không nói với nhau một lời nào nhưng lại rất hiểu ý của nhau quả khiến tôi ngạc nhiên.

Cứ như vậy, cho đến khi xe buýt tới. Khi tài xế bước xuống để dắt chàng trai mù lên xe, chàng trai liền lịch sự từ chối: “Xin cám ơn, không cần đâu.” Theo sự chỉ đường của chú chó, anh tự mình bước lên xe.

Lúc đó đúng vào giờ tan sở, trên xe khách đã chật kín người. Lúc đó, một bà mẹ nhanh chóng bế bổng đứa con 5-6 tuổi ra khỏi chỗ ngồi để nhường ghế, mặc dù hành động của bà mẹ rất đột ngột thế nhưng không thấy cậu nhóc tỏ vẻ không hài lòng. Chú chó chỉ đường nhìn lên thấy chỗ trống liền nhanh chóng dẫn chàng trai mù ngồi vào ghế, sau đó lặng lẽ nằm bên cạnh chủ. Tất cả những sự việc diễn ra này, chàng trai mù không hề biết.

“Cho hỏi anh muốn đến đâu?”. “Tôi muốn đến đường Morre”. “Vâng, thưa bệ hạ!”. Câu trả lời đầy hài hước của tài xế khiến mọi người trong xe đều bật cười vui vẻ. Trên xe, mọi người đều thầm quan sát chú chó chỉ đường: cho dù những lúc xe phanh gấp hay chuyển ngoặt, chú chó cũng vẫn giữ được tư thế rất tập trung và mắt hướng nhìn phía trước. Không có ai có ý định đến vuốt ve hoặc dùng điện thoại để chụp nó như họ thường làm với những chú chó khác.

Cạnh tôi là cậu bé xếp ở hàng đầu tiên đã nhường vị trí cho chàng trai mù, cậu lấy tay tách một nửa chiếc bánh định cho chú chó ăn, thế nhưng mẹ cậu nhóc lúc nãy đã nhanh chóng ngăn chặn và nói nhỏ: “Chú chó đang làm công việc của nó, cần có trách nhiệm với công việc này, không nên làm ảnh hưởng đến nó”. Nghe thấy từ “công việc”, cậu bé lập tức rút tay lại từ bỏ ý định cho chú cho ăn.

Rất nhanh đã đến trạm cần đến, chàng trai mù nhanh chóng chào tài xế, sau đó cùng chú chó chỉ đường xuống xe. Không khí trầm lặng bao trùm trong xe. Còn tôi lúc đó, có thể cảm nhận được sự tĩnh lặng của sự yêu thương chăm sóc. Không chỉ vì khi chàng trai mù đến, mọi người đã tự giác vòng ra sau lưng anh xếp hàng, cũng không chỉ vì khi lên xe được một cậu bé nhường chỗ, hay như khi mọi người tự đứng lại gần nhau chịu chật chội ở trên xe để dành chỗ trống cho chàng trai mù và chú chó. Điều mà tôi quan tâm đó là, đằng sau tất cả những hành động trên là sự tôn trọng không nói thành lời.

Lưu Thủy sưu tầm và biên tập