Nguồn ảnh: Chùa Thành Lạng Sơn

Cảm Ngộ Nhân Sinh

Trái tim của bạn khoan dung rộng lớn như thế nào, thế giới của bạn sẽ rộng lớn như thế

By Đăng Dũng

May 16, 2021

Khoan dung là một dạng mỹ đức, một dạng lòng tốt, có nó bạn mới có thể an nhiên mà đi qua bốn mùa, mới có thể nhàn rỗi đứng trước đình mà nhìn hoa nở hoa tàn.

Có câu nói rằng: “Khoan dung là biển lớn xanh thẳm, dung nạp trăm sông nhưng vẫn trong sạch, rõ ràng; Khoan dung giống như bầu trời cao rộng, bao bọc thiên hạ nhưng không ghi thù nhớ hận; Khoan dung giống như mặt trời rực rỡ, ban tặng những ngày nắng cũng như những ngày mưa, tặng bạn cả mây trời và gió mát; Khoan dung là sự kéo dài của sinh mệnh, chỉ có sự khoan dung độ lượng mới có thể đưa ta vượt xa giới hạn của chính bản thân mình. Một từ ngữ khoan dung, là ân huệ rực rỡ, một đời khoan dung, tâm có thể buộc cả càn khôn”.

Con người khi về già, như dòng sông đang chảy ồ ạt thì trở nên êm dịu, cảm xúc sục sôi từng trải qua, những phẫn nộ và oán hận từng có rồi cũng dần dần biến mất.

Theo dòng thời gian dần trôi, con người cũng càng ngày càng thấu hiểu được sự khoan dung, học được cách bao dung, dễ dàng nhìn lại quá khứ, tìm thấy những thiếu sót đáng tiếc trong cuộc sống của chính mình, từ đó càng trân trọng những tình bạn, tình thân.

Bởi vì bạn đã từng khổ sở, từng mệt mỏi, từng cười, từng khóc, từng khiến người khác tổn thương. Cũng chính bạn đã từng được người khác khoan dung, tha thứ. Khi về già bạn có thể nhìn rõ hơn mọi thứ, vì thế bạn mới hiểu đời người giống như một trò chơi, dù cho có nghiêm túc đến mấy cũng chỉ vội vội vàng vàng mấy chục năm, khi bạn đi qua nhiều cây cầu hơn người khác, bạn sẽ lãnh ngộ được:

Khoan dung mà đối đãi với người khác, cũng chính là lương thiện với chính bản thân mình. Khiến cuộc sống của bạn trở nên nhẹ nhàng, hạnh phúc hơn. Đi qua mưa giông bão tố, mới có thể lĩnh ngộ được sự cực khổ và vui vẻ, tình yêu và sự hận thù của đời người, mới biết được trong cuộc sống cần quên đi thứ gì, hồi ức thứ gì, buông bỏ thứ gì, học được thứ gì, cái gì cần coi trọng, cái gì cần coi nhẹ.

Thiết nghĩ, thứ chúng ta nên quên đi nhất chính là những gì ta từng giúp đỡ người khác. Điều ta cần tha thứ nhất là những người từng làm tổn thương ta. Thứ cần buông bỏ nhất là phân biệt quá rõ ràng đúng sai, thành tích và khuyết điểm, danh lợi được mất…Điều cần học nhất là khoan dung mà đối đãi với người khác.

Đường đời của con người rất dài, trên chặng đường đó, chúng ta sẽ gặp phải rất nhiều gập ghềnh, khó khăn, và có lẽ sẽ gặp phải rất nhiều hiểu lầm, oan ức, bất bình, lúc này cần học cách khoan dung.

Tình bạn có sự khoan dung có thể kéo dài đến thiên trường địa cửu. Tình yêu có sự khoan dung mới có thể có được hạnh phúc viên mãn. Thế giới có sự khoan dung mới có thể hòa bình tươi đẹp.

Một người mang trong mình trái tim khoan dung, mới có thể có được sự nghiệp thành công rực rỡ, và một cuộc sống vui vẻ hạnh phúc.

