Nghiên cứu về binh pháp Tôn Tử Tôn Vũ (Tôn Tử) cho rằng, sự tốt xấu về nhân tố tinh thần, sự mạnh yếu về tình trạng thể lực, cái ưu cái khuyết trong việc bố trí trận địa chiếm một vị trí quan trọng trong vấn đề tác chiến. Do vậy ông nêu lên phương pháp “bốn làm chủ”: “Làm chủ chí khí, làm chủ nhân tâm, làm chủ nhân lực và làm chủ sự biến đổi”. Ông phát biểu trong “Thiên quân tranh”: “Ban ngày thì chí khí sắc sảo, ban đêm thì chí khí cùn nhụt, chập tối thì chí khí trở về, đó là làm chủ chí khí; đối xử với rối loạn bằng sự làm chủ, đối xử với ồn ào bằng yên tĩnh, đó là làm chủ nhân tâm; đối xử với cái xa bằng cái gần, đối xử với cái đói bằng cái no, đó là làm chủ nhân lực; không cầu được cờ chính thống, chớ đánh vào trận địa một cách đường hoàng”, đó là làm chủ sự biến đổi. Phương pháp “Bốn làm chủ” được Tôn Vũ nêu lên như sau:
Làm chủ chí khí:
Thời xưa, tác chiến gắn liền với việc đánh nhau trực tiếp, sự thắng bại của chiến tranh với dũng khí của quân sĩ có mối quan hệ cực kỳ mật thiết. Sĩ khí và ý chí chiến đấu là nhân tố hàng đầu của sức chiến đấu. Sĩ khí dâng cao thì dễ dành thắng lợi, sĩ khí sa sút thì thường dẫn đến thất bại.
Làm chủ nhân tâm:
Ý nói trước trận đánh và trong trận đánh, tướng soái không được dao động hoặc dễ dàng thay đổi quyết tâm chiến đấu như đã tuyên thệ. Chữ “Tâm” ở đây người thời trước gọi bằng “bản tâm”, “tâm mưu”, mặc dầu nội dung của nó bao gồm các phương diện khí chất tinh thần và tu dưỡng tư tưởng, nhưng hạt nhân là lòng quyết tâm chiến đấu của tướng soái. Xung quanh vấn đề lòng quyết tâm chiến đấu của người chỉ huy, Tôn Tử nói trong “Thiên quân tranh”: “Tướng có thể dành lòng người”. Ông còn bảo: “Đối xử với rối loạn bằng việc làm chủ, đối xử với sự ồn ào bằng sự yên tĩnh, đó là làm chủ nhân tâm”. Điều này nói lên cuộc đấu tranh giữa lòng quyết tâm chiến đấu của bên ta với lòng “lung lay” hay cái “vững tâm”, “Đoạn tâm” trong quyết tâm chiến đấu của đối phương. Về “vững tâm” một nhà học giả họ Hà chú thích: “Không có vị tướng nào lại muốn đơn độc một mình, chỉ dựa vào sự tinh tế khôn ngoan của một cá nhân, mà muốn liên kết với hàng vạn con người, để đối phó với kẻ địch như hổ, báo. Cái lợi cái hại đan xen, cái thắng cái bại lẫn lộn, người tài trí phải biến, trù liệu trong tâm trí, không phóng đại sự việc, phải ngăn nắp được thế sao chẳng đáng gọi là ứng biến khôn cùng, xử sự rạch ròi?”. Đó là nói về tầm quan trọng của “vững tâm”. Đỗ Mục phát biểu: “Tư Mã Pháp nói: Bản chất phải vững vàng, biết được kẻ địch sẽ có cách đối phó, bản tâm ổn định, nhưng còn phải biết điều khiển nó, làm cho thế ổn định càng trở nên chắc chắn, đừng bận tâm đến sự nhiễu loạn, đừng vì cái lợi trước mắt. Đợi chừng nào kẻ địch rối loạn, ồn ã thì xuất quân tấn công”. Đấy là nói về yêu cầu của “vững tâm”. Trương Dự bảo: “Lấy trừng trị đối xử với rối loạn, lấy cái tĩnh lặng đối xử với cái ồn ào, lấy cái bình tâm đối xử với cái nôn nóng, lấy sự nhẫn nại đối xử với giận dữ, đó là nói về phương pháp của “vững tâm”. Về “đoạn tâm”, Lý Chuyên nói: “Bực tức dẫn đến phẫn nộ, càn quấy dẫn đến rối loạn, nhỏ nhen đi đến kiêu căng, ngăn cách dẫn đến xa lạ”. Đó là nói về các phương pháp “đoạn tâm”.
Làm chủ nhân lực:
Ý chỉ việc tiêu hao và làm mỏi mệt sức chiến đấu của kẻ thù. Tôn Vũ nêu lên phương pháp “làm chủ nhân lực” trong “Thiên quân tranh”: “Đối xử với cái xa bằng cái gần, đối xử với cái mệt nhọc bằng cái thư nhàn, đối xử với cái đói bằng cái no”. Tôn Vũ còn bảo: “Giao chiến với kẻ địch sau cuộc hành quân đường dài, điều đó làm hao tổn binh lực, vì binh sĩ đã chịu nhiều cơ cực trên đường đi, sinh lực mệt mỏi dẫn đến cạn kiệt, tất nhiên dẫn đến tình trạng hao binh tổn tướng.
Làm chủ sự biến đổi:
Cơ mưu quân sự biến đổi khôn lường, khi đã nắm được quyền chủ động trên chiến trường, vẫn không thể xem nhẹ vai trò của chiến thuật “làm chủ sự biến đổi”, cái gọi là làm chủ sự biến đổi ấy là nắm vững phương pháp biến hóa cơ động. Điều mà Tôn Vũ đề cập trong “Thiên quân tranh”: “Không cầu được cờ chính thống, chớ đánh vào trận địa một cách đường hoàng” chính là ứng biến. “Cờ chính thống”, “trận địa đường hoàng” là chỉ tình thế quân đội khi có khí thịnh vượng, quân dung nghiêm chỉnh, thực lực hùng hậu và có sự chuẩn bị, đầy đủ về mặt tư tưởng, loại kẻ thù này, vừa mạnh vừa có sự chuẩn bị, tất nhiên là khó đánh, lúc này phải gác lại ý định tác chiến với bọn chúng. Cần sử dụng nhiều thủ pháp của chiến thuật làm chủ ý chí, làm chủ nhân tâm, làm chủ nhân lực… biến đổi chúng theo tình hình của địch, hoặc công phá hay cố thủ, hoặc tiến hay thoái, hoặc chính quy hay kỳ lạ, nhằm giành thắng lợi.
Tuệ An ( Nguồn sách Binh Pháp Tôn Tử)