Ảnh: Internet

Đời Sống

Trăm năm mới đặng chung thuyền; ngàn năm mới đặng nên duyên vợ chồng

By Đăng Dũng

March 18, 2021

Nhân sinh tại thế, vạn sự đều có nhân duyên, hôn nhân cũng như thế. Một người nam cùng một người nữ có thể kết nên duyên vợ chồng đều là nhờ vào nhân duyên từ tiền kiếp. Cổ ngữ có câu: “Hữu duyên thiên lý năng tương ngộ, vô duyên đối diện bất tương phùng”. Khi một cuộc hôn nhân bắt đầu, chúng ta mới phát hiện rằng hết thảy đều là do thiên định, tuyệt không phải là do con người cầu mà có được…

Thế sự dù hỗn loạn cũng không thể ngăn cản được duyên phận đã định trước

Vào những năm cuối triều đại nhà Đường, huyện Xạ Hồng có một vị chủ bộ tên là Chu Hiển, định xin cưới con gái của Đỗ Tập – huyện lệnh huyện Bì là Đỗ thị làm vợ. Tuy nhiên sau khi hai người đính hôn lại phát sinh một sự việc không lường trước được; Vương Kiến ở đất Thục tự lập làm hoàng đế, tức là Tiền Thục Cao Tổ sau này, Đỗ thị do vậy mà bị tuyển vào cung.

Sau khi Vương Kiến băng hà, con trai của ông là Vương Diễn lên ngôi. Vương Diễn là một hoàng đế hoang dâm vô độ, cả ngày say mê nữ sắc khiến cho cuối cùng nước Tiền Thục bị quân đội nhà Đường tiêu diệt. Lúc này, Chu Hiển hiện đang làm quan ở Bành Châu; nhờ mọi người khắp nơi tìm giúp một mối hôn sự tốt đẹp. Sau đó, ông được người mai mối giới thiệu cho cháu gái của gia đình họ Vương, nghe nói vị nữ tử này vốn từng làm cung nữ.

Sau khi kết hôn, trong lúc Chu Hiển trò chuyện cùng thê tử có nhắc đến chuyện mình và Đỗ thị đã từng đính ước. Ở trong tờ hôn ước có viết: “Ta trước đây định lấy Đỗ Thị làm vợ nhưng thẹn vì gia cảnh bần hàn, không đảm đương được danh nghĩa và trách nhiệm của người con rể”. Đây quả là những lời lẽ vô cùng khiêm tốn.

Cháu gái gia đình họ Vương nghe xong bèn thở dài nói: “Thiếp chính là Đỗ thị đây, thiếp sau khi xuất cung, không còn nơi nào để đi, là nhờ người nhà họ Vương thu nhận thiếp; vì vậy thiếp đổi họ thành Vương thị”. Chu Hiển sau khi nghe xong, buồn vui đan xen, đây quả thật chính là duyên phận. Tình cảm phu thê từ đó mà càng thêm sâu đậm.

Đề thơ trên lá đắc duyên lành

Những năm Đường mạt Tiền Thục, có thượng thư Hầu Kế Đồ xuất thân là môn đệ của Thư Hương, cả ngày tay không rời sách, miệng không ngừng ngâm thơ. Khi còn làm quan ở Thành Đô, ông thường xuyên ghé thăm chùa Đại Từ để thưởng ngoạn.

Vào một ngày mùa thu lộng gió, Hầu Kế Đồ từ lan can tự viện đưa mắt ngắm nhìn cảnh sắc phía xa. Bỗng nhiên, một chiếc lá theo gió bay tới nơi ông. Thấy vậy, ông nhặt nó lên thì phát hiện trên lá có đề một bài thơ: 

“Thức thuý liễm song nga, 

Vi uất tâm trung sự,

Nặc quản hạ  đình trừ, 

Thư tựu tương tư tự. 

  Thử  tự  bất   thư thạch, 

Thử  tự  bất   thư   chỉ, 

Thư hướng thu diệp thượng,

Nguyện tùy phong thu khởi. 

  Thiên hạ hữu tâm nhân, 

Tận giải  tương tư  tử”

(“Tương tư” – trích Tình sử)

Dịch nghĩa: 

Vuốt tóc chau đôi mày ngài

Vì niềm u uất tâm sự

Giấu bút ra thềm sân trước

Viết nên chữ tương tư.   

  Chữ này không viết trên đá

Chữ này không viết trên giấy

Viết về hướng lá thu ở trên cao

Mong gió thu cuốn bay đi.

Thiên hạ nếu có lòng.

Sẽ hiểu tương tư khắc khoải đến chết.

(Hoàng Nguyên Chương dịch).

Bài thơ này hẳn phải là của một vị tiểu thư khuê nữ viết. Hầu Kế Đồ sau đó mang chiếc lá ấy về nhà và cất giữ trong rương.

Năm, sáu năm sau đó, Hầu Kế Đồ kết duyên cùng tiểu thư nhà họ Nhậm. Vào một ngày nọ, ông ngẫu hứng ngâm lại những câu thơ được đề trên lá khi xưa. Nhậm thị sau khi nghe xong liền nói: “Đây là bài thơ trên lá ngày trước thiếp đã viết ở Tả Miên (nay là Miên Dương, Tứ Xuyên), chàng sao lại biết được bài thơ này?”. Hầu Kế Đồ sau khi nghe xong cũng rất kinh ngạc, liền bảo vợ mình viết lại toàn bộ bài thơ, rồi đem đối chiếu với bài thơ ở trên lá thì thấy giống hệt nhau. Đây không phải là “nhân duyên do chiếc lá đưa tới (nhân duyên thụ diệp khiên)” hay sao?

Nguồn  Epochtimes

Đường Vân