Khám Phá

Trai khôn thua trí bất ngờ

By Đăng Dũng

April 23, 2021

Từ Hải là nhân vật được nhắc tới trong Truyện Kiều, ở ngoài đời thật sự có một Từ Hải như vậy, tuy nhiên ở ngoài đời có những sự khác biệt rất nhiều so với tiểu thuyết? chúng ta cùng thử xem Từ Hải ở ngoài đời được mô tả ra sao nhé.

Lịch sử ghi chép lại rằng Từ Hải quê ở huyện Hấp phủ Huy Châu. Xuất thân Từ Hải vốn là hòa thượng chùa Hổ Bào ở Hàng Châu, pháp danh Phổ Tịnh, còn gọi là Minh Sơn hòa thượng. Sau được người chú là Từ Bích Khê rủ bỏ chùa đi buôn bán làm ăn trên biển, gia nhập thương đoàn của Uông Trực, sau đó lấy danh kỹ Tần Hoài tên là Vương Thúy Kiều làm vợ.

Từ Hải trong chính sử được mô tả là một thủ lĩnh xuất quỷ nhập thần của một đám cướp biển miền duyên hải Giang Nam, từ ghi chép có thể nhận thấy Từ Hải rất giỏi võ, rất có thể được học võ từ lúc còn là hòa thượng, thời điểm đó thiếu lâm tự cũng phổ biến. Từ Hải cùng với hai thủ lĩnh còn lại là Trần Đông và Ma Diệp tấn công cả quân triều đình, có thể đấu trực tiếp với tướng triều đình cũng phải là một thân võ nghệ cao cường.

Tông đốc quân vụ chiết giang Hồ Tôn Hiến thấy không thể đánh được nhóm cướp biển, nên tìm cách ly gián, dùng kế phá vỡ mối liên kết giữa 3 thủ lĩnh Từ Hải, Trần Đông, Ma Diệp. Mặt khác lại cho đem rất nhiều đồ châu báu, đồ nữ trang quý cùng thư chiêu hàng đem đến nhà Từ Hải để tỏ thành ý, vì biết được Từ Hải rất hay nghe lời phu nhân Thúy Kiều của mình.

Sau khi đấu với quân triều đình, Từ Hải bị thương, lại nghe được nhiều thông tin trái chiều do Hồ Tôn Hiến lập mưu tung ra, cộng thêm Thúy Kiều khuyên nhủ, Từ Hải đã quyết định hàng phục triều đình. Từ Hải cho em trai là Từ Hồng đến làm con tin, đem dâng những vật quý của mình dùng như mão phi ngư, giáp tốt, kiếm báu… cho Hồ Tôn Hiến.

Hồ Tôn Hiến ra yêu cầu với Từ Hải dẹp giặc vùng sông Ngô Tùng để lập công. Từ Hải đem quân tấn công nhóm hải khấu ở vùng Chu Kính, giết hơn 30 tên để tỏ quyết tâm mình hàng phục triều đình. Sau đó Hồ Tôn Hiến lại yêu cầu Từ Hải bắt hai đồng đảng Trần Đông và Ma Diệp thì triều đình mới xét công đầu.

Từ Hải sau đó ra tay với Ma Diệp và Trần Đông, bắt hai thủ lĩnh này giao nộp cho Hồ Tôn Hiến, Hồ Tôn Hiến thực hiện quỷ kế thả Trần Đông và Ma Diệp ra, sau đó sắp xếp quân của Từ Hải ở phía đông, quân Ma Diệp trần đông ở phía tây, trong một đêm tối Trần Đông cung Ma Diệp toàn lực vượt sáng tấn công doanh trại của Từ Hải. Đâm Từ Hải bị thương ở đùi.

Đúng như kịch bản đã vạch lên, chờ cho hai bên đánh nhau, Hồ Tôn Hiến làm ngư ông đắc lợi, ngầm sai Tổng binh Du Đại Du phục binh sẵn đột kích đánh giết, đốt thuyền. Sau đó cho quân triều đình vây kín xung quanh bên ngoài trận chiến của Từ Hải và Trần Đông, Ma Diệp. Đến lúc này Từ Hải mới biết mình bị lừa, thân thể đầy thương tích, còn đội quân cướp biển hơn vạn người giờ tan tác hết đều bắt đầu từ mình mà ra, phẫn uất Từ Hải nhảy xuống sông tự vẫn.

Hầu hết các sách sử đời Minh đều chép sơ lược về cái chết của Từ Hải và cũng không ghi cụ thể Từ Hải chết do bị giết hay tự tử, còn trong chính sử chỉ chép 7 chữ “Hải quẫn thậm, toại trầm hà tử” (Hải đường cùng, bèn nhảy xuống sông chết). Khi đến đầu đời Thanh, trong tác phẩm “Kim Vân Kiều truyện” của Thanh Tâm Tài Nhân đã “tiểu thuyết hóa” cái chết của Từ Hải với sự hiện diện của Thúy Kiều.

Hồ Tôn Hiến thực hiện thành công kế ly gián, khiến cho nội bộ tập đoàn hải khấu Từ Hải, Trần Đông, Ma Diệp mâu thuẫn, tự tiêu diệt lẫn nhau. Quân Minh đại thắng, giải quyết được tặc đảng nhiều năm khiến triều đình mất ăn mất ngủ. Bộ tướng của Hồ Tôn Hiến lại bắt sống được cả em trai Đảo chủ là Tân Ngũ Lang. Hồ Tôn Hiến cho đem thủ cấp Từ Hải và giải Từ Hồng, Trần Đông, Ma Diệp, Tân Ngũ Lang về kinh đô. Vua Gia Tĩnh vui mừng, cho làm lễ tế cáo thái miếu, các đầu thủ lĩnh hải khấu đều bị xử lăng trì, thăng Hồ Tôn Hiến lên chức Hữu Ðô Ngự sử, ban thưởng vàng bạc.

Như vậy, Từ Hải ngoài đời ban đầu chỉ là người đi buôn trên biển, nhưng nhờ giỏi võ nghệ mà được chiêu nạp làm thủ lĩnh của cướp biển, có quân trong tay giống như hổ mọc thêm cánh, võ nghệ được phát huy. Song Từ Hải vẫn chỉ là một võ phu, không nhận biết được quỷ kế của Hồ Tôn Hiến, phút cuối nhận ra đã quá muộn.

Có một nhân vật trong Thủy hử cũng xuất thân và hoàn cảnh tương tự như Từ Hải, đó là Lỗ Trí Thâm, tuy nhiên kết cục của hai người lại hoàn toàn trái ngược. Đến cuối cùng Lỗ Trí Thâm nghe sóng triều ca cảm thấy một đời như sóng cuốn, thân bất do kỷ từ đó mà ngộ đạo rồi viên tịch. Tất nhiên do sự lựa chọn của hai người cũng là khác nhau, Lỗ Trí Thâm mặc dù tham gia phường đạo tặc, nhưng tâm luôn hướng về sự tốt đẹp, cảm phục những anh hùng hào kiệt vì nước vì dân. Còn Từ Hải vì muốn an lành phần đời còn lại cùng với vợ đẹp và gia sản của mình mà muốn quy hàng, nên kết cục thành ra như vậy.

 

Biên tập Thông Lộ