Khoan dung cần một tấm lòng rộng lớn. Tấm lòng rộng lớn có thể chứa đựng trời, chứa đựng đất, chứa đựng những thứ mà bản thân tưởng chừng không thể chịu đựng được. Mở miệng là nở nụ cười, cười từ cổ đến kim, vạn sự đều trả bằng nụ cười.

Có trái tim khoan dung mới có thể chứa đựng hết thảy, mới nở được nụ cười tươi từ tận đáy lòng mình. Thế giới rộng lớn, nhật nguyệt luân hồi, thời thế thay đổi, lòng người cũng dễ đổi thay, nhưng bản thân luôn phải có trách nhiệm với mình, đối với người khác lại cần nhiều hơn sự tán thưởng. Đời người có khí độ khoan dung này, mới có thể an nhiên mà đi qua bốn mùa, mới có thể nhàn rỗi đứng trước đình mà nhìn hoa nở hoa tàn.

Chuyện chậu lan của vị hòa thượng

Lão hòa thượng trồng một chậu hoa lan xinh đẹp. Hoa lan cũng nhờ vào sự chăm sóc của ông mà lớn lên khỏe mạnh và thanh tú. Một lần, ông phải đi ra ngoài có việc một thời gian, ông liền giao chậu lan lại cho tiểu hòa thượng nhờ chăm sóc.

Một hôm, tiểu hòa thượng sau khi tưới nước cho hoa liền đặt chậu lan ở bệ cửa sổ rồi ra ngoài làm việc. Thế rồi mưa to xối xuống, gió to làm chậu lan rơi xuống mặt đất vỡ tan. Khi tiểu hòa thượng trở về thấy chậu lan chỉ còn cành lá gãy rập, héo úa dưới đất. Cậu vừa đau lòng vừa lo sợ sư phụ sẽ quở trách.

Khi vị sư già trở lại, tiểu hòa thượng đã chuẩn bị tinh thần bị phạt. Nhưng sư phụ cậu chỉ cười cười, không trách mắng chút nào. Tiểu hòa thượng bất ngờ: “Sư phụ, người không tức giận sao? Sao lại không trách mắng con?”.

Lão sư cười nhạt một tiếng: “Ta trồng hoa lan không phải vì để tức giận”.

Chỉ một câu nói đơn giản nhưng lại thể hiện một người có tấm lòng bao dung rộng lượng và cởi mở với cuộc đời.

Thế giới xung quanh chính là phản ánh nội tâm của bạn

Lão hòa thượng trồng hoa không phải để nổi giận. Tương tự như vậy, chúng ta học tập để không phải để tức giận. Chúng ta làm việc không phải để để tức giận. Chúng ta yêu thương không phải để tức giận. Chúng ta sống không phải để tức giận.

Nếu bạn ôm giữ hận thù, cuộc sống xung quanh đều là những điều không vừa mắt.

Nếu bạn ôm giữ lòng biết ơn, thế gian khắp nơi đều là lòng cảm ân.

Nếu dung lượng tâm của bạn lớn lên, sức chịu đựng của bạn cũng lớn lên, những điều người khác không vừa mắt, đối với bạn cũng có thể xem rất nhẹ nhàng.

Dù bạn không thể chọn những điều sẽ xảy ra với bản thân, bạn vẫn có thể lựa chọn thái độ đối với những khó khăn trong đời người. Bạn có thể ôm giữ oán hận hoặc thái độ tiêu cực trong nghịch cảnh; bạn cũng có thể rèn luyện nội tâm vững vàng trước những sóng gió. Chỉ là bạn sẽ chọn con đường nào?

Đời người 8, 9 phần là không như ý, những chuyện muốn gì được nấy, mọi việc đều toại nguyện là rất ít.

Người khoan dung bề ngoài dù xinh đẹp hay tầm thường, ở bên trong cũng là nội tâm quảng đại, tấm lòng rộng mở, có thể dung chứa vạn vật, độ lượng với mọi người.

Người khoan dung thường suy nghĩ cho người khác, chân thành không kiêu ngạo, lòng dạ thoáng đãng. Họ mang khí chất khiêm nhường của người quân tử “người quân tử trong sáng vô tư, kẻ tiểu nhân thường mang ưu sầu”.

Chân Nhiên biên tập