Cố công bỏ sức lao động thì ai cũng có thể kiếm được tiền. Nhưng bằng hữu tốt chân chính trên đường đời thì chỉ có thể tùy duyên gặp được mà không thể cầu được. Người xưa nói: “Ngàn vàng dễ có, tri kỷ khó tìm”.
Thời buổi bây giờ, có lúc tình cảm lại chịu thất bại trước danh lợi và tiền tài. Khi cuộc sống còn nghèo khó, có rất nhiều bạn bè có thể đồng cam cộng khổ. Một khi giàu có rồi, bạn bè bên mình lại càng ngày càng ít. Hay ngược lại, khi giàu có thì bạn bè rất đông nhưng đến khi hoạn nạn thì người người đều lần lượt rời bỏ mình mà đi. Nếu có thể gặp được một người tri kỷ, thì đó là phúc phận không gì lớn hơn.
Tri kỷ vô cùng hiếm vì để trở thành người tri kỷ thì phải có hai điều kiện: Là người quân tử và là người thấu hiểu. Là người quân tử, chính là người nhân đức, nghĩa khí, vì người khác, coi nhẹ bản thân, coi thường tư lợi, trọng nghĩa khinh tài. Người quân tử chắc chắn sẽ là người bạn tốt, sẽ không bao giờ bỏ rơi bạn bè khi có hoạn nạn. Họ có lẽ chẳng nói lời ngon ngọt nhưng sẽ đối đãi chân thành. Họ cũng không phân biệt địa vị danh vọng, sang hèn phú quý, vì họ chỉ coi nhân đức, nghĩa khí, thành tín mới là quan trọng nhất, mới là lẽ sống của cuộc đời. Họ cho đi mà không cầu báo đáp, tốt với mình mà chẳng cần điều kiện chi. Khi nhàn nhã thì một câu thăm hỏi, lúc ưu phiền thì một tiếng ủi an. Khi thất bại thì một lời khích lệ, lúc thành công thì một tiếng chia vui.
Người thấu hiểu là người có tâm hồn nhạy cảm, đồng điệu, và cùng chung một số sở thích, lý tưởng tương đồng, những người có khí chất, tài năng, tâm hồn, cảnh giới tương đồng thường dễ đồng cảm và thấu hiểu, giống như hiện tượng cộng hưởng trong vật lý, khi hai vật dao động ở cùng tần số.
Lắng nghe, cảm nhận, đặt mình vào vị trí của người mà suy nghĩ thì sẽ đạt được tiêu chuẩn của người thấu hiểu. Tri kỷ khó tìm, cũng do chính chúng ta chưa đạt được tiêu chuẩn của người tri kỷ, nên tần số dao động của chúng ta vẫn đang lệch pha với người tri kỷ ở đâu đó quanh ta, khiến chúng ta chẳng thể tìm ra.
Tình cảm giữa con người là có qua có lại cớ sao lại lạnh giá tựa hàn băng. Nếu mình lạnh giá như băng thì người ta sao có nhiệt tình? Nếu mình so đo cò kè thì người ta sao có thể khoan dung đối đãi? Tình cảm thật lòng là sự trao truyền của chân tình thành ý, sự trái tim tiếp nối với trái tim, là trước tiên phó xuất mà không cầu báo đáp ngược lại. Cớ sao chỉ mong cầu mình là người được lợi nhiều hơn trong một mối quan hệ?
Con người biết nhau bởi chữ duyên, kết giao bởi chữ tình, quý nhau bởi nhân phẩm, kính trọng nhau bởi đức hạnh. Trong dòng sông cuộc đời, vì có chút tình ấm áp nên cuộc sống càng thêm nồng ấm và đặc sắc. Nhưng những tình cảm này giống như những lọ hoa tinh xảo lại dễ vỡ, cần lau chùi thường xuyên mới sạch bóng bụi trần ai, cũng cần toàn tâm trông coi săn sóc mới có thể hoàn mỹ được. Trong thế giới tình cảm không có cái đúng hay sai tuyệt đối, chỉ có người biết thấu hiểu trân quý hay không mà thôi. Nếu trân quý thì sẽ chân thành khoan dung, nếu không trân quý thì quay người bỏ đi.
Minh Hoàng biên tập